Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Ứng phó với mưa lũ lớn khu vực miền núi phía Bắc và đồng bằng Bắc Bộ

(MangYTe) Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia thường xuyên cung cấp bản tin nhận định sâu hơn, sát hơn để ứng phó với mưa lớn tại Bắc Bộ.

Bnews Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia thường xuyên cung cấp bản tin nhận định sâu hơn, sát hơn để ứng phó với mưa lớn tại Bắc Bộ.

Người dân Yên Bái tích cực thu dọn khắc phục hậu quả do mưa lũ. Ảnh: Việt Dũng-TTXVN

Để chủ động ứng phó với mưa lớn tại khu vực miền núi phía Bắc và đồng bằng Bắc Bộ, ngày 2/7, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài yêu cầu Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia thường xuyên cung cấp bản tin nhận định sâu hơn, sát thực tế làm cơ sở nhằm phục vụ tốt công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan liên quan.
Các bộ, ngành và cơ quan liên quan có trách nhiệm tổng kiểm tra toàn bộ vật tư, lực lượng, máy móc, thiết bị để luôn sẵn sàng, không bất ngờ khi có tình huống thiên tai xảy ra, rà soát tất cả các tuyến đê từ cấp III, đồng thời đưa ra các phương án ứng phó trọng điểm tại các tuyến đê xung yếu...
Tổng cục Thủy lợi cần cung cấp tài liệu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.
Tập đoàn  Điện lực Việt Nam và Bộ Công thương cho biết, các đơn vị này đã kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó trước mùa mưa bão, những tồn tại trước đây đã được xử lý, hạ lưu hồ Hòa Bình không còn lồng bè, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã sẵn sàng phương án xả lũ khi có lệnh; sẽ diễn tập, phối hợp với địa phương khi xả lũ, kiểm tra cho phép việc tích nước để đảm bảo an toàn; lên phương án ứng phó với lũ quét, sạt lở đất.
Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cần sẵn sàng phương tiện, trang thiết bị phù hợp; sẵn sàng để tiếp cận đến vùng bị ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất; Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cần khẩn trương mua máy bay ko người lái phục vụ công tác; chuẩn bị phương án sơ tán dân; làm việc với các địa phương, với Bộ Y tế về ứng phó với thiên tai trong điều kiện vẫn còn dịch COVID19; thường xuyên cập nhật nắm bắt tình hình, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó.
Bộ Công thương cần lưu ý về van an toàn trong khai thác khoáng sản tại khu vực thường xuyên bị sạt lở, sập hầm lò.
Các cơ quan truyền thông cần đưa tin kịp thời tới người dân về mưa lũ ở Trung Quốc để người dân nắm được thông tin, tránh tâm lý hoang mang.
Các địa phương cần tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin, báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về  phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Nhận định về tình hình mưa, lũ ở Trung Quốc và tình hình khí tượng thủy văn khu vực miền núi phía Bắc và đồng bằng Bắc Bộ 6 tháng cuối năm 2020, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia - Tiến sĩ Mai Văn Khiêm cho biết, hiện nay, Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam tiếp nhận thông tin về mực nước, lưu lượng và lượng mưa từ 5 trạm thủy văn: Nguyên Giang, Mạn Hảo trên sông Nguyên (trên lãnh thổ Trung Quốc ở thượng lưu sông Thao); Thổ Khả Hà, Tứ Nam, Kim Thủy Hà trên sông Lý Tiên (trên lãnh thổ Trung Quốc ở thượng lưu sông Đà).

Trong 7 ngày qua (từ ngày 25/6 đến ngày 1/7), mực nước tại các trạm thủy văn trên có xu thế biến đổi chậm, chịu ảnh hưởng của thủy điện phía thượng lưu, không xuất hiện lũ, lượng mưa trung bình/ngày phổ biến 10mm-30mm. Mực nước các sông thuộc lưu vực sông Hồng- Thái Bình thuộc phần lãnh thổ Việt Nam đang biến đổi chậm và ở mức thấp.
“Trong quá khứ, lũ lớn xuất hiện trên lưu vực sông Lý Tiên và sông Nguyên trên lãnh thổ Trung Quốc chảy về Việt Nam đã gây lũ bất thường trên sông Đà và sông Thao như 2008, 2015, 2018. Tuy nhiên, lũ xuất hiện không đồng bộ, khi chảy về lãnh thổ Việt Nam, dòng sông được mở rộng, dòng chảy lũ yếu đi và "bẹt" sóng lũ nên các đợt lũ này không gây lũ lớn trên toàn lưu vực sông Hồng”- Ông Mai Văn Khiêm nhấn mạnh.
Lũ lớn trên báo động 3 lưu vực sông Hồng-Thái Bình được hình thành khi xuất hiện tổ hợp nhiều hình thế thời tiết gây mưa lớn như: bão, áp thấp nhiệt đới, dải hội tụ nhiệt đới, rãnh áp thấp… kết hợp với nền chân lũ ở mức cao trong nhiều ngày. 

