Kinh tế xã hội hôm nay

Vụ chủ nhà thu giữ 50 triệu đồng đặt cọc của khách thuê: Trăm cái lý không bằng một tý cái tình

MangYTe - Theo nhiều chuyên gia pháp lý, đây là một vụ việc rất đáng trách, đáng lên án của chủ nhà, thể hiện lòng tham của người cho thuê trước số tiền đặt cọc và sự vô tình đối với người đi thuê nhà trong thời điểm dịch bệnh.

Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại hình ảnh và thông tin về một chủ nhà trọ ở TP HCM đòi đuổi cô gái thuê nhà vì chậm thanh toán. Theo thông tin trong đoạn clip, cô gái ký hợp đồng thuê nhà trong 2 năm với giá 22 triệu đồng/tháng, đặt cọc 50 triệu đồng, đã thuê được 14 tháng (vừa ở vừa cho thuê lại). Do ảnh hưởng của COVID-19, người thuê nhà chậm thanh toán 7 ngày. Sang ngày thứ 8, chủ nhà đuổi đi, giữ lại toàn bộ tiền cọc.

Theo luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, Hiến pháp 2013 quy định, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.

Ngoài ra, tại Điều 12 (Luật Cư trú) quy định: "Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật".

Luật sư Cường nhận định, trong vụ việc này có hai vấn đề mà cơ quan chức năng có thể xem xét giải quyết nếu đương sự có đơn thư tố cáo, yêu cầu đó là vấn đề bảo vệ quyền tự do cư trú của công dân theo pháp luật và tranh chấp hợp đồng thuê nhà ở.

Hành vi chiếm giữ, sử dụng trái phép tiền đặt cọc và đánh đuổi người thuê nhà ra khỏi nơi họ đang thuê (có đăng ký tạm trú) trong một số trường hợp có thể xem xét trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp có đơn thư tố cáo của người thuê nhà đến cơ quan điều tra về hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác và chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản (là số tiền đặt cọc) thì cơ quan điều tra có thể thụ lý tin báo và xác minh làm rõ một số vấn đề có liên quan để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng vụ việc có dấu hiệu của tội xâm phạm chỗ ở của người khác

"Nếu hợp đồng chưa hết thời hạn, nhà thuê là chỗ ở, nơi cư trú hợp pháp của người đi thuê (có đăng ký tạm trú), chủ nhà tự ý đánh đuổi người đi thuê ra khỏi ngôi nhà đó thì có dấu hiệu của tội phạm phạm chỗ ở của người khác.

Chỗ ở hợp pháp theo quy định của luật cư trú là nơi thường trú hoặc tạm trú. Kể cả là nơi đi thuê, ở nhờ mà có đăng ký thường trú hoặc tạm trú thì cũng là nơi ở hợp pháp. Pháp luật bảo vệ quyền tự do cư trú của công dân, mọi hành vi xâm phạm quyền tự do cư trú của công dân đều là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi thì người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật", luật sư Cường nói.

Trong quan hệ thuê nhà ở, khi hợp đồng thuê được giao kết và có hiệu lực pháp luật, trong thời hạn có hiệu lực của hợp đồng thì bên đi thuê là có toàn quyền quản lý, sử dụng ngôi nhà. Nếu thuê vào mục đích để ở và có đăng ký tạm trú hoặc thường trú thì pháp luật sẽ bảo vệ người đi thuê với tư cách là nơi cư trú hợp pháp. Dù là chủ sở hữu tài sản cũng không có quyền xâm phạm quyền cư trú hợp pháp của người đi thôi. Bởi vậy trong vấn đề này, cơ quan điều tra sẽ có thể xác minh làm rõ Hiệu lực của hợp đồng thuê, điều kiện cư trú của bên đi thuê và hành vi cụ thể của chủ nhà trong trường hợp đánh đuổi người thuê ra khỏi nhà để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo đó, nếu những thông tin đăng tải trên mạng là chính xác, hành vi của chủ nhà có dấu hiệu của tội xâm phạm chỗ ở của người khác được quy định tại Điều 158 (BLHS năm 2015. Điều luật quy định: "1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác; b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ; c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ; d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác".

"Đối với việc đơn phương chấm thức hợp đồng và thanh lý hợp đồng, đòi lại tiền cọc thì trong thời điểm dịch bệnh như thế này, người thuê nhà hoàn toàn có quyền căn cứ vào các quy định của Bộ luật Dân sự để yêu cầu thanh lý hợp đồng và đòi lại số tiền cọc theo quy định", luật sư Cường chia sẻ.

Bình Minh

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/xa-hoi/vu-chu-nha-thu-giu-50-trieu-dong-dat-coc-cua-khach-thue-tram-cai-ly-khong-bang-mot-ty-cai-tinh-20200412190334167.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY