Ấm cúng gia đình bên nồi bánh trưng ngày tết
Bánh chưng gợi nhớ ngày Tết hay Tết gợi hương vị bánh chưng? Không biết tự bao giờ, món bánh truyền thống ấy đã trở thành thứ không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên, thành món ăn đặc trưng trong ngày Tết. Với nhiều gia đình, chiếc bánh chưng vuông nhỏ bé không còn đơn thuần là món ăn mà đã trở thành niềm vui, niềm hân hoan sum họp trong những ngày đầu năm mới.
Ngày Tết cổ truyền, nhà nào cũng có dăm ba cặp bánh chưng để cúng gia tiên. Bánh chưng là nét văn hóa lâu đời mà có lẽ mãi mãi về sau cũng không thể biến mất trong tâm thức người Việt. Cùng với sự phát triển của xã hội, hình ảnh nồi bánh chưng sôi sùng sục suốt đêm và những ánh lửa bập bùng trong đôi mắt người trông bánh nay đã thưa dần và gần như đã không còn thấy ở thành phố nữa. Mỗi năm Tết đến, nhớ về những cái Tết thời thơ bé với nồi bánh chưng ấm cúng mà đến khi trưởng thành người ta mới nhận ra nó ấm áp nghĩa tình biết bao.
Cảm giác háo hức của một đứa trẻ lon ton chạy theo mỗi bước chân của bố mẹ đang hối hả cho các công việc ngày Tết. Có biết bao nhiêu thứ phải chuẩn bị: nào thịt, nào giò chả, dưa hành…, nào là đi chợ sắm Tết… Nhưng có lẽ cầu kì nhất là chuẩn bị những chiếc bánh chưng.
Để có được những chiếc bánh chưng vuông vắn, ngon lành thường phải mất từ 1 – 2 ngày với rất nhiều công đoạn. Từ những ngày 27, 28 Tết, các gia đình đã bắt đầu gói bánh chưng. Trước đó, các bà, các mẹ ai nấy đều tấp nập đi chợ mua gạo nếp thơm, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong và một số vật dụng khác.
Cả nhà quây quần xung quanh để gói bánh chưng. Người lớn thì đôi tay thoăn thoắt, nhanh nhẹn mà khéo lắm nên gói bánh rất nhanh mà lại đẹp. Bánh chưa luộc mà nhìn đã ngon lắm rồi. Trẻ con thì chỉ ngồi… nghịch, ngồi xem là chính. Mà đứa nào cũng được bố mẹ, ông bà gói riêng cho một cái bánh nhỏ nhỏ xinh xinh. Trẻ con ở đâu cũng được “ưu tiên” như vậy và đứa nào cũng thích thú lắm.
Đám trẻ con chúng tôi cứ hay lanh chanh. Ngồi xem người lớn gói bánh mà nghe tiếng bạn í ới ngoài cửa là chạy ra ngay. Mấy đứa gặp nhau là tíu tít: “Nhà cậu gói bánh xong chưa? Đêm có trông luộc bánh không? Tối ra chơi nhé…”. Xong là lại lanh chanh chạy vào hết nhà này đến nhà nọ xem mọi người gói bánh. Có những nhà còn ngồi ra tận ngoài hành lang gói bánh nữa. Ai cũng khẩn trương, nhanh tay cho kịp luộc bánh buối tối. Ấy thế mà chẳng ai gợn lên chút gì mệt mỏi, ưu phiền. Những câu chuyện phiếm vui vẻ và những tiếng cười cứ không ngớt có lẽ vì vậy mà càng thấy ấm cúng hơn.
Chập tối, nhà nào nhà nấy đã gói xong những chồng bánh vuông vắn đều đặn. Bánh chưng được xếp trong một chiếc thùng phuy lớn, dưới đã chất sẵn củi. Tối đến, tụi trẻ con chúng tôi hẹn nhau ăn cơm thật nhanh rồi chạy ra ngồi bên nồi bánh. Trẻ con mà! Chỉ thích ngồi nhìn bếp lửa, ngồi nghịch lửa thôi. Rồi có khi bác hàng xóm mang ra cho bọn trẻ mấy củ khoai lang vùi vào bếp lửa là thích lắm. Người lớn thì vừa trông bánh, lại vừa có dịp ngồi bên nhau chuyện phiếm. Tiếng cười nói râm ran suốt cả buổi tối.
Vậy đấy! Chỉ có một buổi tối bên nồi bánh chưng mà biết bao ý nghĩa, ấm áp, chan hòa tình hàng xóm. Ngày nay, đời sống đã khác xưa, đã đầy đủ hơn nhiều lắm rồi. Người Hà Nội vẫn ăn bánh chưng ngày Tết như phong tục ngàn đời nay. Song, hình ảnh nồi bánh chưng đỏ lửa trong đêm quây quần thì gần như không còn nữa, để cho người ta bất chợt nhớ đến mà khát khao, mà nhớ thương
Có nhiều truyền thuyết dân gian cũng như có nhiều học giả, nhà nghiên cứu văn hóa giải thích khác nhau về nguồn gốc của bánh chưng.
Truyền thuyết kể rằng: Ngay sau khi phá xong giặc Ân, vua Hùng muốn truyền ngôi cho con. Vào dịp đầu xuân, vua cho mở hội và bảo các con rằng: Con nào tìm được thức ăn ngon lành để bày cỗ và có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho. Các Lang (các người con của vua Hùng) đã đua nhau làm ra những món lạ từ những nguyên liệu là sơn hào hải vị quý hiếm khắp nơi. Riêng người con trai thứ 18 của vua Hùng là Lang Liêu tính tình thuần hậu, chí hiếu, đã làm ra bánh chưng, bánh giầy.
Bánh giầy tượng trưng cho Trời, hình tròn, nhỏ, nằm gọn trong lòng bàn tay. Màu trắng nõn. Có hai miếng lá xanh cắt tròn đậy trên dưói. Mặt trên hình vòng cung giống như bầu trời. Trong xã hội Việt Nam thời xưa, bánh giầy dùng làm lễ vật tinh khiết để tế Trời và tế Thần. Chấp nhận Trời là đấng khai sáng vũ trụ, chủ tể trời đất. Thần là chủ trị địa phương.
Bánh giầy còn là lễ vật khao vọng cho những người được thăng quan tiến chức, hay học hành đỗ đạt. Biếu cặp bánh giầy là có ý nói lên lòng mơ ước tân chức biết sống có đức – độ, lấy quyền hành mà làm ích quốc lợi dân, thảo hoạch chương trình hành động theo ý trời hợp với lòng dân. Một thứ nhắc khéo là đừng vinh thân phì gia, đừng hãm hiếp dân lành, đừng vơ vét tham nhũng của dân.
Còn bánh chưng thì hình vuông, tượng trưng cho đất, theo quan niệm bình dân: Trời tròn đất vuông. Bánh dầy tượng trưng cho Trời, cho cha, cho rồng, cho sức mạnh… thì bánh chưng tượng trưng cho đất, cho mẹ, cho Âu Cơ, cho vẻ đẹp mỹ miều của Tiên. Việc gói bánh chưng phiền phức hơn làm bánh giầy, cũng nói lên tính cách phiền toái, đa dạng của lối sống trên mặt đất. Bánh chưng gói ghém hoa màu đồng nội, biến những thực phẩm thông thường hàng ngày của người nội trợ như thịt, mõ, đậu, hành, tiêu muối… thành một hương vị đặc biệt của ngày Tết.
Bánh chưng được gói năm ba lốp lá như lòng người mẹ bao bọc lấy người con. Con từ khi trong lòng mẹ, đến khi con chào đời, mẹ lo lắng cho từng cái khăn tã, cái miếng cơm ăn, miếng nước uống. Lòng mẹ bao la không hề quản khó nhọc nuôi con, dạy dỗ cho con thành người. Ngày Tết, ngày sum họp gia đình, ăn một miếng bánh chưng là cảm nghĩ về mẹ, sống với mẹ. Anh chị em đùm bọc lấy nhau, vì cùng một mẹ sinh ra như trăm con nở ra từ một bọc trứng. Ngày Tết là ngày vui nhất của đại gia đình về sum họp.
Cái giỏi và cái tâm của Lang Liêu là biết sử dụng những nguyên liệu thông thường có sẵn như: lá, gạo nếp, đậu xanh, thịt heo… để làm thành món ăn, mà trong đó đã gói ghém cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, mang ý nghĩa sâu xa để làm vật phẩm cúng tế tổ tiên, đất trời. Kết quả Lang Liêu được vua cha chọn nhường ngôi.
Từ đó, cứ đến Tết Nguyên đán, dân gian bắt chước làm theo, sau thành tục lệ để cúng Tổ tiên, cúng Trời Đất. Dần dần, bánh chưng đã trở thành món ăn truyền thống, độc đáo của dân tộc. Đây cũng là một trong những bằng chứng cụ thể chứng tỏ văn hóa ẩm thực Việt Nam với nhiều món ăn đặc sắc, hấp dẫn.
Dân tộc nào cũng có những món ăn truyền thống, song chưa thấy dân tộc nào có một món ăn vừa độc đáo, vừa ngon, vừa bổ, lại gắn liền với truyền thuyết dân tộc lâu đời và mang nhiều ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh như bánh chưng, bánh dầy của Việt Nam.
Lá dong: rửa từng lá thật sạch hai mặt và lau thật khô. Rửa càng sạch bánh càng đỡ bị mốc về sau. Trước khi, gói lá dong được người gói bánh dùng dao bài mài thật sắc (loại dao nhỏ chuyên dùng để gọt) cắt lột bỏ bớt cuộng dọc sống lưng lá để lá bớt cứng, để ráo nước. Một số vùng vẫn hay dùng lá chuối, trước khi gói nhúng nước sôi để dẻo. Lau thật khô trên lá, cắt cạnh nhỏ vừa gói bánh.
Gạo nếp: nhặt loại bỏ hết những hạt gạo khác lẫn vào, vo sạch, ngâm gạo ngập trong nước cùng 0,3% muối trong thời gian khoảng 12-14 giờ tùy loại gạo và tùy thời tiết, sau đó vớt ra để ráo. Có thể xóc với muối sau khi ngâm gạo thay vì ngâm nước muối.
Đỗ xanh: Giã nhuyễn, ngâm nước ấm 40° trong 2 giờ cho mềm và nở, đãi bỏ hết vỏ, vớt ra để ráo. Nhiều nơi dùng đỗ hạt đã đãi vỏ trong khi những nơi khác cho vào chõ đồ chín, mang ra dùng đũa cả đánh thật tơi đều mịn và sau đó chia ra theo từng nắm, mỗi chiếc bánh chưng được gói với hai nắm đậu xanh nhỏ. Cũng có một số nơi nhét sẵn thịt lợn vào giữa nắm đỗ.
Thịt heo: Thịt heo đem rửa để ráo, cắt thịt thành từng miếng cỡ từ 2,5 đến 3 cm sau đó ướp với hành tím xắt mỏng, muối tiêu hoặc bột ngọt khoảng hai giờ cho thịt ngấm.
Khâu chuẩn bị nguyên liệu, vật liệu cho bánh chưng đặc biệt quan trọng để bánh có thể bảo quản được lâu dài không ôi thiu hay bị mốc. Thịt ướp dùng nước mắm, vo nếp không sạch, đãi đậu không kỹ hay rửa lá còn bẩn, không lau khô lá trước khi gói đều có thể khiến thành phẩm chóng hỏng.
Bánh chưng độc đáo, sáng tạo, đậm đà bản sắc dân tộc còn ở những vật liệu và cách gói, cách nấu. Lúa gạo thì tượng trưng cho nền văn hóa lúa nước, nhiệt đới, nóng và ẩm, được chế biến dưới nhiều hình thức khác nhau, mang tính đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam hay Đông Nam Á. Người Trung Hoa ưa chế biến từ bột mì hơn; người Ấn Độ thì ưa chế biến từ kê… Thịt lợn mềm thơm được ướp gia vị đậm đà, nhân đậu xanh vừa ngon lành vừa bổ dưỡng. Bánh chưng như thế rất nhiều chất dinh dưỡng, đặc trưng của các món ăn Việt Nam. Độc đáo hơn nữa, khi nấu bánh chưng, người Việt dành trọn một thời gian khá dài thường trên 10 tiếng, phải để lửa sôi âm ỉ, như thế bánh mới rền, mới ngon. Nấu bằng lò gas, tuy nhanh, nóng quá cũng sẽ không ngon. Vì được gói bằng lá dong, bánh chưng vừa xanh vừa đẹp, thơm hơn lá chuối. Phải gói thật kín, không cho nước vào trong, bánh mới ngon. Lạt phải buộc thật chật, chắc; gói lỏng tay, ăn không ngon. Song nếu chắc quá, bánh cũng không ngon.
Tuy gọi là luộc song vì nước không tiếp xúc với vật liệu được luộc, nên lại là hình thức hấp hay chưng (chưng cách thủy), khiến giữ nguyên được chất ngọt của gạo, thịt, đậu! Có lẽ vì cách chế biến bằng chưng, nên mới gọi là bánh chưng. Vì thời gian chưng lâu nên các hạt gạo mềm nhừ quyện lấy nhau, khác hẳn với xôi khi người ta “đồ”, khi hạt gạo nhừ quyện vào nhau như thế, người ta gọi bánh chưng “rền”. Vì nấu lâu như thế, các vật liệu như thịt (phải là thịt vừa nạc vừa mỡ mới ngon; chỉ thịt nạc, nhân bánh sẽ khô), gạo, đậu đều nhừ. Cũng vì thời gian chưng lâu, khiến các chất như thịt, gạo đậu nhừ, có đủ thời gian chan hòa, ngấm vào nhau, trở thành hương vị tổng hợp độc đáo, cũng mang một triết lý sống chan hòa, hòa đồng của dân tộc ta.
Cách chế biến như thế rất độc đáo, công phu. Bánh chưng, nhất là bánh dầy có thể để lâu được. Khi ăn bánh chưng, người ta có thể chấm với các lọai mật hay với nước mắm thật ngon, giàu chất đạm; cũng có thể ăn thêm với củ hành muối, củ cải dầm hay dưa món… Dân Bắc Ninh xưa thích nấu bánh chưng, nhân vừa thịt vừa đường.
Từ Nam ra Bắc, từ xưa đến nay, bánh chưng đã có không ít thay đổi. Xưa kia, mỗi khi Tết đến, các gia đình thường cùng nhau gói bánh chưng rồi quây quần, háo hức cạnh nồi bánh, chờ luộc bánh chín. Nhưng ngày nay, do cuộc sống bộn bề, con người bận rộn, bánh chưng thường được mua sẵn tại các cửa hàng bày bán khắp nơi vào dịp Tết. Chủng loại bánh chưng cũng đa dạng hơn, nào là bánh chưng xanh truyền thống, bánh chưng gấc đỏ, bánh chưng cốm hay bánh chưng chay… đều có thể mua được. Ở miền Bắc, món bánh chưng ngày nay là món hàng quà bán hàng ngày, tuy nhiên bánh chưng vẫn là món ăn nghi lễ trong các ngày Lễ hội, Giỗ, Tết.
Những chiếc bánh chưng được gói vuông vắn trong những chiếc lá dong là hình ảnh quen thuộc thường thấy tại miền Bắc.
Người miền Nam lại có loại "bánh chưng" của riêng mình gọi là bánh tét. Nguyên liệu vẫn vậy nhưng bánh được gói thành hình trụ dài. Bánh tét thường được gói với ít đỗ và rất ít hoặc không có thịt, để có thể ăn được đến cả những ngày sau Tết. Bánh tét có thể dùng lá chuối thay cho lá dong. Với 2 đến 4 chiếc lá xếp theo chiều dọc, rải gạo, đỗ theo chiều của lá và quấn bằng lạt giang để bó chặt chiếc bánh. Ở miền Nam, bánh tét có rất nhiều loại như: bánh tét chay không nhân, bánh tét mặn, bánh tét ngọt và bánh tét nhân thập cẩm...
Từ năm 1802, sau khi đất nước được thống nhất dưới thời Gia Long, bắt đầu có sự kết hợp văn hóa cổ truyền của đất Bắc và văn hóa mới phong phú của vùng đất mới phương Nam. Do đó, ngày Tết ở miền Trung họ gói cả bánh chưng và bánh tét. Bánh chưng ở miền Trung thì thường được gói bé hơn chiếc bánh chưng ngoài Bắc và đặc biệt ít nhân hơn. Bánh tét thì giống như trong miền Nam, tuy nhiên, món bánh này lại không được dùng làm quà biếu trong những ngày đầu năm như ở miền Nam, bởi tên gọi “đòn bánh tét” nghe như đòn roi (Trẻ con miền Trung ngày xưa, mỗi khi lỡ ham chơi lêu lổng, bị cha mẹ la rầy kêu về, nghe câu dọa: “Đi mau về nhà được ăn bánh tét” thì hồn vía lên mây).
Ngoài ra, ở một số vùng miền núi của nước ta cũng có loại bánh chưng mang nét đặc biệt của riêng mình. Ví dụ như ở Sapa, họ gói bánh chưng thành từng chiếc nhỏ, không vuông như bánh Bắc, cũng chẳng dài như bánh Nam, có hai loại là bánh chưng trắng và bánh chưng đen. Còn về phần nhân thì cũng giống bánh chưng dưới xuôi gồm: vỏ gạo nếp (có thể là gạo nếp thường hoặc gạo nếp cẩm), nhân đậu, thịt mỡ. Món bánh này có vị mềm dẻo, dễ ăn nên rất được người Sapa và du khách ưa chuộng.
Bánh chưng đen Sapa – loại bánh đặc biệt gồm: vỏ gạo nếp, nhân đậu nhưng với hình dáng thuôn dài và đặc biệt là “lớp áo” đen là lạ.
Đây là món bánh chưng truyền thống của người Tày ở huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn). Hình dáng chiếc bánh này rất giống bánh tét ở miền Nam được theo hình trụ. Điểm độc đáo của món bánh này chính là màu đen của bánh. Đó là một màu đen tím như hạt nếp cẩm nhưng lại rất mềm và dẻo, vị thanh mát. Vào tháng 10 âm lịch, khi gặt vụ mùa xong, người Tày tỉ mẩn chọn từng cọng rơm nếp to, mọng,vàng đem về rửa sạch bằng dòng nước suối tinh khiết chảy từ trong khe núi.
Sau đó, phơi khô và đem đốt thành tro, vò mịn, dùng miếng vải xô rây lấy phần mịn nhất của tro. Gạo nếp sau khi được vo sạch sẽ được trộn cùng với tro mịn từ gốc rơm, rạ sao cho những hạt nếp tròn mây mẩy được bao bọc bởi màu đen của tro. Nhân của món bánh này cũng thật khác lạ, người Tày trộn thêm cả hành vào nhân thịt mỡ cùng với hạt tiêu vỡ bọc ngoài là đậu xanh. Lá để gói bánh chưng cẩm là những chiếc lá dong rừng bánh tẻ khổ nhỏ có màu xanh đậm.
Ngày nay, do cuộc sống bận rộn, nhiều gia đình đã không còn giữ thói quen gói bánh chưng ngày Tết. Thế nhưng, đâu đó vẫn còn hình ảnh các mẹ tất bật rửa lá dong, ngâm gạo, đãi đỗ, trẻ con háo hức xem bố mẹ gói bánh, rồi cả gia đình quây quần quanh nồi bánh chưng qua đêm… Một hình ảnh đẹp và thật ấm áp làm sao!