Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Triệu chứng như ốm nghén sau mắc Covid-19

Nhiều người khi mắc Covid-19 trong giai đoạn cấp tính hoàn toàn không có triệu chứng gì nhưng sau đó 2 đến 4 tuần họ lại cảm giác mệt mỏi, người như ốm nghén.

Chị Ngô Thị Lan A. (sinh năm 1989, Hoài Đức, Hà Nội) cho biết hai mẹ con chị là F0 từ 3 tuần trước. Đến nay chị và con đã âm tính nhưng bản thân chị Lan A. thấy rõ có nhiều thay đổi trên cơ thể.

Sau khi mắc Covid-19, chị Lan A. bị mất khứu giác, vị giác và đã có trở lại nhưng chị luôn có cảm giác mệt mỏi, chán ăn, ăn cái gì cũng cảm giác muốn nôn như người ốm nghén. Đặc biệt chị sợ ngửi thấy mùi thức ăn giống hệt hồi chị ốm nghén.

Chị Lan A. cũng tưởng rằng mình có thai thậm chí mua que thử thai về không lên vạch nào, chu kì kinh nguyệt vẫn đến nhưng triệu chứng 'ốm nghén' không dứt.

Anh Lê Đức T. (45 tuổi, Long Biên, Hà Nội) cũng chia sẻ anh bị F0 từ Tết dương lịch. Đến nay, sau khi khỏi bệnh anh T vẫn thấy mệt, chán ăn, thậm chí cảm giác như trào ngược thực quản khi ăn gì đó.

Vợ anh T. phải chuẩn bị đồ ăn cho chồng như bà bầu khi chia số lượng thức ăn ra làm 5, 6 bữa ngày như là hoa quả ngọt, sữa chua và các loại thực phẩm không mùi để anh T. đỡ cảm giác khó chịu.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM, thời gian qua có quá nhiều trường hợp giống với chị Lan A., mọi người thấy mệt mỏi, đau chỗ này, đau chỗ kia mà rất mơ hồ không rõ ràng nên coi là di chứng hậu Covid-19.

BS Khanh cho rằng các phản ứng của cơ thể với virus, vi khuẩn đều có và sau đó sẽ còn các biểu hiện khác và sẽ mất dần theo thời gian.

Ảnh minh hoạ. 

Tuy nhiên, khi chúng ta mắc Covid-19 thì sẽ có lo lắng hơn. Các nghiên cứu cho thấy, tình trạng đau nhức hết nhanh hay chậm tùy thuộc vào tinh thần của người đó. Việc stress, mất ngủ, lo lắng, đi sâu tìm nguyên nhân… sẽ làm đau nhức thêm. Vì vậy, bác sĩ Khanh cho rằng nếu bạn có triệu chứng khác lạ nên bình tĩnh coi như phản ứng của cơ thể thay vì lo lắng, sợ hãi Covid-19.

Khi có biểu hiện đau nhức, mệt mỏi là hiện tượng chúng ta cần sử dụng năng lượng để tạo ra kháng thể chống lại lần thứ 2 tác nhân gây bệnh xâm nhập.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Văn Út, Chuyên Khoa Nhiễm, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long – song song với việc điều trị các ca mắc Covid-19, một số F0 dù được công nhận khỏi bệnh, nhưng vẫn có các triệu chứng kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng.

Có những nghiên cứu trên thế giới chỉ ra sau khi nhiễm Covid-19 người bệnh vẫn còn các triệu chứng. Triệu chứng thường gặp là mệt mỏi kéo dài, chán ăn, đau đầu, đau người, khó ngủ, căng thẳng tinh thần, đau tức ngực, khó thở khi vận động mạnh.

Sau khi nhiễm Covid-19, nhiều người còn để lại di chứng nặng nề. Vì vâỵ, bác sĩ Út khuyến cáo người bệnh sau khi âm tính có thể phải tới bệnh viện kiểm tra sức khoẻ tổng quát để đánh giá có biến chứng của bệnh Covid-19 hay không từ biến chứng đơn giản như mệt mỏi, chán ăn cho tới biến chứng mạch máu, tim mạch.

Dinh dưỡng để hồi phục sức khoẻ sau khi bị bệnh cũng rất quan trọng, bạn có thể tăng cường các chất bồi bổ, ăn theo chế độ phù hợp với cơ thể, bổ sung thêm vitamin và uống nhiều nước kết hợp với các chế độ ăn uống đủ chất béo, gluxit, chất đạm…

Nếu chán ăn có thể chia làm nhiều bữa ăn, thay đổi khẩu phần ăn để giúp ăn ngon miệng hơn.

Những người mắc Covid-19 đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì mắc thêm 1 lần bệnh coi như bổ sung thêm 1 mũi vắc xin Covid-19 “xịn”, đến nay theo khuyến cáo của nhiều nhà sản xuất vắc xin thì người nhiễm sau 6 tháng có thể tiêm lại mũi vắc xin tăng cường.

Tuy nhiên, cũng có nhiều khuyến cáo cho rằng tuỳ theo tình hình dịch ở khu vực bạn đang sống có thể rút ngắn xuống 3 tháng sau nhiễm sẽ tiêm thêm mũi vắc xin tăng cường.

Sau khi khỏi Covid-19 vẫn cần lưu ý đảm bảo tuân thủ 5K và dinh dưỡng thật tốt. Bởi vì quá trình mắc Covid-19 cũng ảnh hưởng tới dinh dưỡng, làm cơ thể suy nhược hơn. Ngoài ra, hậu F0 vẫn phải kiêng cữ nếu có  các bệnh đi kèm. Ví dụ bạn bị tiểu đường mà mắc Covid-19 thì vẫn cần hạn chế đường, trái cây ngọt. Bị tăng huyết áp thì hạn chế ăn mặn.

Đặc biệt, sau nhiễm Covid-19 vẫn cần vận động. Vận động rất quan trọng để khôi phục lại thể lực. Nếu người bệnh thể nhẹ, không có triệu chứng thì cần tập thể dục 30 phút/ngày. Người bị bệnh Covid-19 nặng, có bệnh nền có thể tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của chuyên gia phục hồi chức năng.

K.Chi 

Mạng Y Tế
Nguồn: Infonet (https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/trieu-chung-nhu-om-nghen-sau-mac-covid-19-403318.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY