Dừng xe trước một con hẻm nhỏ, ông Phạm Ngọc Cần - Phó Bí thư Đảng ủy Phường 11, quận Bình Thạnh (TPHCM) cùng các tình nguyện viên xách theo những phần quà tiến vào bên trong "xóm rác".
Đã từ lâu, người dân quen gọi khu họ sinh sống là "xóm rác" vì trước đây, nơi này là một bãi rác lớn. Cũng vì đa số người ngụ ở nơi này đều đã gắn bó với nghề nhặt rác, quét rác, thu gom rác… từ nhiều năm.
Đứng trước cánh cửa sắt đã gỉ sét, ông Phạm Ngọc Cần cất tiếng: "Cô Nguyễn Thị Tuyết có ở nhà không ạ? Cô đeo khẩu trang ra nhận quà của phường giùm con nhé, cô ơi!".
"Dạ có!" - một giọng nói trong nhà vọng ra lập tức. Hơn chục giây sau đó, một người phụ nữ trung niên bước ra, mở cánh cửa với niềm hân hoan, vui mừng.
Tổ công tác len lỏi trong từng con hẻm, trao quà trực tiếp đến những gia đình đang cần giúp đỡ. |
Đón nhận 2 túi thực phẩm từ tay ông Phạm Ngọc Cần, người phụ nữ xúc động đến mức bật khóc. Cô liên tục nói cảm ơn trong khi bàn tay nhăn nheo, đen nhẻm vì lao động vất vả không ngừng quẹt nước mắt.
"Từ ngày giãn cách tới nay, được phát phiếu đi chợ nhưng cô chưa đi một lần nào. Nhà cô không có tiền mà mua. Ăn uống phải tằn tiện từng miếng chứ sợ hết đồ thì cả nhà ch*t đói. Nay được phường giúp đỡ đồ ăn… mừng quá!" - cô Nguyễn Thị Tuyết nghẹn ngào trong nước mắt.
Cô cùng chồng làm nghề gom rác mướn đã mấy chục năm nay. Năm trước, chồng cô không may mắc căn bệnh suy tim, không còn khả năng lao động. Từ đó, gia đình càng ngày càng khó khăn khi thu nhập của cô mỗi tháng chỉ vỏn vẹn 5 triệu đồng. Con gái làm nhân viên bán hàng ở siêu thị cũng gắng đỡ đần được phần nào chi tiêu và lo được tiền học cho cậu em trai đang học cấp 2.
Nếu cứ như vậy, gia đình cô Nguyễn Thị Tuyết dù vất vả nhưng vẫn có thể "ăn no, ngủ ấm" mỗi ngày.
Nhưng dịch bệnh ập đến...
2 túi quà mà địa phương gửi tặng, gồm: Gạo, rau củ tươi cùng một số nhu yếu phẩm... giống như "chiếc phao cứu sinh" giúp gia đình cô Nguyễn Thị Tuyết vượt qua những ngày gian khó phía trước. |
TPHCM bắt đầu chuỗi ngày giãn cách dài đằng đẵng. Con gái của cô Nguyễn Thị Tuyết rồi cũng thất nghiệp. Giờ đây, tiền Thu*c thang của chồng mỗi tháng 3-4 triệu đồng, cùng cái ăn cho cả nhà chỉ có thể dựa vào đồ ve chai mà cô gom được mỗi ngày.
Trong tình cảnh này, 2 túi quà mà địa phương gửi tặng, gồm: Gạo, rau củ tươi cùng một số nhu yếu phẩm... giống như "chiếc phao cứu sinh" giúp gia đình cô phần nào vượt qua những ngày gian khó phía trước.
Rời nhà cô Nguyễn Thị Tuyết, Phó Bí thư Đảng ủy Phường 11, quận Bình Thạnh cùng tổ thanh niên tình nguyện tiếp tục chở theo những phần quà đi gõ cửa để trao yêu thương cho những hộ khó khăn khác.
Ông Phạm Ngọc Cần chuyển quà tới hộ gia đình có F0 đang điều trị tại nhà. |
Dựa theo danh sách được tổ dân phố cung cấp, ông Phạm Ngọc Cần dừng lại trước một căn nhà 3 tầng, khá khang trang. Phó Bí thư nhìn kỹ danh sách, rồi ngước lên số nhà như để xác nhận không đi nhầm địa chỉ.
Biết đã có sơ sót, ông nói với tình nguyện viên đi cùng đứng nép vào lề đường đối diện, rồi lấy điện thoại ra gọi cho tổ trưởng dân phố để xác minh rõ tình hình.
Sau khi làm rõ sự nhầm lẫn về đối tượng được nhận hỗ trợ, ông Phạm Ngọc Cần lập tức đánh gạch chéo vào tên một hộ gia đình không khó khăn ghi trong danh sách, rồi tiếp tục đến những hộ nghèo thực sự.
Phó Bí thư Đảng ủy Phường 11 chia sẻ: "Danh sách những người khó khăn do tổ dân phố lập, gửi lên phường. Chúng tôi sẽ dựa vào danh sách đó để chuẩn bị các phần quà và đi tặng. Tuy nhiên, trong quá trình phát quà cũng sẽ xem xét thật cẩn thận hộ đó có thực sự khó khăn hay không. Đảm bảo những phần quà sẽ đến được đúng nơi, hỗ trợ được đúng người đang cần".
