Phóng sự hôm nay

Về nơi Thánh Chử sinh ra

“Thỉnh thoảng có một vài đoàn vào làng thăm quan và vãn cảnh đình Thánh Chử thôi, còn người lớn thì ra đồng hết rồi, ngày mùa mà…”.

Đó là lời tâm sự của cụ Việt ở làng Chử Xá (xã Văn Đức - Gia Lâm - Hà Nội) khi chúng tôi đến thăm làng. Chử Xá, còn được biết đến không chỉ là một làng cổ với truyền thống làm nông, mà còn bởi nơi đây sinh thành ra một trong vị Thánh được mệnh danh trong “Tứ bất tử” của Việt Nam - Chử Đồng Tử.

Cảnh đồng quê làng Chử Xá.

Nằm cách trung tâm Hà Nội chỉ non một giờ đồng hồ chạy xe, làng Chử Xá hiện lên như cô thôn nữ nằm e ấp bên bờ sông Hồng. Mái tóc của nàng buông dài, xanh mướt bởi những ruộng ngô, ruộng rau củ quả bên bãi bồi ven sông. Phía trong bãi bồi là những nếp nhà đã hoen màu thời gian. Tất cả ẩn hiện như một bức tranh thủy mặc mỗi sớm ban mai hay chiều tà rủ bóng.

Vùng quê thanh bình Chử Xá được tô điểm bởi những bức tranh giản dị, chân thật với đời sống hàng ngày của người dân nơi đây.

Trên chiếc ghế bên ao làng, cụ Chử Văn Việt đang ngồi ngắm ra cánh đồng của thôn chờ cháu ngoại đi học về. Thấy người lạ, cụ bắt chuyện: Các chú tìm nhà ai? Khi biết chúng tôi tìm hiểu về làng, ánh mắt cụ như bừng sáng. Cụ kể: Chử Xá nằm ven sông Hồng, giữa vùng bãi bồi màu mỡ, bằng phẳng. Bãi có tên gọi là bãi Tự Nhiên. Theo dư địa chí xưa thì nơi đây là một trong những tuyến đường thủy huyết mạch từ phía Đông lên Kinh đô Thăng Long. Cũng bởi là tuyến đường huyết mạch, trọng yếu nên được sự tuần tra của các vị vua, hoàng tử và công chúa.

“Vào thời Hùng Vương thứ 18, ở làng có gia đình Chử Đồng Tử nghèo lắm. Nghèo đến nỗi cả hai bố con chỉ có một chiếc khố thay nhau mặc. Một ngày mò cua, bắt cá ven sông, chàng trai họ Chử gặp kiệu hoa của Công chúa Tiên Dung đi đến, chàng vừa sợ, vừa xấu hổ bởi không có quần áo mặc nên đã vùi mình xuống cát để trốn. Ai ngờ, đúng nơi chàng trốn lại là nơi Công chúa Tiên Dung chọn để quây màn tắm. Sau khi tìm hiểu ngọn ngành, không những không giận, Công chúa còn cảm mến và đem lòng yêu chàng trai nghèo họ Chử” - ông Việt bắt đầu câu chuyện huyền thoại xưa với chúng tôi.

Ông Chử Văn Sơn, người dân thôn Chử Xá đã mời nhóm họa sĩ vẽ một bức tranh trong phòng khách của gia đình.

Cũng theo chia sẻ của ông Việt, từ đời cha, đời ông của ông đều gắn liền với nông nghiệp, cứ cây này chuẩn bị thu hoạch thì hạt giống khác đã bắt đầu đâm chồi cho mùa tới. “Làm nông thu nhập không nhiều, nhưng cứ tằn tiện cũng đủ nuôi sống các con ăn học và xây được nhà” - ông Việt tiếp.

Chỉ tay về phía những bức tranh đang hoàn thiện trên những bức tường quanh làng, cụ Việt cho biết, vài tháng nay, có một nhóm họa sĩ về vẽ tranh trên tường. Chủ yếu là những bức đồng quê, phong cảnh sản xuất rau, củ, quả của làng đấy. Vừa trang trí, nhưng cũng là nét đẹp văn hóa các chú ạ.

Huy, một họa sĩ trẻ cho biết, nhóm của em có 6 bạn đã làm việc ở đây 3 tháng trời. “Mỗi bức tường sẽ vẽ một chủ đề đã được thông qua và lên maket trước. Chủ yếu là phong cảnh làng quê và cảnh sản xuất nông nghiệp của làng Chử Xá này” - Huy cho biết. Cũng theo Huy chia sẻ, vẽ tranh tường không khó đối với một họa sĩ như Huy và nhóm bạn, tuy nhiên, điều khó khăn ở mỗi bức tường mặt phẳng không đều nhau, có chỗ lồi, chỗ lõm, chỗ gấp khúc..., người họa sĩ phải biết phân bổ đưa vào đó cái gì để bức tranh sắc nét và có hồn hơn. “Vừa rèn nghề, cũng mang lại niềm vui được tô điểm cho một làng quê là vui lắm rồi các anh ạ” - Huy thổ lộ.

Với Sang thì khác hơn đôi chút, bởi đây là lần đầu tiên cầm cọ vẽ tranh tường. “Đây là lần đầu tiên vẽ tranh tường, lại trên những bức tường không giống nhau. Bởi thế cũng gặp rất nhiều khó khăn đối với người mới vào nghề như em. Cũng may là được các anh, các chị chỉ bảo nhiều. Cũng là những bài thực tập rất thực tế để sau này em ra trường, đi làm” - Sang chia sẻ.

Những hình ảnh thân thiện, đầy màu sắc về cảnh làng quê, sản vật nông nghiệp sẽ là động lực lớn để người dân Chử Xá đồng lòng xây dựng làng quê xanh - sạch - đẹp...

“Trước đây thấy cán bộ xã, thôn tuyên truyền, lấy ý kiến để vẽ tranh tường, cũng chẳng hiểu là như nào. Khi các cháu đến vẽ trên chính bức tường nhà trước cổng nhà tôi, thấy đẹp và ý nghĩa quá. Nhà tôi ba đời làm nông, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời quần quật. Cũng nhờ có rau, củ, quả mà nuôi các con ăn học thành người. Những bức tranh ý nghĩa quá, nên tôi mượn các cháu họa sĩ vẽ luôn một bức trong phòng khách. Vừa trang trí, nhưng cũng vừa nhắc con, cháu nhớ về cội nguồn của mình” - ông Sơn, một người dân cho biết.

“Làng Chử Xá ngày nay với hơn 60ha trồng cây ăn quả, 20ha chăn nuôi và khoảng 120ha trồng rau an toàn. Ý tưởng về những bức họa trên tường tuy đơn sơ nhưng thật gần gũi. Hình ảnh quen thuộc của chính ông bà, cha mẹ chúng tôi một thời. Những người nông dân với luống rau, quả cà, quả bí... một thời sẽ là công cụ hữu hiệu tuyên truyền để người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, quảng bá sản phẩm nông nghiệp địa phương. Nâng cao ý thức truyền thống văn hóa mà ông cha đã để lại. Những bức tranh tuy đơn sơ nhưng thật gần gũi” - ông Tư chia sẻ thêm.

Chia tay Chử Xá khi trời đã ngả về chiều, thấp thoáng đâu đó những gánh hàng rau đang tấp nập trở về sau một ngày bộn bề với công việc đồng áng của người dân!

Bài, ảnh: Tuấn Anh

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/ve-noi-thanh-chu-sinh-ra-n163950.html)

Chủ đề liên quan:

thánh chử thánh chử sinh ra

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY