Trao đổi với phóng viên TTXVN, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Tiến sĩ Kidong Park cho biết, ưu tiên quan trọng nhất trong giai đoạn chuyển đổi này bao gồm tăng cường bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương và thực hiện những biện pháp cần thiết để hệ thống y tế không rơi vào tình trạng quá tải.
Tiến sĩ Park cho rằng sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn virus trong một sớm một chiều và cũng rất khó đoán định được sự thay đổi của các biến chủng mới trong tương lai, nhưng giờ đây chúng ta biết rõ làm thế nào để hạn chế các ca T* vong và giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Park, song hành với quá trình chuyển đổi sang giai đoạn thích ứng linh hoạt và an toàn với Covid-19, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường năng lực của hệ thống y tế thông qua việc đẩy mạnh phủ vaccine cùng thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay từ tuyến y tế cơ sở.
Đánh giá cao những nỗ lực không mệt mỏi trong việc ngăn chặn thành công các đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam, Trưởng đại diện WHO nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam, với quyết tâm chính trị cao đã ứng phó trước sự bùng phát dịch Covid-19 một cách kịp thời, mạnh mẽ và dứt khoát bằng cách tiếp cận toàn xã hội, với một hệ thống giám sát và ứng phó khẩn cấp sức khỏe cộng đồng hoạt động hiệu quả, nhân viên y tế tận tâm và có tay nghề cao ở cả phía dự phòng và quản lý lâm sàng, cũng như sự hợp tác nghiêm túc từ phía người dân.
Bên cạnh đó, WHO cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ trước cam kết bền bỉ từ các địa phương thông qua công tác xuất sắc của các nhóm Covid-19 cộng đồng và người dân Việt Nam, vì đã chung tay chống lại virus thông qua việc thực hành nhất quán thông điệp 5K và thực hiện nghiêm túc chiến dịch tiêm phòng vaccine trên quy mô toàn quốc.
Đề cập tới việc hỗ trợ của WHO trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam, Tiến sĩ Park nhấn mạnh, WHO đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 trong việc hỗ trợ kỹ thuật, vận hành và hậu cần cho công tác ứng phó. WHO tiếp tục cung cấp bằng chứng khoa học cập nhật nhất để hỗ trợ Chính phủ trong việc đưa ra quyết sách ứng phó.
Hỗ trợ của WHO tập trung vào việc tăng cường năng lực trên các lĩnh vực kỹ thuật bao gồm giám sát, đánh giá nguy cơ, điều tra và ứng phó với ổ dịch, truyền thông, phòng thí nghiệm (bao gồm cả việc cung cấp bộ dụng cụ xét nghiệm và vật tư). WHO tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế xem xét và cập nhật các hướng dẫn kỹ thuật dựa trên các bằng chứng mới nhất, chẳng hạn như chẩn đoán và điều trị Covid-19, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm Covid-19, hướng dẫn bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế và chăm sóc đặc biệt ICU đối với bệnh nhân Covid-19.
Bên cạnh đó, theo ông Park, với tư cách là tổ chức đồng lãnh đạo Cơ chế COVAX, WHO, ở cấp độ toàn cầu, đưa ra khuyến nghị kỹ thuật về tiêm chủng thông qua triệu tập Nhóm Cố vấn Chiến lược của Chuyên gia về Tiêm chủng (SAGE); đánh giá hiệu quả, độ an toàn và chất lượng của các sản phẩm vaccine thông qua quy trình lập Danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) của WHO và ủng hộ việc tiếp cận công bằng với vaccine dựa trên ưu tiên bằng cơ sở khoa học.
Liên quan đến các khuyến nghị của WHO trước tốc độ lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron, Tiến sĩ Park nhấn mạnh đến 4 yếu tố bao gồm: Tăng cường giám sát và xét nghiệm để phát hiện sớm ca bệnh có biến chủng mới Omicron; đẩy mạnh công tác tiêm chủng để bao phủ vaccine phòng Covid-19; tăng cường hệ thống y tế, trong đó chú trọng y tế cơ sở, nhằm nâng cao năng lực ứng phó, điều trị trong tình huống các ca bệnh tăng nhanh, trong đó có ca bệnh mang biến chủng Omicron; đẩy mạnh công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch, công bố thông tin rộng rãi về kết quả giải trình tự gen các ca bệnh Covid-19 để các nhà khoa học có thêm thông tin nghiên cứu về biến chủng mới.