Trong một con hẻm khác ở "xóm rác", ông Phạm Ngọc Cần tìm đến chiếc lều nhỏ - nơi anh Hoàng Châu Hải (50 tuổi) đang ở.
Gọi là lều cũng chẳng đúng mà chính xác hơn chỉ là một mái che được dựng dựa vào vách tường, xung quanh có nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh. Đây là nơi anh trú mưa, tránh nắng suốt bao năm qua.
Những phần quà nghĩa tình được trao tận tay anh Hải ngay dưới tấm mái che xập xệ của người đàn ông "tứ cố vô thân". |
Theo lời kể của người dân tại đây, anh Phạm Ngọc Hải mắc tai biến đã lâu, từng ở chung với gia đình trong xóm này. Nhưng nhiều năm trước, gia đình anh gặp biến cố, quá khó khăn phải bán nhà rời đi hết. Người đàn ông này từ đó rơi vào cảnh "tứ cố vô thân", mang bệnh tật lang thang chẳng có nơi nương tựa.
Thấy vậy, hàng xóm gom góp mỗi người một ít để dựng cho anh chiếc mái che làm chỗ trú ngụ. Mỗi ngày, mọi người thay nhau mang đồ ăn đến cho anh, ai có rau cho rau, ai có gạo cho gạo. Cứ như thế, anh sống được nhờ sự che chở của tình làng nghĩa xóm suốt nhiều năm qua.
Dịch bệnh ập đến, người dân "xóm rác" còn khó khăn hơn, thiếu thốn đủ đường nên đôi lúc chẳng có dư mà giúp đỡ cho người đàn ông số khổ. Anh Phạm Ngọc Hải cũng không ít lần nằm co ro trên tấm ván gỗ... cố nhịn cho qua ngày và cầu mong may mắn được bữa cơm lót lòng.
Nhận được phần quà từ chính quyền địa phương, anh vui lắm, cứ nói cảm ơn liên tục.
Những người hàng xóm của anh cũng ghé mắt nhìn qua khung cửa, lớn tiếng chúc mừng và vui thay cho người đàn ông này.
Nhiều tháng trước, ngay khi dịch bệnh bùng phát, Phường 11, quận Bình Thạnh đã có nhiều chương trình tặng quà hỗ trợ người dân trên địa bàn.
"Nơi tập kết" của những phần quà nghĩa tình là trường Tiểu học Phan Văn Trị (phường 11, quận Bình Thạnh). |
Khi TPHCM bắt đầu giãn cách xã hội, lãnh đạo phường không mời bà con tập trung lên trụ sở nhận quà nữa, tránh tụ tập đông người. Thay vào đó, địa phương sẽ tổ chức các đoàn mang quà đến từng hộ dân.
Hơn 2 tháng vừa qua, hầu như ngày nào cán bộ phường cũng thay nhau đi phát quà. Số lượng quà mỗi ngày dao động từ vài chục đến vài trăm phần, tùy theo nguồn cung từ quận, thành phố hoặc các mạnh thường quân gửi về.
Ngồi bên đống rau muống, chị Chế Ngọc Thủy - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, cẩn thận nhặt, lựa ra từng cọng rau xanh để gửi đến người dân.
Từ lúc dịch bệnh bắt đầu bùng phát, phường tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ người dân, chẳng có lúc nào chị Thủy vắng mặt. Chị phụ trách việc chọn lọc lại và phân chia rau củ quả được tặng.
Chị Chế Ngọc Thủy ngồi lựa rau muống để gửi tặng người dân. |
Theo chị Chế Ngọc Thủy, các loại rau củ được các nhà tài trợ gửi về thường phải đi đường dài, mất nhiều ngày mới đến nơi nên ít nhiều bị hư hao. Vậy nên, chị kêu gọi mọi người cùng tới góp sức lựa ra, có khi rửa sạch lại tất cả để đảm bảo các phần quà đều chất lượng, tươi ngon khi gửi tặng người dân.
Những món còn nguyên chị để dành cho người dân. Món nào bị hư nhiều quá thì cố gắng lọc lại, để chia cho chị em trong khu phố.
"Vì đó là tấm lòng, là tiền của, công sức của mạnh thường quân nên phải thật trân quý, phải tận dụng triệt để. Lúc này nhiều người không có để ăn, nếu mình may mắn có thì không được bỏ phí dù chỉ một chút" - chị Chế Ngọc Thủy chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Kim Hoa (54 tuổi) vui mừng khi nhận phần quà từ chính quyền địa phương. |
Theo ông Phạm Ngọc Cần, số lượng các hộ khó khăn ở địa phương mỗi ngày lại tăng lên nhiều hơn theo thời gian, nhiều người thất nghiệp, không có thu nhập. Nhiều gia đình trước đây vẫn ổn, nhưng giãn cách lâu, khiến số tiền dành dụm cạn kiệt, cũng rơi vào khó khăn.
"Chúng tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để chăm lo đời sống người dân được tốt hơn, để không ai bị bỏ sót lại phía sau trong lúc khó khăn này" - Phó Bí thư Đảng ủy Phường 11, quận Bình Thạnh chia sẻ.