Phóng sự hôm nay

Về chiến khu Xa Mát

Đường quốc lộ 22B từ thành phố Tây Ninh đi lên huyện Tân Biên giờ được mở rộng và trải nhựa thẳng tắp.

Không còn đất đá lổn nhổn bụi đỏ đường xa như thuở nào. Nhưng hình ảnh cô bé bị bom napan Mỹ đốt cháy lưng (hồi năm 1972) chạy dọc trên đường Trảng Bàng cứ ẩn hiện trước mắt. Mùi lửa khói bom đạn vẫn quanh quẩn đâu phía trước. Họ nói trong Di tích “Thủ đô kháng chiến” ở rừng Xa Mát (Tân Biên) vẫn còn nhiều dấu vết hố bom...

Vượt qua cửa khẩu Xa Mát (huyện Tân Biên) chừng 15 cây số, chúng tôi tiến sâu vào khu căn cứ “Trung ương Cục miền Nam” (chiến khu “R”). Người dẫn đường nói, tháng 2/1967, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của lực lượng cách mạng miền Nam, giặc Mỹ bất ngờ tấn công dữ dội vào chiến khu. Chúng đổ 45.000 quân bao vây toàn bộ cánh rừng thực hiện chiến dịch Junction City (Tìm và diệt). Nhưng chúng không thể tưởng tượng được sự chống trả quyết liệt và dũng mạnh của quân đội ta. Toàn bộ nằm trong diện tích chừng 150 cây số vuông phủ dày hàng vạn tấn bom đạn của giặc Mỹ. Tên Trung tướng Jonathan Simon tuyên bố chỉ trong mươi ngày là đốt cháy và vùi dập lực lượng cách mạng. Nào bom cháy, bom hóa học lẫn tên lửa cầy ải suốt ngày đêm. Nhưng mỗi khi xe tăng tiến sâu vào là lũ giặc lại kinh hoàng bỏ chạy. Chúng không thể hiểu vì sao các chiến sĩ giải phóng miền Nam xuất hiện như thần vậy. Họ vụt bừng dậy từ dưới những hố bom mà chúng vừa thả xuống. Nhiều chiến sĩ đánh giáp lá cà thật dũng mãnh làm lính ngụy kinh hồn bạt vía. Giặc cố đi men theo sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn tiến sâu vào cánh rừng. Nhưng chưa kịp định thần thì đã bị tấn công bất ngờ ngay phía sau lưng. Toàn bộ chỉ huy sở và các đồng chí lãnh đạo đã lần lượt lánh sang nước bạn Campuchia. Chiến dịch của Đại tướng William Westmoreland bị thất bại hoàn toàn sau 53 ngày đêm tấn công vào rừng Xa Mát.

Biểu tượng Đại đoàn kết trong Di tích Trung ương Cục miền Nam.

Thực ra trước kia, chiến khu miền Nam đã được thành lập từ thời chống Pháp (1946-1954). Giai đoạn chống Mỹ nơi đây trở thành thủ đô kháng chiến từ năm 1961. Cơ quan chỉ huy được thành lập “Trung ương Cục miền Nam”. Từ đó, không khi nào giặc Pháp hoặc Mỹ ngừng việc tìm cách tấn công tiêu diệt cơ quan chỉ huy cách mạng miền Nam. Nhất là từ khi có Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, giặc Mỹ càng điên cuồng tổ chức nhiều đợt tấn công vào chiến khu trong rừng Xa Mát. Tinh thần chiến đấu của quân và dân địa phương Tây Ninh cùng quân đội giải phóng luôn tỏ ra kiên cường dũng cảm chiến đấu bảo vệ an toàn cho Bộ chỉ huy. Nơi đây còn ghi dấu chiến tích của nữ chiến sĩ Huỳnh Lan Khai (con gái Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam). Đầu năm 1968, Huỳnh Lan Khai dẫn đoàn tải gạo vào chiến khu nhưng bị chạm trán với lính biệt kích Mỹ. Chúng bao vây và bắt cô đưa lên máy bay. Đội ứng cứu ra không kịp nhưng bất ngờ chiến sĩ Huỳnh Lan Khai mở cửa máy bay nhảy xuống. Cô quyết hy sinh chứ không để giặc bắt tra tấn. Hình ảnh nữ anh hùng đó còn khắc ghi trên bia mộ trong khu di tích lịch sử.

Trong thời gian này, nhiều văn nghệ sĩ đã sống và chiến đấu tại đây. Tác phẩm của họ phản ánh rất sâu sắc tinh thần quả cảm của quân đội ta. Đặc biệt, nhà thơ Hoài Vũ (khi ấy là Ủy viên Thường trực Hội văn nghệ “R”) đã có bài thơ Vàm Cỏ Đông (sau này được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc). Bài thơ sống động với những hình ảnh: “Đây con sông như dòng sông lịch sử. Sáng ngời lên từ thuở cha ông”; Hoặc đó lời ca tiếng hát vang lên khắp nơi: “Vàm Cỏ Đông đây, ta quyết giữ. Từng mái nhà nép dưới rặng dừa. Từng thửa ruộng ngời đen màu mỡ. Từng mối tình hò hẹn sớm trưa”. Nhiều văn nghệ sĩ khác cũng có những tác phẩm thấm đẫm tinh thần cách mạng như Giang Nam, Thanh Hải. Viễn Phương, Phan Huỳnh Điểu, Thuận Yến...

Thật may mắn, chúng tôi được trò chuyện với họa sĩ Võ Đồng Minh - một chiến sĩ của chiến khu “R” sinh ra trên đất Tân Biên. Ông tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi (1957). Do có năng khiếu vẽ, ông được cử đi học lớp hội họa ở ngay chiến khu (Mỹ thuật giải phóng khóa I-1964). Học xong, họa sĩ Võ Đồng Minh bắt đầu làm báo, in ấn tài liệu tuyên truyền cách mạng. Ông xuống tận các đơn vị chiến đấu để ký họa và sáng tác. Hàng chục tác phẩm của họa sĩ Võ Đồng Minh đã được báo in trên báo Giải phóng, Quân đội nhân dân và Nhân dân, nhất là những tranh vẽ cổ động và đả kích vào những năm gay cấn nhất (1966-1968). Hiện họa sĩ lưu giữ hàng trăm ký họa chiến trường và những bức tranh bột màu.

Ông xếp lần lượt những tác phẩm theo thời gian cho chúng tôi xem. Nào là Nữ học sinh đi tải đạn, Tổ trinh sát D14 hoặc Xuống đường. Không khí náo nức tinh thần chiến đấu từ già đến trẻ. Mặt trận Tây Ninh nóng bỏng hơn bao giờ hết. Tất cả đều hiện lên trong bộ tranh của ông. Chúng tôi bị cuốn hút vào thời đoạn rực lửa ấy. Bên cạnh tác phẩm Đại đội 5 pháo kích vào tiểu khu quân sự Tây NinhTiểu đoàn 14 đánh phục kích hay Nữ chiến sĩ... Lão họa sĩ say sưa miêu tả thêm những chi tiết khốc liệt trong lúc vẽ tranh tại trận địa. Đó là khi ông đã băng qua chiến hào, bất chấp bom đạn cứu một đồng đội bị thương về cứu chữa. Bức ký họa ấy vẫn còn vết máu của đồng đội. Đó là tác phẩm Vàm Cỏ Đông quyết giữ.

