Ngoài ra, cũng xuất hiện nhiều ổ dịch, nhiều hình thái lây mới: Lây ở bệnh viện (BV), trong cộng đồng, trên máy bay, trong quán bar, lây trong khu cách ly… Do dịch diễn biến phức tạp nên mỗi chúng ta đều có thể mắc, nhất là trong môi trường kín, đông người.
Để kịp thời phát hiện những nguồn lây nhiễm Covid-19 đang âm thầm trong cộng đồng, Bộ Y tế lưu ý các địa phương giám sát các trường hợp bị ho, sốt, đau cơ, mất vị giác... Các cơ sở khám chữa bệnh công lập khi gặp bệnh nhân có những dấu hiệu này cần đưa đến phòng cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Cơ sở y tế tư nhân và các hiệu Thu*c khi thấy những người này đến khám, mua Thu*c cần báo ngay cho Trạm y tế hoặc Trung tâm y tế.
Hiện cả nước vẫn còn 3 tỉnh là Bến Tre, Lai Châu, Tuyên Quang chưa triển khai được phương pháp xét nghiệm RT-PCR. Bên cạnh đó, 11 tỉnh là Hà Giang, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long chưa đủ năng lực xét nghiệm khẳng định.
Sau khi ổ dịch tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương lây lan ra hơn 10 tỉnh thành phố, Bộ Y tế đã lập tức yêu cầu các BV tuyến cuối tăng cường xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh và người nhà bệnh nhân. Đặc biệt xét nghiệm định kỳ, ít nhất 7 ngày/1 lần tại những khu vực nguy cơ cao như khoa cấp cứu, khoa khám bệnh, khoa thận nhân tạo, khoa hô hấp, truyền nhiễm...
Bộ cũng đề nghị các địa phương tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm (năng lực truy vết, lấy mẫu, bảo đảm máy móc, sinh phẩm, kỹ thuật viên); tiếp tục phát huy vai trò của tổ chuyên gia phân tích diễn biến tình hình dịch; khoanh vùng cách ly gọn nhất có thể, tránh cực đoan, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân; đặc biệt cần tăng cường xét nghiệm sàng lọc, tầm soát nguồn bệnh ở những khu vực có nguy cơ, chủ động truy tìm F0; triển khai lắp đặt camera giám sát ở những khu vực có nguy cơ…
Chỉ xét nghiệm sàng lọc mới có thể nhanh chóng phát hiện được các mầm bệnh. Xét nghiệm sớm, phát hiện nhanh có vai trò rất lớn cho việc chẩn đoán và triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Hiện nhiều BV đã chủ động lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà.
Hiện BV Da liễu trung ương đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn bộ cán bộ, nhân viên và người lao động bằng hình thức gộp mẫu xét nghiệm Realtime RT-PCR phát hiện SARS-CoV-2. BV Hữu Nghị đã tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho tất cả các đối tượng: Bệnh nhân nhập viện theo hẹn, cấp cứu; bệnh nhân đang nằm điều trị nội trú; người nhà, người giúp việc chăm nuôi người bệnh thường xuyên; nhân viên dịch vụ căng tin, vệ sinh công nghiệp, trông giữ xe…
Tại TPHCM, Sở Y tế cũng đã chỉ đạo khẩn các BV trong thành phố, yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh và người nuôi bệnh trong bệnh viện. Với các BV đã được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định Covid-19 thì tự làm cho nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc bệnh nhân. Còn với các BV chưa được Bộ Y tế cho phép làm xét nghiệm khẳng định, BV tự lấy mẫu và vận chuyển đến đơn vị khác để làm xét nghiệm theo sự điều phối của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM.
Theo các chuyên gia y tế, dù tăng cường xét nghiệm thì cũng không thể cùng lúc thực hiện được hết cho toàn dân và cũng không đủ nguồn lực để xét nghiệm hàng ngày. do vậy, biện pháp 5k: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập đông người, khai báo y tế được xem là rào chắn cắt đứt nguồn lây nếu có mầm bệnh rơi rớt trong cộng đồng.
Đồng thời, ngành y tế cũng tiến hành ngay việc xử lý, phun khử trùng triệt để môi trường tại nơi bệnh nhân thường trú; các địa điểm bệnh nhân đã từng đến, ở; các phương tiện vận chuyển và các khu vực có liên quan khác theo đúng quy định tại hướng dẫn giám sát và phòng, chống dịch Covid-19.