Ngắm ngẫm nghĩ hôm nay

Vết đỏ hằn trên giác mạc và bí mật bên trong nơi bắt sống virus Covid-19 tại Hải Dương

Trong không gian tĩnh lặng bao trùm thành phố Hải Dương đang giãn cách vì COVID-19 vẫn có một tòa nhà luôn luôn sáng đèn bất kể ngày đêm.

Bên trong trung tâm kiểm soát bệnh tật (cdc) tỉnh hải dương là những con người đành tạm gác chuyện gia đình lại, nhiều đêm không ngủ để có kết quả xét nghiệm nhanh nhất có thể...

Vết đỏ hằn trên giác mạc

Bên trong đó, hàng nghìn mẫu bệnh phẩm đang được phân loại và xét nghiệm. Có thể hình dung đây là khâu mấu chốt, "bắt sống" virus SARS-CoV-2 qua các mẫu xét nghiệm, làm cơ sở cho công tác truy vết của lực lượng phòng dịch đang ngày đêm chạy đua với virus để chặn đứng dịch bệnh.

Dịch bệnh bùng phát tại Hải Dương, các cán bộ y tế tại CDC Hải Dương đã nhiều đêm không ngủ để chạy đua với thời gian, hoàn thành công tác truy vết một cách nhanh nhất có thể.

Ô tô chở mẫu xét nghiệm vừa tới sân CDC, ê-kíp nhanh chóng bê những thùng xốp đựng mẫu bệnh phẩm tới phòng tách mẫu. Tại đây các nhân viên sẽ tiến hành phân loại các mẫu xét nhiệm và đánh mã cho từng mẫu từ F1-F4.

Trong căn phòng đâu đâu cũng là mẫu thử, những đôi mắt của cán bộ y tế không giấu được những vết đỏ hằn trên giác mạc vì thiếu ngủ nhiều ngày, nhưng đôi tay của họ lúc nào cũng thoăn thoắt sắp xếp, ghi chép, dán thông tin bệnh phẩm…

 Vết đỏ hằn trên giác mạc và bí mật bên trong nơi bắt sống virus Covid-19 tại Hải Dương - Ảnh 1.

Nhân viên y tế đang phân loại mẫu bệnh phẩm.

Ông Nguyễn Nhân Duy (chuyên gia sinh học phân tử) cho biết: "Khi nhận được tin, tôi và một vài bạn khác đã bay từ TP HCM ra với quyết tâm cố gắng hỗ trợ Hải Dương sớm kiểm soát được dịch bệnh. Bằng mọi giá, đêm hôm cũng phải cố gắng làm.

Ai cũng có gia đình, có nỗi niềm riêng nhưng cần phải gác lại, thậm chí Tết sắp đến rồi nhưng phải nghĩ tới cái lớn hơn là vì xã hội. Sự nỗ lực của chúng ta sẽ giúp sớm kiểm soát được dịch bệnh. Gia đình là một phần của xã hội, giúp được xã hội là giúp được gia đình".

Chàng trai có vóc dáng cao gầy, những vệt đỏ hằn lên trên giác mạc vì nhiều đêm chưa ngủ, anh Đặng Hoàng Anh (nhân viên chi viện CDC Hải Dương) tâm sự: "Đội xét nghiệm làm việc từ sáng đến 16 - 17h chiều để chạy máy thử mẫu. Đến 20h tối các mẫu xét nghiệm ở các nơi đổ về, chúng tôi lại vào guồng quay và làm đến khi trời sáng. Bốn ngày hôm nay chắc tôi ngủ tổng cộng được khoảng 8 tiếng".

Thế nhưng chẳng ai trong họ thở dài, tất cả vẫn cần mẫn mặc dì đã quá nửa đêm. Bởi lẽ, hầu hết các thành viên trong nhóm đã từng chinh chiến ở Đà Nẵng và giờ tiếp tục "chia lửa" cùng Hải Dương.

 Vết đỏ hằn trên giác mạc và bí mật bên trong nơi bắt sống virus Covid-19 tại Hải Dương - Ảnh 2.

Những cái Tết xa nhà

Chị Nguyễn Phạm Kim Ngân (quê Khánh Hòa) bật mí: "Tôi đã từng tham gia vào điểm nóng Đà Nẵng nên quen với cường độ làm việc cao. Lần này có hơi chút khác biệt vì là năm đầu tiên đón Tết xa nhà nhưng với tôi đó chỉ là điều nhỏ, điều lớn hơn là phải quyết tâm chống dịch thành công".

Sau khi phân loại, các mẫu xét nhiệm được chuyển sang phòng tra mẫu để thử với hóa chất, dựa vào các phản ứng sẽ giúp nhận biết các mẫu dương tính với COVID-19.

Chị Trần Thị Quỳnh Lan (Bến Tre) chia sẻ: "Mấy ngày nay tôi chỉ tranh thủ chợp mắt một chút trong lúc chờ mẫu xét nghiệm mới về hoặc khi nào mệt quá không cố gắng được nữa mới dám nằm nghỉ. Lúc đi tôi còn chưa dám nói với ba mẹ, xuống tới đây gọi báo về, ba mẹ chỉ biết động viên tôi cố gắng lên!"

Không chỉ riêng Hoàng Anh, Lan hay Ngân, tất cả những nhân viên trong ê-kíp xét nghiệm ở CDC đã xem việc thức trắng đêm là chuyện thường ngày.