Dòng chảy lũ từ Trung Quốc không đóng góp nhiều trong sự hình thành lũ lớn trên lưu vực sông Hồng mà sẽ làm gia tăng mức độ phức tạp diễn biến lũ trên nền lũ cao đã được hình thành.
Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp thuộc Văn phòng Chính phủ Đào Quang Tuynh nêu rõ, mưa lũ tại 26 tỉnh thành của Trung Quốc rất lớn, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, để có thông tin đầy đủ để báo cáo với Chính phủ thì Tổng cục Khí tượng Thủy văn có trách nhiệm thống kê số liệu nhằm khẳng định mối tương quan giữa mưa lũ ở phía Trung Quốc và Việt Nam, lũ ở Trung Quốc có tác động đến Việt Nam như thế nào; phải tính đến các kịch bản xấu nhất, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân như đã đề xuất phương án ứng phó vơi siêu bão, ứng phó với sự cố hồ chứa; trả lời câu hỏi là nguy cơ lũ lụt đe dọa đê điều, trong đó có đê ở khu vực Hà Nội, đến mức nào.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm rà soát việc thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị, chỉ đạo địa phương có phương án bảo vệ, bố trí kinh phí để xử lý; tham mưu, đề xuất các phương án xử lý; nỗ lực làm tròn trách nhiệm của mình; đảm bảo an toàn dân cư ven sông; phòng chống lũ quét, sạt lở đất; rà soát để ứng phó với tình huống ngập lụt vùng bãi sông, cân nhắc nếu thấy cần thiết thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xử lý các vấn đề cấp bách.
Theo Phó Chánh Văn phòng của Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Nguyễn Hữu Hùng, mưa lũ lịch sử tại Trung Quốc kéo dài gần 1 tháng là bất thường, không theo quy luật, xảy ra nhiều hệ lụy trong ứng phó với mưa lũ.

Ông đưa ra câu hỏi: Nếu điều này xảy ra tại Việt Nam thì ứng phó thế nào, sơ tán người dân ra sao?.

Ông Hùng đề nghị về phía cơ quan dự báo phải dự báo sát và chính xác để đưa ra phương án ứng phó. Trong trường hợp phải sơ tán dân thì lực lượng quân đội, công an cần phối hợp với các địa phương để thực diện cho hiệu quả.

Để chuẩn bị phương án ứng phó với các tình huống, Phó Chánh Văn phòng của Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Nguyễn Hữu Hùng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì, chỉ đạo, phối hợp với các lực lượng chức năng, tuyên truyền đến người dân trong việc ứng phó với mưa lũ bất thường, chỉ đạo của các cấp chính quyền, nhất là tại các khu vực phải di dời dân, các vị trí có nguy cơ sạt lở, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất cho việc ứng phó, kịp thời cứu trợ người dân...

Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn sẽ phối hợp, rà soát, sẵn sàng lực lượng để cùng phối hợp ứng phó với thiên tai…
Ông Lê Minh Nhật, Phó cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, tại khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra nhiều hiện tượng thiên tai cực đoan với 8 đợt (101 trận) dông, lốc, sét kèm theo mưa đá trên diện rộng làm ch*t 19 người, hư hỏng 56.908 ngôi nhà, nhiều hoa màu, tài sản của nhân dân; 4 trận động đất và đặc biệt là mưa lũ lớn vào đêm 23 rạng sáng ngày 24/4 làm 3 người ch*t và mất tích tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; xuất hiện một số nguy cơ khi có mưa lũ lớn đối với khu vực như: lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng đối với các tỉnh miền núi; nguy cơ mất an toàn đối với hồ chứa thủy điện, thủy lợi và hệ thống đê điều./.

Mạng Y Tế
Nguồn: BNews (https://bnews.vn/ung-pho-voi-mua-lu-lon-khu-vuc-mien-nui-phia-bac-va-dong-bang-bac-bo/161501.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY