Dinh dưỡng hôm nay

10 thực phẩm dễ gây ngộ độc

(SKGĐ) Bạn có thể tránh được nguy cơ “miệng làm hại thân” nhờ những tư vấn dinh dưỡng hữu ích dưới đây.

1. Rau họ cải

(gồm xà lách, cải xanh, cải trắng, bắp cải, cải đắng, cải xoăn và củ cải).

Một điều mà rất ít người biết, đó là “sức đề kháng” của các loại rau này rất yếu. Chúng dễ dàng bị nhiễm khuẩn chéo (nhiễm khuẩn qua trung gian) nếu bạn không cẩn trọng trong việc làm sạch trước khi chế biến. Đặc biệt với những loại rau ghém, ăn sống hay trộn salad thì hậu quả của việc nhiễm khuẩn này sẽ hết sức nặng nề.

=> Nên: Rửa sạch tay trước khi làm bếp. Rửa các loại rau thật kỹ. Đối với các loại rau sống phải ngâm với nước muối loãng ít nhất 10 phút trước khi sử dụng. Nên sử dụng thớt và dao riêng biệt với thức ăn chín và thức ăn sống.

2. Cà chua

Cũng giống như các loại rau họ nhà cải, nếu trong nhà bạn đã tồn tại vi khuẩn thì cà chua sẽ là đối tượng đầu tiên để chúng xâm nhập qua nhiễm khuẩn chéo. Đặc biệt, trong cà chua xanh (chưa chín kỹ) có chứa nhiều chất kiềm, nếu ăn sống những quả cà chua này sẽ thấy vị chát ở miệng. Người không hợp sẽ trúng độc.

=> Nên: Hãy rửa tay trong 20 giây với nước ấm và xà phòng trước và sau khi chuẩn bị làm cà chua (hay nói rộng ra là thực phẩm tươi). Rửa cà chua và các loại rau quả tươi dưới vòi nước chảy trước khi ăn hoặc chế biến. Thậm chí nếu cần thiết hãy gọt vỏ trước khi sử dụng. Giữ trái cây, rau quả tươi tách biệt với các thực phẩm khác.

3. Giá đỗ

Giá đỗ là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao đối với sức khỏe nhưng cũng có nhiều nguy cơ gây ngộ độc. Nhiều nguyên nhân dẫn đến giá bị nhiễm khuẩn: từ đồng ruộng hoặc người làm giá sử dụng nước ô nhiễm để tưới. Mặt khác, các điều kiện nóng ẩm khuyến khích giá nảy mầm, phát triển cũng đồng thời thúc đẩy sự tăng trưởng của vi khuẩn, đặc biệt là khuẩn salmonella.

=> Nên: Trẻ em, người cao tuổi những người bị suy hệ miễn dịch không nên ăn giá tươi mà nên nấu chín trước khi ăn. Với các món ăn sử dụng giá đỗ tươi, phải rửa giá dưới vòi nước chảy nhiều lần và ngâm qua nước muối loãng.

4. Dâu tây

Loại trái cây này rất dễ nhiễm một loại khuẩn có tên là Cyclospora-thủ phạm của những cơn tiêu chảy chết người, gây mất nước nặng nề và co giật cơ. Vào năm 1997, hàng ngàn trẻ em ở Mexico đã bị nhiễm viêm gan siêu vi A do ăn phải dâu tây bị nhiễm khuẩn.

=> Nên: Chọn mua dâu tây trong siêu thị, không nên mua dâu tây ở chợ hoặc hàng bán rong, vì dâu tây là loại quả rất dễ bị dập, nên chọn những trái dâu tây cuống còn tươi, thân không bị nát. Bảo quản dâu tây trong ngăn mát tủ lạnh không quá một tuần.

5. Khoai tây

Sẽ không có vấn đề gì với khoai tây nấu chín, nhưng với khoai tây sống trong những món như salad trộn thì lại rất nguy hiểm. Khoai tây dễ nhiễm những loại vi khuẩn như Listeria, Shigella, E. coli và Salmonella, gây tiêu chảy, sốt, buồn nôn...

=> Nên: Nấu chín kỹ khoai trước khi ăn. Tránh mua khoai đã lên mầm vì trong mầm khoai tây có chứa độc tố Solanine rất có hại (ngộ độc solanine chủ yếu gây rối loạn tiêu hóa và thần kinh).

6. Trứng

Trứng rất dễ nhiễm vi khuẩn salmonella-nguyên nhân gây tiêu chảy, sốt, đau bụng. Vi khuẩn này có thể ngấm vào tận bên trong trứng ngay từ khi trứng còn là một “bào thai” cho đến khi được tiêu thụ.

=> Nên: Nấu chín trứng là phương pháp tốt nhất để phòng ngừa khuẩn salmonella, vì loại khuẩn này dễ dàng bị khống chế trong nhiệt độ 70oC sau 15 phút, trong 100oC sau 5 phút. Bỏ thói quen ăn những chế phẩm từ trứng sống, kể cả trứng “lòng đào”.

7. Cá ngừ

Loại cá này rất dễ nhiễm độc tố scombrotoxin. Độc tố này gây ra những triệu chứng ngộ độc như dị ứng, sốt, đau đầu, co giật... Nếu bảo quản ở nhiệt độ không thích hợp, sau khi bị ươn, dưới tác động của một số loại vi khuẩn sẽ sinh ra độc tố và nguy hiểm hơn là loại độc tố này không bị tiêu hủy khi nấu nướng. Ngoài cá ngừ, độc tố scombrotoxin còn có trong một số loài cá biển khác như: cá thu, cá nục, cá trích nhỏ, cá mòi...

=> Nên: Tốt nhất là mua cá từ siêu thị uy tín, nếu mua ở chợ nên chọn cá được bảo quản bằng đá đục (đá phải phủ kín mặt cá) hoặc cá được ướp muối, khoanh cá khi cắt ra còn máu tươi. Nấu ngay khi mua cá về.

8. Hàu

Trước khi trở thành một món ăn đặc sản, hàu sống dưới đáy biển và nhận “nhiệm vụ” lọc nước lấy thức ăn. Chính vì thế nếu chúng sống trong những vùng nước ô nhiễm, hay những vùng có sứa độc, chúng sẽ bị nhiễm khuẩn. Hàu rất dễ nhiễm virus Norovirus và vi khuẩn Vibrio vulnificus, gây nôn mửa và tiêu chảy.

=> Nên: Không nên ăn hàu sống trong bất kỳ trường hợp nào, kể cả ăn chung với mù tạt.

9. Phô mai

Phô mai cũng dễ nhiễm các vi khuẩn như Listeria và Salmonella. Listeria không chỉ gây ngộ độc mà còn gây ra các bệnh lý nguy hiểm như sảy thai, viêm não, nhiễm trùng huyết. Vì vậy, các bác sĩ thường khuyên thai phụ nên tránh xa các loại phô mai mềm.

=> Nên: Trước khi mua nên kiểm tra kỹ phô mai xem đã được gói kín trong hộp chưa và miếng phô mai có tươi không. Giữ phô mai ở nhiệt độ lạnh và nên dùng càng sớm càng tốt.

10. Kem

Kem lạnh thường bị nhiễm vi khuẩn Salmonella và Staphylococcus. Sự nguy hiểm của Salmonella đã được nói đến ở trên, còn Staphylococcus-một dạng tụ khuẩn cầu gây bệnh ngoài da và xâm nhập vào sâu cơ thể qua các vết thương hở. Staphylococcus có thể gây nên các bệnh nguy hiểm như: viêm xương tủy, nhiễm trùng huyết, viêm tắc tĩnh mạch, viêm màng não mủ...

=> Nên: Không nên sử dụng trứng khi tự làm kem tại nhà. Trứng sống thường được cho vào kem để tăng độ ngậy, nhưng trứng không được làm chín rất dễ bị nhiễm khuẩn Salmonella.

Theo chuyên đề

Sức khỏe gia đình (NXB Y học)

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/10-thuc-pham-de-gay-ngo-doc-15567/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY