Phóng sự hôm nay

Xót xa những dự án dang dở, bỏ hoang

Tại Hà Nội, hàng trăm dự án được lập rồi tổ chức thu gom đất, giải phóng mặt bằng.

Điều đáng nói, các dự án này đều “án binh bất động”, thậm chí đến gần 20 năm, gây lãng phí lớn về tài nguyên, thất thoát tiền của rất nhiều. Tiếc thay cơ chế tháo gỡ còn quá chậm.

Đất đai màu mỡ, phì nhiêu đang bị bỏ hoang, cỏ dại ken dày, trâu bò nhởn nhơ. Ông Nguyễn Văn Phú, người dân xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) bức xúc chỉ tay về phía dự án Khu nhà ở Minh Đức, có quy mô hơn 17 héc-ta, sau gần 20 năm vẫn chỉ tồn tại tấm biển vẽ mô hình mặt bằng giữa um tùm cỏ dại: “Đất đai ở đây tốt, tiện đường. Như dân trồng hoa mỗi héc-ta cũng thu được 300 triệu đồng tiền lãi mỗi năm. Thế mà...”

Dự án xây biệt thự tại xã Song Phương (Hoài Đức) sau nhiều năm vẫn... im lặng.

Thế mà, huyện Mê Linh có tới 50 dự án với tổng diện tích hơn 2.000 héc-ta đang bị chậm tiến độ nhiều năm. Nhiều xã có diện tích bị lớn là Tiền Phong, Đại Thịnh, Mê Linh, Thanh Lâm... Tiếc đất đai màu mỡ, ông Phú thốt lên: “Năm 2001 có chính sách thu hồi đất, cũng là lúc tôi sinh con gái thứ hai, những tưởng dự án về bộ mặt của làng sẽ thay đổi. Giờ con gái tôi đã đi lấy chồng vẫn chưa thấy dự án triển khai. Canh tác không được, người dân tiếc lắm nhưng đành chịu bó tay”.

Để có cái nhìn rộng hơn, chúng tôi tìm gặp những người lớn tuổi và chỉ nhận được những cái lắc đầu ngán ngẩm. Ông Lê Văn Hùng, trưởng thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong, bộc bạch: “Thôn chúng tôi lớn nhất xã, với gần 7.000 người. Trước đây chính sách thu hồi đến 80% đất đai phục vụ cho tổng 41 dự án trên toàn xã, người dân ủng hộ lắm. Nhưng nói thật là ngày đó bà con rất sốc, hụt hẫng bởi đang quen với việc sản xuất nông nghiệp... Cứ tưởng được đổi đời, nào ngờ... Nhìn đất đai bị bỏ lãng phí, chúng tôi xót xa lắm nhưng vẫn đang loay hoay không biết phải làm thế nào”.

Ông Trần Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, cho biết: Tất cả các dự án thu hồi đất rồi lại để lãng phí đều được thực hiện từ trước khi Mê Linh được sáp nhập về Hà Nội. Điều đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của bà con. Nhiều hộ phải sang xã khác thuê đất để sản xuất rau. Tất cả đều trông chờ vào các cơ quan chức năng của huyện và thành phố Hà Nội.

Men theo quốc lộ ngược lên các xã Đại Thịnh, Thanh Lâm...thuộc huyện Mê Linh, chốc chốc tôi lại nhìn thấy tấm biển vẽ mô hình dự án giữa những lùm cỏ dại, hay những cái cổng đang xuống cấp cùng đống rác thải mà chưa có bất cứ hạng mục nào bên trong được triển khai. Dẫu rằng quanh đó đời sống của người dân đã bớt khó khăn hơn xưa, nhưng họ cũng chờ đợi các dự án được triển khai, hoặc có cơ chế nào đó trả lại ruộng cho người dân sản xuất. Ông Nguyễn Văn Giỏi, Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm cho biết, đơn vị từng tổ chức nhiều cuộc họp có mời chủ đầu tư đến và yêu cầu giải trình về tiến độ dự án. Song, nhiều doanh nghiệp không đến, hoặc có đến cũng viện nhiều lý do dẫn đến dự án chậm triển khai. Câu hỏi bao giờ dự án tiếp tục vẫn bị “treo”, chưa biết bao giờ mới được trả lời thỏa đáng.

Quay về Nam Từ Liêm - một quận ở phía Tây thành phố Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh, song cũng tồn tại nhiều dự án “rùa bò”, với 48 dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách, vi phạm Luật Đất đai, chưa thực hiện giải phóng mặt bằng, hoặc giải phóng mặt bằng nhưng chỉ mới quây tôn rồi... để đấy! Đơn cử, Tổng công ty HUD chậm triển khai hai Dự án tại Khu đất CC1, CC3 - KĐT Mỹ Đình từ năm 2002. Trong đó, một phần lớn lô đất CC3 đã bị chủ đầu tư “sang tay” cho chủ khác. Hay như dự án cụm Trường trung học Chuyên nghiệp và Dạy nghề (thu hồi đất của phường Tây Mỗ và phường Xuân Phương) “treo” quá lâu, trong khi người dân liên tục có ý kiến lên các cơ quan chức năng. Bà Nguyễn Thị Thủy ở tổ dân phố Nhuệ Giang, phường Tây Mỗ bức xúc: “Hơn chục năm qua chúng tôi sống trong chờ đợi. Vì dự án chưa triển khai nên chúng tôi vẫn ở trong những ngôi nhà lụp xụp, có tiền cũng không xây được. Mong rằng các cơ quan chức năng có hướng giải quyết thấu đáo”.

Huyện Hoài Đức tồn tại nhiều dự án nằm trên giấy nhiều năm với tổng 51 dự án; quận Hoàng Mai có 25 dự án, nhiều dự án ở những con phố lớn, giá đất đắt đỏ nhưng “tắc”. Nhiều dự án “biến tướng” thành điểm kinh doanh bãi đỗ xe, quán bia... Theo báo cáo kết quả giám sát của Hội đồng Nhân dân (HÐND) thành phố Hà Nội, trên địa bàn có hơn 380 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Ðất đai. Tình trạng kéo dài đã dẫn đến nhiều hệ lụy trong phát triển kinh tế - xã hội, làm thất thoát tài nguyên của Nhà nước và người dân.

Dự án Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch chậm tiến độ, gây nhiều lãng phí.

Lãnh đạo nhiều xã, phường có dự án chậm triển khai đều chung quan điểm trách nhiệm thực hiện trước hết thuộc về các chủ đầu tư đã thực hiện thu hồi đất, rồi bỏ đấy không tiến hành, gây bức xúc trong nhân dân; tiếp theo là sự phối hợp, cơ chế quản lý của các đơn vị chức năng bị buông lỏng.

Còn lãnh đạo HĐND TP. Hà Nội, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng dự án chậm triển khai, như công tác thanh tra, kiểm tra chưa nhiều. Công tác hậu kiểm, tái kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra còn hạn chế; hiệu quả, hiệu lực của một số kết luận thanh tra chưa cao. 89/215 dự án được đoàn giám sát của HĐND thành phố kiến nghị xử lý nhưng chậm triển khai, gây bức xúc trong nhân dân. Có 38 dự án được kiến nghị thu hồi từ năm 2012 nhưng đã không được thực hiện. Cá biệt, có dự án chậm tại huyện Ba Vì, do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội quên hồ sơ, không trình UBND TP. Hà Nội ra quyết định thu hồi.

Theo quy định của Luật Đất đai từ 1993, 2003, 2013 nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 2 năm theo tiến độ được duyệt thì phải bị thu hồi. Nhưng vì sao có dự án chậm đến gần 20 năm vẫn chưa bị thu hồi? Đó là câu hỏi không dễ trả lời.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, chỉ ra: Có thời điểm công tác chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội chưa quyết liệt; các sở ngành liên quan chưa làm hết trách nhiệm được giao; nhiều sở liên quan thiếu sự phối hợp với các quận, huyện trong phân loại chính xác nguyên nhân chậm tiến độ để tham mưu kịp thời xử lý. Ngoài ra cũng còn có nhiều nguyên nhân từ phía doanh nghiệp đầu tư thiếu năng lực tài chính, kéo dài thời gian để chuyển nhượng dự án, không hợp tác với đoàn giám sát.

Để rõ ngọn nguồn thông tin, chúng tôi liên hệ với lãnh đạo UBND huyện Mê Linh. Ông Đoàn Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết, địa bàn có 8 dự án xây dựng đô thị từ khi Mê Linh sáp nhập về Hà Nội, đến nay UBND huyện không liên lạc được với chủ đầu tư. Nhiều dự án vẫn đang phải chờ điều chỉnh quy hoạch 1/500. Tuy nhiên, ông Trọng cũng cho biết đối với các dự án còn lại, chủ đầu tư cam kết tiếp tục được triển khai, đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành có liên quan xem xét, giúp đỡ giải quyết khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, giao đất, thủ tục đầu tư...

Qua nắm thông tin, những năm qua nhằm xử lý các dự án “treo”, các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội đã “bêu tên” một số dự án, ra hạn định, thu hồi 16 dự án vi phạm. Song đó là con số quá ít ỏi so với những dự án vi phạm.

Trở lại những cánh đồng, những thửa đất mênh mông khu vực ngoại ô và trung tâm TP. Hà Nội, nhiều người dân bất lực trước sự lãng phí khủng khiếp khi đất đai nằm chờ “lên đời”. Họ kiến nghị, với dự án nhiều năm bị chậm, thành phố cần kêu gọi nhà đầu tư mới, có năng lực tài chính, có cơ chế ràng buộc, cam kết về thời gian thực hiện.

Việc thu hồi đất dự án và thúc đẩy triển khai dự án là công việc chẳng dễ dàng, nhưng nếu không thực hiện, nguồn tài nguyên quý giá của thành phố tiếp tục bị phơi mưa nắng.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho biết: Dự án chậm tiến độ cho thấy việc khai thác tài nguyên đất không hợp lý. Chúng ta thiếu sự kiểm soát và xử lý về việc sử dụng đất, thiếu việc quản lý tiến độ các dự án. Rất nhiều mảnh đất vàng nhưng lại để hoang hóa, lãng phí.

Bài, ảnh: Nguyễn Văn Học

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/xot-xa-nhung-du-an-dang-do-bo-hoang-n163118.html)

Chủ đề liên quan:

bỏ hoang dự án dang dở

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY