Cô từng vẽ hàng chục bức tranh về những sinh hoạt bản thân trong đời thường. Song, đó là những bức về con người đầy đủ tay chân. Thực tế cô có đôi chân nhưng bẩm sinh nó đã không thể phát triển bình thường, cứ teo lại. Cô vẽ đến nỗi mệt bã bời, ngất bên giá nhưng phép màu vẫn không xảy ra. Cô vẫn chỉ là cô, hai chân không thể đi lại như bao người. Lúc khỏe lại, cô ngồi bên những bức được vẽ vừa bằng ước mong, sự tưởng tượng, trộn với những gam màu cuộc sống sinh động. Có khi là một bà cụ bán nước chè bên hè phố tãi thóc nuôi chim trời, người lao công gom lại những khóm hoa sau tết. Có khi là một thiếu nữ dắt bà cụ già đi ngang qua đường, rồi một đôi thiên thần bay trên bầu trời xanh. Tranh nào cũng bời bời tươi sáng. Diệp Vân và gia đình không thể ngờ cô có khả năng ấy. Cô học không nhiều. Đó là năng khiếu bẩm sinh, như thể sinh ra trong máu cô đã có khả năng hội họa, cầm cọ thạo cả hai tay.
Càng lớn lên, cô càng chẳng muốn muộn phiền vì số phận buộc phải gắn bó cả đời với chiếc xe lăn. Nó như một sự hiển nhiên. Xe lăn là đôi chân cô, bạn đồng hành cùng những ước mơ từ tấm bé đến thời thiếu nữ. Bù lại, cô được ban cho khuôn mặt hiền từ sáng láng như thánh nữ. Mũi cao, mắt sáng, da trắng. Nụ cười điềm đạm, dù sâu thẳm bên trong là nỗi u uẩn. Bố mẹ và hai em yêu thương cô vô bờ. Diệp Vân cảm nhận điều đó qua cách chăm sóc, nói năng, chia sẻ hằng ngày.
Cạnh nhà Diệp Vân là xưởng tranh của bác Tảo. Một hàng xóm, cũng là một bạn vẽ tốt bụng. Bề ngoài bác cũ kỹ, xù xì nhưng bên trong là tấm lòng nhân hậu. Bác sống nghệ sĩ, sốt sắng theo đạo và hát thánh ca tuyệt hay. Cô và bác chung điểm yêu lời ca, thích vẽ và nội tâm. Thi thoảng cô vẫn sang hỏi bác kỹ năng, ngắm những bức bác mới hoàn thành và nhâm nhi cảm xúc dội lại từ màu xanh trong tranh. Sự sâu thẳm, trăn trở với cuộc sống hiện tại chăng lên những vệt màu chồng lấn. Điều đặc biệt bác hay nói đến sự rạn vỡ âm thầm trong các gia đình hiện đại, nhưng trong tranh thường mô tả về sự đoàn tụ, hiến dâng, đủ đầy.
Thời gian gần đây nhiều người giàu có đánh xe hơi tìm đến bác Tảo nhờ vẽ gia đình họ. Người ta mang đến những bức ảnh chụp kỷ niệm, rồi yêu cầu vẽ lại. Có thể vẫn người đấy nhưng cảnh cũ. Hoặc người họa sĩ nhìn gương mặt trong ảnh để sáng tạo thêm cho chủ đề gia đình hạnh phúc, hoặc đại loại đang thăng hoa vui sướng. Vân hiểu rằng con người đang muốn khuếch đại nụ cười họ, tìm niềm vui qua những bức tranh. Công việc không nhàn nhưng có điều theo đơn đặt hàng, người họa sĩ vẽ ra tác phẩm mà không cần phải rao bán tranh. Bác Tảo nhận lời, cần mẫn vẽ. Từ đó bác ít đi dạo quanh công viên hơn. Càng vẽ bác càng nhận được những yêu cầu của khách. Yêu cầu đến từ một mối bức thiết nào đó ngoài xã hội. Nhiều vị phong cách sang trọng nhưng cũng có vị cố ăn mặc đẹp mà không giấu nổi khuôn mặt phạc phờ mệt mỏi. Họ năn nỉ như thể nếu không có tranh họ sẽ mất một cái gì quan trọng lắm. Việc vẽ lại những bức ảnh quan trọng đến thế sao? Bác Tảo nói:
- Dường như đó là một phong trào cháu ạ. Dường như bên trong họ có một điều khó nói hay giải thích. Họ muốn níu kéo gia đình bằng những bức tranh. Hoặc dùng tranh để là phẳng những nếp nhăn của cuộc sống.
Họ cũng như cô, cố nhân lên những khoảnh khắc đẹp, đủ đầy để che bớt sự khuyết thiếu. Có những sự khuyết thiếu, như Vân, thật đáng sợ. Tự dưng Vân thấy tội nghiệp cho những người đó. Đôi khi con người ta cứ phải tự lừa dối mình.
Chỉ trong một thời gian ngắn, bác Tảo vẽ được hơn hai mươi bức cho gần hai mươi vị khách. Họ đều xêm xêm tuổi bác, cỡ gần sáu mươi trở lên. Trong số những khách lạ, một vị lạ hơn cả, nhờ bác Tảo giới thiệu nữ họa sĩ trẻ. Bác nghĩ ngay đến Diệp Vân. Cô ấn tượng đôi mắt ông. Đen, sâu và cuốn hút. Ông đưa cô hơn chục bức ảnh, có chiếc chụp hai vợ chồng ông, bức cả gia đình ba đứa con hai trai, một gái. Hai người hợp đồng miệng về những bức tranh tả chân. Vị khách ra một cái giá rất cao. Cô tự hào về điều đó. Trước sự mở lòng nhận lời của cô, vị khách còn thấy mang ơn.
***
Khách sốt ruột nên đến xem ngay khi bức đầu tiên hoàn thành. Ông Đàn ưng ý. Về sau, mỗi khi hoàn thành một bức ông đều gọi điện nhờ Diệp Vân chụp gửi qua tin nhắn. Ông cười vì đã tìm ra người làm được việc.
Đúng hẹn, vị khách đến nhận tranh. Cô không ngờ cô lại được vị khách khen nhiều đến vậy. Ông nói, đã đi nhờ một số người, nhưng dù họ là họa sĩ tên tuổi, dùng cả dòng lụa và acrylic cùng những chất liệu hiện đại, nhưng vẫn không làm ông hài lòng.
Cũng đề tài ấy dưới tay Diệp Vân, ngay cả nụ cười của ông, cô cũng lột tả được một cách rõ nét, không gượng ép. Còn đôi mắt thì khỏi phải bàn. Nó thật. Nó đúng là mắt ông. Long lanh đấy nhưng ngầm bên trong là giông bão. Cuộc sống hiện tại dù đủ đầy, quần áo ông mặc dù sang trọng, cả chiếc xe hơi cáu cạnh ông ngồi dù làm chìm khuất cái giông bão, ẩn ý vào sâu trong màn sương, thì cô gái tật nguyền trong góc phố bình dị đã có sức kéo nó trở lại. Để ông thấy mình đẹp, sang trọng nhưng mình vẫn là mình.
Lúc giải lao, giọng bác Tảo chùng xuống. Bác đưa cho Diệp Vân xem hợp đồng, chồng ảnh vẽ hai mươi tranh cho một vị giáo sư già. Vị giáo sư muốn lột tả vẻ lãng mạn của ông bên người tình kém mình ba mươi tuổi. Trong ảnh thật, vị giáo sư ôm hoa rạng rỡ nhưng lộ vẻ nua già, còn cô gái đứng khép nép trẻ trung bên cạnh. Nay giáo sư muốn hai người tình tứ, thật long lanh trong tranh. Giáo sư bất an nay muốn một sự bảo đảm, hay đó là điều ông ao ước? Vân không dám đoán. Nhưng có lần bố cô bảo, những đôi mắt yếu ớt thường thích nhìn cái long lanh.
Bác Tảo cất bản hợp đồng cùng những tấm ảnh, rồi ngồi tựa lưng vào ghế. Lâu nay bác không muốn nói nhiều đến đạo lý công việc. Thế mà hôm nay bác đã mở lòng.
Hai bác cháu ta đang là những thợ vẽ chính cống. Chúng ta tạo niềm vui cho người khác bằng những bức vẽ đẹp hơn ảnh của họ, sáng tạo ra những chi tiết, những hoàn cảnh mà bản thân chúng ta không được chứng kiến, để lấy tiền. Chẳng hiểu sao, bác đang nghĩ đến một thứ bệnh. Đó là bệnh tự huyễn.
Lời của bác khiến tâm trạng Diệp Vân bỗng hoang mang. Dù thế nào, trong tâm thức của một thiếu nữ, cô vẫn hằng mơ đến sự vẹn toàn.
