Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Vì sao chỉ số SpO2 quan trọng đối với F0 hoặc người có nguy cơ cao nhiễm Covid-19? Cách đo SpO2 tại nhà thế nào cho đúng?

Bên cạnh các chỉ số huyết áp, mạch, nhiệt độ, SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi) là một chỉ số quan trọng giúp theo dõi diễn tiến bệnh, để phát hiện các trường hợp bệnh chuyển độ nặng.

Máy đo SpO2 là dụng cụ quan trọng không chỉ dùng trong các bệnh viện mà còn cần thiết cho các bệnh nhân đang điều trị, theo dõi tại nhà, nhất là khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Vì sao chỉ số SpO2 quan trọng đối với F0 hoặc người có nguy cơ cao nhiễm Covid-19?

SpO2 là viết tắt của cụm từ "Saturation of peripheral oxygen" để chỉ độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi. Hiểu cách khác, SpO2 chính là tỷ lệ hemoglobin oxy hóa (hemoglobin có chứa oxy) so với tổng lượng hemoglobin trong máu (oxy hóa và không oxy hóa hemoglobin).

Người ta vẫn thường ví von SpO2 được xem là một trong những dấu hiệu sinh tồn của cơ thể, bên cạnh 4 dấu hiệu khác là mạch, nhiệt độ, huyết áp và nhịp thở. Đặc biệt, SpO2 là thiết bị rất hữu ích cho những đối tượng là F0, F1 đang cách ly tại nhà.

Cách đo SpO2 đúng

Tùy theo loại máy có thể đo ở tai, ngón tay, trán... trong đó loại máy dùng để đo ở ngón tay được sử dụng phổ biến hơn cả.

Với loại máy thường gặp đo ở ngón tay chú ý các điểm sau:

- Thư giãn, làm ấm tay trước.

- Đặt ngón tay ngay ngắn, phù hợp kích thước của đầu dò của máy, thường ngón giữa hoặc ngón trỏ.

- Trước khi đo loại bỏ lớp sơn móng tay, nếu cấp cứu có thể xoay ngón tay đo ở mặt không sơn.

- Không rung lắc, cử động khi đo.

- Chờ vài giây cho tới khi màn hình hiển thị con số ổn định và đọc kết quả.


Đọc kết quả SpO2 như thế nào?

- Kết quả SpO2 bình thường dao động 95%-100%, có chênh lệch với độ bão hòa oxy máu động mạch khoảng 4%.

- Kết quả <=93% là dấu hiệu giảm oxy máu.

- Nếu kết quả thấp dưới 80% cho biết tình trạng giảm oxy máu nặng. Bệnh nhân giảm oxy máu cần đo SpO2 nhiều lần để theo dõi diễn tiến tình trạng giảm oxy máu.

Tình trạng giảm oxy máu thường có các triệu chứng khác thường kèm theo như: Thở nhanh, khó thở; Rối loạn tri giác; Mạch nhanh >100 lần/phút; Xanh tím đầu ngón tay, chân, mặt, môi; Đau ngực...

Cần thông báo cho nhân viên y tế để được tư vấn và theo dõi, nhập viện điều trị khi cần thiết, cả trong trường hợp giảm oxy máu không triệu chứng.

Theo PGS. TS. Hồ Thị Kim Thanh, Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khỏe Cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trước khi đo SpO2, mọi người cần làm sạch tay và giữ tay khô, kẹp thiết bị đo SpO2 vào đầu ngón tay hoặc ngón chân, ngồi yên tĩnh và đọc chỉ số trên máy. Có thể đặt một cái gối kê dưới bàn tay.

Thông thường, bạn có thể tự đo mạch bằng tay bằng cách đặt hai ngón tay lên trên cổ tay ở khu vực mạch và đếm trong vòng 1 phút. Nếu mạch trên 120 lần hoặc dưới 50 lần/phút cần báo ngay cho nhân viên y tế.

Người bệnh cần theo dõi các chỉ số khác như huyết áp, nhịp thở, SpO2. Nếu có bất thường thì cần báo luôn cho nhân viên y tế.

https://afamily.vn/vi-sao-chi-so-spo2-quan-trong-doi-voi-f0-hoac-nguoi-co-nguy-co-cao-nhiem-covid-19-cach-do-spo2-tai-nha-the-nao-cho-dung-20220221092947385.chn
Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/vi-sao-chi-so-spo2-quan-trong-doi-voi-f0-hoac-nguoi-co-nguy-co-cao-nhiem-covid-19-cach-do-spo2-tai-nha-the-nao-cho-dung-20220221092947385.chn)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY