Hiện tại thành phố Hà Nội đang điều trị cho 9.463 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 3.340 người đang cách ly, điều trị tại trạm y tế lưu động và tại nhà (chiếm hơn 35%).
Trước thực trạng số ca F0 tại Hà Nội đang tăng cao, công tác lắp ráp Trạm y tế lưu động tại các địa bàn đã được khẩn trương thực hiện. Tại quận Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận cho biết, từ tối 13/12, Trung tâm giáo dục từ xa Nguyễn Văn Tố và Trường Tiểu học Quang Trung đã được trưng dụng để lắp ráp Trạm y tế lưu động. Đây là Trạm y tế lưu động thứ 3 của quận Hoàn Kiếm, sau trạm y tế lưu động tại Đồng Xuân và Hàng Thiếc. Cùng với đó, quận Hoàn Kiếm đã chủ động lên phương án chuẩn bị, trong điều kiện cần thiết, quận có thể thành lập tới 38 Trạm y tế lưu động.
Ông Hoàn cũng thông tin, quận Hoàn Kiếm có diện tích khá chật hẹp, mật độ dân số cao nhưng địa phương cũng đã cố gắng khắc phục khó khăn; qua khảo sát, địa phương đã lựa chọn các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn để thành lập các cơ sở thu dung.
Tại quận Hai Bà Trưng, ông Nguyễn Quang Trung, Chủ tịch UBND quận cho biết, quận sắp đưa vào vận hành cơ sở thu dung và điều trị F0 thể nhẹ tại ký túc xá Trường Đại học Xây dựng (phường Đồng Tâm) với quy mô 250 giường. Cơ sở này do UBND quận vận hành. Khu vực thu dung F0 thể nhẹ này có các khu đón tiếp bệnh nhân, khu căng tin, khu làm việc của các y, bác sĩ với hệ thống camera giám sát cũng như hệ thống loa truyền thanh để theo dõi bệnh nhân. Tại quận này, qua rà soát, chưa tới 30% hộ gia đình đủ điều kiện thực hiện cách ly F1, điều trị F0 tại nhà. Hiện quận đang có khoảng 50 F0 đang điều trị tại nhà.
Còn tại quận Tây Hồ, Trạm y tế lưu động số 1 tại Nhà thi đấu quận (thuộc phường Xuân La) đã chính thức được kích hoạt, tiếp nhận điều trị F0 thể nhẹ, không triệu chứng, quy mô 300 giường. Cơ sở thu dung không tiếp nhận các trường hợp F0 là phụ nữ mang thai, người có bệnh nền. Ngay khi kích hoạt, Trạm y tế lưu động số 1 phường Xuân La đã tiếp nhận quản lý, điều trị 45 trường hợp F0.
Trước số ca mắc đang tăng nhanh trong những ngày gần đây, Hà Nội đã triển khai 32 bệnh viện, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình Trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh. Hà Nội cũng đã triển khai thi công xong hệ thống ô xy tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra khí ô xy phục vụ người bệnh; tập huấn chuyên môn trực tuyến cho tất cả xã, phường, thị trấn và triển khai ứng dụng phần mềm để quản lý, theo dõi, điều trị cho F0 tại nhà.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người bệnh Covid-19 tại Trạm y tế lưu động.Tại TP HCM, những ngày gần đây có khoảng 900 ca mắc Covid-19 mỗi ngày, thấp hơn so với trước. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, thời gian qua đã xuất hiện trường hợp các cá nhân tự xét nghiệm nhanh có kết quả dương tính với Covid-19 nhưng không khai báo với y tế địa phương, giấu bệnh. Ngoài việc có thể gây nguy hiểm cho bản thân vì biến chứng, việc F0 không công khai cũng khiến cho dịch bệnh khó lường, khó kiểm soát và phức tạp hơn.
Anh T., 41 tuổi ngụ tại phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân, TP HCM) cho biết, hồi cuối tháng 10 vừa qua 2 người con trai của anh bị nhiễm Covid-19. Sau đó anh T có tìm cách liên lạc điện thoại với trung tâm y tế, tuy nhiên rốt cuộc lại tự tìm hiểu qua bạn bè, người thân để mua Thu*c điều trị. Gần một tuần sau cả hai con anh T. may mắn đều âm tính trở lại nhưng anh cũng không khai báo với y tế.
Thực tế tình trạng người dân ở TP HCM tự xét nghiệm nhanh và phát hiện dương tính nhưng không thông báo với lực lượng y tế địa phương, hoặc tự chữa khỏi bệnh mới thông báo đã xảy ra thời gian gần đây. Nguyên nhân là việc TP HCM khuyến khích người dân tự test nhanh định kỳ, người dân có thể dễ dàng mua Thu*c điều trị Covid-19 tại các nhà Thu*c, trên mạng nên nhiều người đã tự chữa. Ngoài ra thành phố cũng khuyến khích người dân là F0 triệu chứng nhẹ, không triệu chứng có thể tự điều trị ở nhà. Việc tự điều trị ở nhà và việc không khai báo để tự điều trị có nhiều khác biệt, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, rủi ro cho cả F0, người thân và cộng đồng.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM xác nhận đã xảy ra tình trạng người dân tự phát hiện bản thân mắc Covid-19 qua test nhanh nhưng không khai báo với lực lượng y tế địa phương do ngại phiền phức, thủ tục. Thậm chí có thể có tình trạng các F0 này vẫn lưu thông, đi làm gây nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng xung quanh.
Theo ông Thượng, tình trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ và cần các cơ quan truyền thông tích cực tuyên truyền, cảnh báo để người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phối hợp với lực lượng y tế cùng chống dịch. Ông Thượng cũng cho rằng nếu người nào biết bản thân mắc Covid-19 nhưng không khai báo, cố tình lây nhiễm cho cộng đồng xung quanh cần phải xử lý nghiêm để không ảnh hưởng tới người khác.
Trong khi đó, theo luật sư Tạ Minh Trình (thuộc Đoàn Luật sư TP HCM), từ tháng 11 vừa qua Sở Y tế TP HCM đã ban hành văn bản quy định quy trình xử lý, cách ly, điều trị F0 tại nhà. Trong trường hợp F0 tự phát hiện nhiễm Covid-19 nhưng không khai báo có thể phải đối diện với hậu quả pháp lý nếu việc này làm lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng tới nhiều người khác trong cộng động.
Tuy từng bước thích ứng với dịch Covid-19 nhưng các cá nhân F0 không nên lơ là, bỏ qua các quy trình phòng chống dịch theo quy định, tránh làm lây lan dịch đối với cộng đồng xung quanh.