***
Ông Đàn gọi điện, nói muốn đưa cô con gái đến gặp Diệp Vân. Cô đồng ý. Cô vẫn ấn tượng với một gia đình có hai con trai, một cô con gái. Cô con gái có nụ cười tươi như hoa. Cô con gái ông Đàn được đưa đến còn đẹp hơn trong ảnh, kém Vân một tuổi và cùng chịu sự khiếm khuyết. Cô bé tên Hoa. Hoa xin phép bố được ở lại nói chuyện, chừng hai giờ sau đến đón.
Cô bé đã khóc nức nở trước mặt Vân. Sau khi ngơi khóc, Hoa cảm ơn Diệp Vân đã vẽ cho gia đình cô những bức tranh tuyệt vời. Rồi cô gái lại khóc.
- Em biết, khóc trước mặt người mình gặp lần đầu là điều không nên. Nhưng em đã biết chị khi bố em mang tranh về. Bố nói người vẽ là họa sĩ ngồi xe lăn. Em cũng như chị, nhưng em không có được khả năng ấy. Em nghĩ chị có một gia đình hạnh phúc. Không như em, gia đình em có của nả, nhưng chẳng ra sao cả. Bố em thực sự mệt vì mẹ em. Em cũng mệt vì hai người anh trai.
Diệp Vân nghe mà lòng se sắt buồn. Càng buồn hơn khi ông Đàn, bố cô bé đang tìm mọi cách hàn gắn vết rạn nứt của gia đình mà bất lực. Những bức tranh là vật để níu kéo sự nhìn nhận lại của người vợ trong gia đình. Sau cùng Hoa đề nghị:
- Em cũng sẽ đặt chị vẽ cho em. Em không muốn bị giới hạn bởi chiếc xe lăn. Em muốn có đôi cánh bay lên trời. Em đã lê la suốt thời thơ ấu. Giờ em là thiếu nữ rồi, không thể yếu đuối mãi như vậy. Giúp em chị nhé.
Có thêm một sự đồng cảm, Diệp Vân vẽ nhanh như lên đồng. Hai tay, toàn bộ tâm trí hòa quyện với sắc màu. Cả đêm cô phác thảo cô gái vươn đôi cánh lên trời xanh. Hôm sau, cô di chuyển ra công viên ngồi vẽ, đi vào những chi tiết và biểu cảm. Mãi đến giữa chiều khi nắng xuống cô mới trở về. Một bức tranh ưng ý cho cả hai. Vân chưa thấy bức nào mình sáng tạo tốt đến vậy.
Cô nghe thấy tiếng bố mẹ cãi nhau. Gay gắt. Đau điếng. Cô cố nấp đi để nghe những lời hai người đay nghiến nhau bung ra trong không gian. Vậy là bấy lâu nay cả hai ngụy trang. Thực tế tình cảm của bố mẹ đã phai nhạt từ lâu. Bao nhiêu che đậy, giấu giếm giờ bị phơi ra.
- Nó không phải con tôi thì trách nhiệm gì chứ. Cô cứ mang con bé tật nguyền ấy theo thằng cha đó đi.
- Em xin anh, các con đang sống tốt - người mẹ van nài - Anh cũng đã coi nó là con gái. Đừng khoét rộng vết thương…
- Tôi chịu đủ rồi! - Bố cô gắt lên.
Mọi hình ảnh về một mái ấm, một gia đình giàu có tiếng cười dần tan vỡ. Diệp Vân thấy buốt ở tim. Hẳn bố mẹ đã cãi nhau không ít lần. Nhưng họ đã bưng bít, đã cố để khỏa lấp mâu thuẫn và nỗi đau âm ỉ. Gia đình này có khác gì gia đình em bé Hoa kia. Chỉ có cái vỏ bọc.
Bức tranh vẫn buộc phía sau xe lăn. Diệp Vân quay đầu. Cô hướng ra phía công viên. Mà công viên có hồ rộng. Cô rẽ dòng người để sang đường. Lá cây đang pha màu nhập nhoạng tối. Cô dồn hết sức lực vào hai bàn tay, lăn bánh, chiếc xe lao đi. Chợt có tiếng bố, mẹ gọi phía sau. Cô không đứng lại, cũng chẳng biết mình đã lăn xuống dốc tự lúc nào. Hai mắt nhòe lệ. Tiếng bố mẹ vẫn khản đục gọi phía sau, trong ập òa nhập nhèm gió và ánh đèn… T.H
Thu Hằng
Chủ đề liên quan:
truyện ngắn