Nhắc đến u cuộn mạch thường nghĩ ngay đến u cuộn mạch dưới móng. U cuộn mạch có thể ở nhiều vị trí khác nhau nhưng để gây phiền toái cho bệnh nhân thì thường gặp nhất ở ngón tay.
Vị trí dưới móng là gặp nhiều nhất, tuy nhiên có thể gặp ở vị trí khác của ngón tay ngoài vùng dưới móng, trong đó có vị trí vùng búp ngón tay - đây là một
tổn thương rất hiếm gặp.
Vì sao lại có u cuộn mạch?
Cuộn mạch là một cấu trúc giải phẫu nằm dưới da, có ở nhiều vị trí trên cơ thể cũng như trong các cơ quan, tuy nhiên thường gặp nhất là ở đầu các ngón tay và ngón chân. Cấu trúc này là một phức hợp trong đó chủ yếu là các thông nối trực tiếp từ động mạch sang tĩnh mạch (còn gọi là các kênh Sucquet-Hayer) mà không qua hệ thống lưới mao mạch. Ngoài ra là các loại tế bào và các đầu mút thần kinh đi cùng các mạch máu. Cuộn mạch có vai trò quan trọng trong điều hòa nhiệt độ cơ thể.U cuộn mạch phát triển trên cơ sở cuộn mạch, được Wood phát hiện năm 1812 và sau đó nhiều tác giả nhắc đến nhưng đến 1924 mới được Masson mô tả đầy đủ. U cuộn mạch hiếm gặp, chiếm chưa đến 2% u mô mềm, tỷ lệ ác tính rất thấp (<1%), chiếm dưới 1% các u của bàn tay. Thường gặp nhất ở các đầu ngón tay, ngón chân, tuy nhiên có thể gặp ở vị trí khác hoặc ở nhiều vị trí. Tùy theo thành phần chiếm ưu thế mà về mặt giải phẫu bệnh có thể chia u cuộn mạch thành nhiều loại nhỏ hơn.
Dấu hiệu nhận biết
Những khó chịu của bệnh nhân xuất hiện chủ yếu khi có va chạm vào vùng búp ngón tay trong các sinh hoạt hàng ngày. Khó chịu chính là triệu chứng đau buốt và có thể lan dọc lên phần trên của ngón tay, thường không kéo dài lâu và xuất hiện trở lại nhanh khi có kích thích tiếp theo. Về mặt lâm sàng, khác với u cuộn mạch dưới móng, vì nằm khá nông, ngay dưới móng nên một số trường hợp có thể quan sát thấy một tổ chức có màu sắc ánh xanh dưới móng tay của bệnh nhân và các thăm khám kích thích tại chỗ khá là đặc hiệu để chẩn đoán. Nhưng u cuộn mạch vị trí búp ngón thì không có khả năng quan sát trên lâm sàng, các kích thích trực tiếp gây các triệu chứng của biểu hiện kích thích thần kinh khá rõ ràng nhưng không dễ dàng khu trú được vị trí của khối u cuộn mạch vì nằm khá sâu.
Chẩn đoán hình ảnh vẫn đóng vai trò quan trọng
Về mặt hình ảnh học, siêu âm và cộng hưởng từ xác định có một khối u nhỏ, đường kính khoảng 2mm, chỉ được quan sát thấy trên một lát cắt của phim cộng hưởng từ. Khối u này nằm ngay phía trước xương đốt bàn 3 của ngón 4 tay phải, lệch về phía bờ ngoài của ngón tay. Chính vì vậy, chẩn đoán hình ảnh vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc xác định chẩn đoán cũng như định hướng cho phẫu thuật trong đó cộng hưởng từ có đóng góp nhiều hơn vì ngoài việc chẩn đoán xác định thì hình ảnh khách quan cho phép bác sĩ phẫu thuật lựa chọn đường mổ hợp lý để can thiệp vào
tổn thương.
Điều trị như thế nào?
Điều trị phẫu thuật là lựa chọn duy nhất khi đã có chẩn đoán xác định u cuộn mạch dưới móng. Kỹ thuật phẫu thuật tương đối đơn giản, mang lại hiệu quả cao. Phẫu thuật được thực hiện với 1 đường rạch khoảng 1,5cm về phía bờ ngoài đốt 3 của ngón 4, phẫu tích lấy được một khối u trắng đục đường kích khoảng 2mm tương ứng vị trí xác định trước đó trên phim cộng hưởng từ.
PGS.TS. Trần Trung Dũng