Lão họa sĩ bồi hồi nhớ lại kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời đúng vào ngày Bác Hồ mất. Họa sĩ Võ Đồng Minh cùng đồng nghiệp Kim Bạch được phân công vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trung ương Cục cần chân dung Bác để tổ chức Lễ truy điệu cùng với nhân dân cả nước vào ngày 5/9/1969. Địa điểm tổ chức được diễn ra ngay sát biên giới nước bạn Campuphia. Công việc triển khai hết sức bí mật, không để giặc Mỹ và quân đội của chính quyền Pôn Pốt biết. Nhiệm vụ vẽ chân dung Bác Hồ quả là hết sức khó khăn vì không có ảnh mẫu. Họa sĩ Võ Đồng Minh cùng họa sĩ Kim Bạch phác thảo theo trí nhớ đã được xem ảnh Bác Hồ qua sách báo. Đó là những đêm hai họa sĩ thức trắng. Hàng chục phác thảo lần lượt xin ý kiến lãnh đạo góp ý. Công việc thật khẩn trương cho kịp ngày tổ chức Lễ truy điệu Bác. Cuối cùng, một chân dung Bác đã được chấp nhận. Có những đồng chí lãnh đạo từ ngoài Bắc vào đều công nhận chân dung Bác rất chân thực và có thần thái, nhất là đôi mắt Bác ấm áp đã làm rung động bao trái tim. Lễ truy điệu diễn ra đẫm nước mắt của hàng ngàn chiến sĩ tại chiến khu. Họa sĩ Võ Đồng Minh xúc động và thề nguyện sau này sẽ trọn đời vẽ chân dung Bác Hồ.

Sau ngày giải phóng miền Nam, họa sĩ Võ Đồng Minh vừa làm công tác tại Văn phòng huyện Tân Biên vừa thực hiện dự án vẽ chân dung Bác Hồ. Đến nay, họa sĩ đã bước sang tuổi 78 nhưng vẫn mải miết thực hiện nguyện vọng của mình. Trước mắt chúng tôi là những bức chân dung Bác Hồ cỡ lớn (1,0 x 1,5m) được xếp theo thứ tự chủ đề của tác phẩm. Xung quanh bốn bức tường ngôi nhà cấp bốn của lão họa sĩ tràn ngập ánh mắt và nụ cười của Bác Hồ trên những bức tranh. Chúng tôi sững người hết sức khâm phục một họa sĩ nghèo nơi biên cương thầm lặng và dũng cảm chịu đói khát nhưng vẫn không rời bỏ lời hứa thiêng liêng nơi chiến khu năm nào.

Hệ thống giao thông hào.

Hành trình trở về nguồn của chúng tôi được các bạn trẻ hồ hởi đồng hành. Những ký ức lại dội về mỗi khi bước tới những ngôi nhà thân thương nơi rừng xanh một thuở. Vậy mà đã hơn nửa thế kỷ trôi qua. Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo vẫn còn đó trong các mái lá không bao giờ phai tàn theo thời gian. Đây là ngôi nhà làm việc của đồng chí Nguyễn Văn Linh, kia là bàn viết của đồng chí Võ Văn Kiệt, còn phía trước là trụ sở của đồng chí Nguyễn Chí Thanh...

Những ký ức trở về sống động như ngày nào các chiến binh đang hành quân trên đường ra chiến dịch. Cánh rừng Xa Mát dào dạt âm thanh chim hót và cành lá rì rào. Con sông Vàm Cỏ Đông được bắt nguồn từ những dãy núi bên đất nước Campuchia đang cuộn sóng. Các bạn trẻ bất ngờ xuất hiện từ những căn hầm và chiến hào hệt như chúng tôi - những chiến sĩ một thời vừa cầm súng vừa hát vang lời ca: “Ta quyết giữ. Từng chiếc xuồng, tấm lưới, cây dầm. Từng con người làm nên lịch sử. Và dòng sông trong mát quanh năm. Vàm Cỏ Đông đây”...

Bài và ảnh: Vương Tâm

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/ve-chien-khu-xa-mat-n167059.html)
Từ khóa: chiến khu

Chủ đề liên quan:

chiến khu

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY