Trong hành trình đi làm người lớn, mình bắt đầu học cách quan tâm hơn về tiền. Bài viết này mình chia sẻ về 3 bước bạn có thể làm để bắt đầu chăm sóc cho ví tiền của bản thân tốt hơn.
Mình bắt đầu đi làm từ 2015, đến giờ cũng được hơn 6 năm đi làm. thu nhập tăng giảm tùy lúc, có những lúc cũng đã kiếm được cả 50 triệu mỗi tháng – nhưng do tiêu xài phung phí và không quan tâm nhiều đến vấn đề tài chính nên không dư ra được bao nhiêu. đầu năm 2021 này, mình quyết định "làm người lớn" một phen – tức là quan tâm tìm tòi nhiều hơn về chuyện tài chính. càng tìm hiểu về tài chính, mình càng nhận ra để bớt lo nghĩ chuyện tiền, để đạt ‘tự do tài chính’ như nhiều người hay nói – vấn đề chính lại không phải là tiền.
Chuyện tài chính nghe ban đầu thì có vẻ phức tạp, nhiều số má, nhiều thuật ngữ nhức não, nhưng thực tế chỉ quay quanh 3 việc chính một cá nhân cần làm là:
- Giảm chi tiêu số tiền đang có
Khái niệm này cũng được chia sẻ trên trang LeoX – một cộng đồng về đầu tư mà mình rất tin tưởng. Tác giả cũng nói rằng, đây là 3 bước nối tiếp nhau, bắt đầu từ bước 1 sang 2 sang 3 để bạn dần tiến đến việc tự do tài chính, tức là sống mà không phải lo chuyện tiền nữa.
Bước 1 vừa là bước dễ nhất, lại vừa là bước khó nhất.
Dễ là tại vì ngay khi bạn là sinh viên, chưa cần đi làm cũng đã làm được rồi. Kể cả chưa đi làm có lương, hàng tháng nhận tiền bố mẹ cho thì một bạn sinh viên cũng có thể học được cách quản lý số tiền đó, điều mà mình chẳng làm được khi còn là sinh viên và mới đi làm.
Còn khó là tại vì để làm được bước này, một người rất cần sự kỷ luật và giảm ham muốn, mà bạn có thừa nhận rằng 2 việc này khó khó khó vô cùng trên đời này không? Tuy nhiên, khó không phải là không làm được. Quan trọng là bạn bắt đầu, mình cũng đang bắt đầu. Các bước như thế này:
2000 gửi xe cũng ghi lại, 10.000 mua vé số cũng ghi lại. mình tập thói quen ghi lại tất cả các đồng mình bỏ ra để biết dòng tiền của mình chảy về đâu. ứng dụng mình sử dụng là moneylover, mình chọn vì đó là ứng dụng của người việt nam và mình thường dùng điện thoại.
Việc ghi chép này cần được thực hiện liên tục trong ít nhất 3 tháng, để mình thấy được một mẫu số chung về dòng tiền của mình đang chảy về đâu. Thường thì cứ tiêu gì là mình mở điện thoại ghi luôn, nhưng nếu bạn không làm ngay lập tức được như vậy thì hãy tổng hợp một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ. Trong câu chuyện cá nhân của mình, trước khi ghi lại nghiêm túc mình cũng biết là mình ăn tàn phá hại rồi, chắc cỡ 15-20 triệu/tháng thôi, ai dè 3 tháng gần nhất mình ghi được tháng nào cũng hơn 40 triệu. Tiền tiêu nhiều vào các khóa học và ăn uống (ta nói cái bụng làm hại cái đầu mà).
Thường thì khi đọc về một bài viết của ai đó về chuyện ‘tự do tài chính’, cắt giảm chi tiêu ở mức tối đa để sớm đạt được tự do tài chính ở tuổi 35-40 gì đó, mình cũng rất hào hứng và bắt tay vào thực hiện ngay. thay vì mỗi ngày đang ăn hết 150k, mình cũng tập tành đặt mục tiêu 30-50k/ngày. thế nhưng đặt mục tiêu là một chuyện, thực hiện thì tè le tùm lum hết.
Mình nhận ra để thay đổi một thói quen gì đó cũng cần có sự từ từ, việc cắt giảm chi tiêu cũng cần từ từ như thế. trừ khi có một biến cố nào đó trong cuộc đời, hoặc bạn là một cá nhân cực kỳ thép – việc cắt giảm cái rụp 30-50% chi tiêu hàng tháng bạn đang xài có vẻ không dễ chút nào. vậy nên mình học cách từ từ giảm dần con số chi tiêu theo tháng. nếu tháng này tổng kết lại mình tiêu 40 triệu, tháng sau mình sẽ đặt mục tiêu 38 triệu, nếu đạt được mục tiêu sẽ tiếp tục giảm tiếp cho đến một con số mình thấy là khả thi. nói thì dễ vậy thôi, ngay cả khi bản thân mình là một người có ý thức về việc này, 4 tháng qua mình vẫn đang chật vật trong việc giảm đi một chút đấy – nên bạn cũng đừng thấy ngạc nhiên hay tự trách móc bản thân nếu bản thân làm không tốt.
Khi tìm hiểu về tài chính cá nhân, đọc từ sách Việt Nam cho đến sách nước ngoài, tham khảo mấy chục chuyên gia thì đều có một khái niệm chung được đúc kết thành một câu ngắn gọn là "Pay Yourself First" – Trả cho bạn trước. "Yourself" ở đây tức là bạn ở trong tương lai, trả cho những gì tốt cho tương lai của bạn trước, rồi mới chi tiêu.
Lý do có việc này là với những người chưa quan tâm đến chuyện tài chính, sau khi nhận một cục lương đầu tháng (ví dụ là 10 triệu), chúng ta thường có thói quen là mua cái này cái kia (vì lúc cuối tháng kẹt tiền chưa mua được), trả người này người kia, ăn một bữa đã đời, nói chung là làm đủ các việc rồi dư ra đồng nào thì để tiết kiệm. Nhưng mà khổ là thường sau khi làm đủ một đống việc trên, khả năng cao là chúng ta chẳng còn dư ra đồng nào để mà tiết kiệm nữa.
Áp dụng khái niệm này cùng phương pháp 6 cái lọ, mình phân chia chuyện tài chính của mình như thế này. Ví dụ ngày 31 cuối tháng mình nhận mức lương 15 triệu, mình sẽ phân chia thành 6 phần như sau:
Chi tiêu cơ bản: 55% = 8.250.000
Vui chơi: 10% = 1.500.000
Học tập: 10% = 1.500.000
Tiết kiệm dài hạn: 10% = 1.500.000
Đầu tư: 10% = 1.500.000
Cho đi: 5% = 750.000
Như vậy, đầu tháng mới việc đầu tiên mình làm là mang khoản Tiết kiệm dài hạn gửi vô ngân hàng, mang khoản Đầu tư cho vào chứng khoán (lưu ý: ngân hàng và chứng khoán là 2 kênh cá nhân mình chọn, bạn có thể chọn kênh khác), để riêng 10% của học tập để trả tiền học lớp nào đó đang cần học, hoặc cứ để đó khi nào có lớp thì học. Như vậy mình ngay khi nhận 15 triệu, mình đã bỏ ra ít nhất 4.5 triệu cho các việc trên – để Pay Me First, trả cho mình trước.
Việc tham gia vào các cộng đồng tài chính và những cộng đồng sống tối giản lại chính là cách giúp bạn tiết kiệm tiền. Tại vì sao?
Thứ nhất, khi bạn rảnh, bạn vào những nhóm đó đọc, chơi, vừa có thêm kiến thức, vừa đỡ lang thang đi lên Shopee mua sắm hay lên Grab mua đồ về ăn.
Thứ hai, được truyền cảm hứng bởi những người đang sống tiết kiệm, tự nhiên bạn cũng sẽ tiết kiệm hơn.
Nói như vậy không nhất thiết rằng bạn cứ phải tham gia hai cộng đồng trên. mấu chốt ở đây là việc tìm kiếm cho chúng ta những thói quen giải trí ít tốn kém nhất về tài chính có thể; vì mình nhận ra việc đi chơi, đi ăn, đi xem phim là một khoản chi kha khá mình bỏ ra hàng tháng. mình cũng không khuyến khích bạn đọc phải bỏ hết tất cả việc giải trí vui chơi ăn uống, vì bản thân con người cũng cần các nhu cầu đó – nhưng bạn nên bắt đầu tập ý thức về những thói quen vui chơi này của mình – cũng là một bước rất cần trong việc cắt giảm chi tiêu và tự do tài chính.
Ví dụ, vẫn là đi ăn nhưng trước khi lao vào Manwah hay Kichi, mình sẽ suy nghĩ lại về việc ăn một tô bún bò vào thời điểm đó – vẫn no và tiết kiệm. Trước khi mua vé CGV trực tiếp trên ứng dụng, mình có thể vào thử ZaloPay hay Momo để xem có khuyến mãi nào không, thường là có.
Để bắt đầu bước này, bạn cần hiểu nhanh hai khái niệm của thu nhập là chủ động và thụ động. chủ động là có làm mới có ăn, lương đi làm công ty là ví dụ rõ nhất. thụ động là khoản tiền đẻ ra tiền, ví dụ như lãi ngân hàng, đầu tư, cho thuê nhà… tăng thu nhập là tăng ở 2 cái khoản này.
Để tăng thu nhập thì có nhiều cách mà mình tin chắc bạn cũng đã biết hoặc có nghe qua. ví dụ bản thân mình ngoài công việc chính tại trường đại học, mình có thêm tiền từ việc viết sách, viết blog, tư vấn hướng nghiệp cá nhân, mua vàng, mua chứng khoán. có một vài điều mình học được trong quá trình tìm hiểu về việc tăng thu nhập này đó là:
Chứng khoán cũng hay, vàng cũng hay, nhà đất cũng hay – bạn gặp người nào làm trong lĩnh vực nào thì bạn sẽ nghe người đó nói những điều hay về lĩnh vực đó. Nếu bạn đang bắt đầu quan tâm đến đầu tư, hãy bắt đầu với việc tìm hiểu về nó. Khoan hẵng bắt đầu học các lớp học của các chuyên gia vài chục triệu vội, bây giờ trên mạng có rất nhiều các website, nhóm có nhiều chuyên gia, sách cũng không quá mắc – quan điểm của mình là bắt đầu tìm hiểu từ miễn phí trước, sau đó mua sách, rồi từ sách hiểu rõ những thuật ngữ cơ bản rồi thì mới đi tìm lớp học chuyên gia.
Ví dụ, mình đang bắt đầu tìm hiểu về chứng khoán. Với một người học ngành truyền thông và làm giáo dục như mình, những từ ngữ thông thường trong chứng khoán như ‘cổ phiếu’, ‘cổ tức’, ‘thanh khoản’ là một cái gì đó nghe rất là cao siêu nên mình phải bắt đầu tìm hiểu lại từ đầu. Cái gì mới học cũng khó nên đừng vội nản bạn nhé. Một lần nữa mình giới thiệu các bạn cộng đồng LeoX ở trên, các bạn vào theo dõi thêm nhé.
Trong thời buổi của mạng xã hội và internet như bây giờ, có kiến thức ở một lĩnh vực cộng một chút hiểu biết về các công cụ internet là bạn có thể gia tăng thu nhập được chút đỉnh rồi. bây giờ mình thấy mọi người có thể kiếm thêm tiền từ đủ kiểu.
Mình lấy một ví dụ của mình – ngoài công việc toàn thời gian tại trường Đại học, do có thương hiệu cá nhân thì mình có thể kiếm tiền từ một số cách khác.
Ví dụ mình viết Content Facebook và Website cho một số đơn vị, có thể kiếm 5-7 triệu/tháng. Một cuốn sách mình có thể kiếm được 20-30 triệu tháng
Mình làm tư vấn hướng nghiệp cá nhân, có thể kiếm 1.5 – 3 triệu/ca tư vấn.
Ngoài ra, còn một số đầu việc lặt vặt khác, ví dụ như làm Affilate Marketing hay tiền quảng cáo từ blog này có thể mang lại vài trăm ngàn mỗi tháng.
Thành thật là bước này mình không giỏi – nên mình chưa chia sẻ nhiều. Khi nào đã giỏi mình sẽ chia sẻ nhiều hơn.
Tình trạng tài sản hiện nay: Nhà mình vẫn đi thuê, ô tô không có, vàng có 1 miếng, vật dụng cá nhân có dưới 100 món đồ (do sống tối giản).
Chuyên mục này, bạn hãy đọc thêm tại trang LeoX, có nhiều bạn giỏi hơn mình nhé.
Điều cuối cùng mình muốn chia sẻ: Càng tìm hiểu về tiền, mình nhận ra vấn đề chính của chuyện tiền lại không phải là tiền. Vấn đề chính ở đây là việc kiểm soát tinh thần, kiểm soát sự ham muốn.
Nói vậy không có nghĩa là sống mà không cần tiền. Ai cũng cần tiền, ở một mức nào đó. Bạn cần là người xác định rõ xem, ở con số tối thiểu nào với bạn là đủ để bạn có được sự thoải mái cơ bản trong cuộc sống. Chạy theo đồng tiền là một cuộc chạy đua không có hồi kết, càng biết hài lòng với những gì mình đang có, mình càng cảm thấy nhẹ nhõm hơn về vấn đề tài chính.
Chúc các bạn có một hành trình tài chính thật vui.
Chủ đề liên quan:
giảm chi tiêu giảm ham muốn mua vé số như thế này tăng thu nhập tiêu xài phung phí vấn đề tài chính