 Vết đỏ hằn trên giác mạc và bí mật bên trong nơi bắt sống virus Covid-19 tại Hải Dương - Ảnh 3.

Chị Huyên đã 9 đêm không ngủ, còn chồng chị công tác 3 tháng nay chưa về nhà.

Không phải trường hợp ngoại lệ, chị Vũ Thị Huyên làm việc tại phòng PCR đã 9 đêm thức trắng kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên ở Hải Dương.

"Ngay sau khi nhận được thông báo về ca bệnh đầu tiên, CDC Hải Dương đã nhanh chóng khởi động đội phản ứng nhanh tiến hành lấy mẫu ngay lập tức ở Chí Linh để khoanh vùng những ca F1.

Đúng 12h đêm, sau khi các mẫu dịch được chuyển về, đội chúng tôi đã khởi động phòng lab tiến hành xét nhiệm sàng lọc 14 ca F1 của bệnh nhân, qua đó đã phát hiện ra 1 ca dương tính, mặc dù vậy để xác định chính xác 100% chúng tôi vẫn phải tiến hành các bước xét nhiệm khác. Đến 7h sáng ngày hôm sau, chính thức công bố ca bệnh dương tính với COVID-19", chị Huyên nhớ lại.

Từ khi có ca nhiễm ở Hải Dương, mỗi ngày đội của chị Huyên làm việc 3 ca trong phòng lab, mỗi ca kéo dài từ 6-7 tiếng, gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Chỉ những hôm không phát hiện ca nhiễm mới, cả đội mới tranh thủ ăn uống, ngủ nghỉ.

Thông thường các mẫu bệnh phẩm sẽ được chuyển về trung tâm lúc 22h và ca làm việc của đội xét nghiệm sẽ bắt đầu từ 23h cho đến sáng hôm sau.

Chia sẻ thêm về cuộc sống, chị Huyên cho biết chị có một bé trai 20 tháng tuổi. Con chị phải chịu nhiều thiệt thòi khi mới chỉ 11 tháng tuổi đã phải cai sữa mẹ để chị có thời gian đi học xét nhiệm chuyên sâu PCR.

Trong những ngày chống dịch, chị phải gửi con về quê với ông bà ở Kim Thành (Hải Dương) mặc dù rất nhớ con nhưng vì trách nhiệm với công việc và cộng đồng, chị chỉ có thể trò chuyện với con qua điện thoại để vơi đi nỗi nhớ. Không chỉ vậy, chồng chị Huyên hiện là chiến sĩ công an đang tham gia chống dịch 3 tháng nay chưa thể về nhà.

Đồng hồ đã chuyển sang một ngày mới, họ vẫn miệt mài và nỗ lực với quyết tâm khi nào hết mẫu bệnh phẩm mới được phép cho bản thân nghỉ ngơi một chút vì họ biết rằng phải thật nhanh, thật thần tốc thì mới có thể nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch.

Ngọc Minh

Mạng Y Tế
Nguồn: CafeBiz (https://cafebiz.vn/vet-do-han-tren-giac-mac-va-bi-mat-ben-trong-noi-bat-song-virus-covid-19-tai-hai-duong-20210204181637575.chn)

Tin cùng nội dung

  • Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là tuyến cao nhất tiếp nhận khám, cấp cứu, chữa bệnh và phục hồi chức năng cho bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới từ các tuyến gửi đến.
  • 25 năm sống với giới tính nữ cùng tên lót “Thị”, khi cầm kết quả xét nghiệm hoàn toàn là nam, Nhung reo lên cùng đứa em “em có anh trai chứ không phải chị gái” và bước vào cuộc phẫu thuật trả lại giới tính.
  • Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã chỉ ra thủ phạm gây đỏ mắt sau mỗi lần đi bơi.
  • Em bị viêm gan B đã điều trị từ tháng 7/2011 đến nay, ban đầu kết quả định lượng là 2.86X10^8. Bác sĩ cho uống Thuốc hường xuyên và tái khám nhiều lần, kết quả định lượng gần đây là 84X10^0.
  • Qua một tháng điều trị với liệu pháp tổng hợp, khối u vùng ổ bụng của cô đã giảm cứng và chỉ số chỉ điểm khối u cũng đều giảm rõ rệt.
  • Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt là bệnh lý lành tính và tăng theo tuổi, Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng nhiều. đây là nguyên nhân hàng đầu gây triệu chứng rối loạn đi tiểu ở nam giới trên 50 tuổi.
  • Vừa qua, Bộ Y tế đã ký quyết định phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ y tế...Xin gửi đến bạn đọc ý kiến của Gs.Ts.Nguyễn Anh Trí, giám đốc Viện huyết học truyền máu TW
  • Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì các viên Thu*c giảm cân thường hấp dẫn mọi người nhưng thường gây tác hại.
  • Sau 3 tháng thai nghén, Thoa đã ăn uống trở lại và tăng cân theo đúng biểu đồ thai nghén. Nhưng cô thường băn khoăn là có nên bổ sung vi chất hay không...
  • Hàng năm có hàng triệu người Mỹ bị ngộ độc thực phẩm. Vào theo biểu đồ của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ, rau quả là nguyên nhân gây ra gần 1 nửa số ca NĐTP trong khi sữa và trứng chỉ gây ra 20% số vụ, thịt gia súc gia cầm gây ra 22%, cá và các loại sò ốc chỉ gây ngộ độc 6%.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY