Tâm linh hôm nay

Ác Tỳ kheo

Nếu Tỳ kheo ác thành tựu chín pháp này, ghi nhớ không bỏ, thì trọn không thành đạo quả. Cho nên, này các Tỳ kheo, đối với các pháp ác nhớ nên xả bỏ. Như thế, này các Tỳ kheo, nên học điều này!

Tỳ kheo là người xuất gia, đã phấn đấu cầu thọ giới pháp (cụ túc giới) để tu học, đáng ra nơi họ không có gì ác vì được an trú trong giới, được giới chở che, bảo hộ. Thế nhưng, giữ giới và chuyển hóa nghiệp lực vốn không phải là chuyện dễ làm.


Thời gian đầu nhờ sơ tâm hùng mạnh nên tinh tấn cao độ, nhờ đó mà phiền não tạm thời bị nhiếp phục. Về sau do dễ xuôi, ỷ lại, tự mãn nên phiền não có cơ hội trỗi dậy. Cái gọi là ác Tỳ kheo bắt đầu hình thành từ đây.


“Một thời Phật ở tại nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ kheo:


Có sự việc gọi là thành tựu chín pháp. Thế nào là chín? Là sắc mặt cứng cỏi, không hạ mình, tâm tham, bỏn sẻn, tâm niệm không xả ly, chóng quên, lười suy nghĩ, che giấu việc dâm, không biết đền ơn. Đó là chín pháp. Này Tỳ kheo! Đó gọi là thành tựu chín pháp này.


Tỳ kheo ác cũng thành tựu chín pháp. Thế nào là chín? Ở đây, Tỳ kheo ác sắc mặt cứng cỏi, không hạ mình, tâm tham, bỏn sẻn, chóng quên, lười suy nghĩ, che giấu việc dâm, không biết đền ơn, tâm niệm không xả ly. Đó là chín pháp.


Thế nào là Tỳ kheo ác sắc mặt cứng cỏi? Ở đây, Tỳ kheo ác tìm cầu điều không nên tìm cầu, trái với hạnh Sa môn. Tỳ kheo như thế gọi là sắc mặt cứng cỏi.


Thế nào là Tỳ kheo ác chịu nhục? Ở đây, Tỳ kheo ác ở nơi các Tỳ kheo hiền thiện mà tự khen mình, hủy báng người khác. Tỳ kheo như thế gọi là chịu nhục.


Thế nào là Tỳ kheo sinh tâm tham? Ở đây, Tỳ kheo ác, thấy tài vật của người khác đều sinh tâm tham. Đây gọi là tham.


Thế nào là Tỳ kheo bỏn sẻn? Ở đây, Tỳ kheo ác, được y bát không cho người dùng chung, thường tự cất giấu. Như thế gọi là bỏn sẻn.


Thế nào là Tỳ kheo hay quên? Ở đây, Tỳ kheo ác, phần lớn thường để rơi mất những lời diệu thiện, cũng chẳng suy nghĩ phương tiện tu, bàn luận chuyện quốc gia binh chiến. Như thế gọi là Tỳ kheo ác thành tựu sự chóng quên này.


Thế nào là Tỳ kheo ác lười suy nghĩ? Ở đây, Tỳ kheo ác đối với pháp cần suy nghĩ mà không suy nghĩ. Như thế gọi là Tỳ kheo ác ít suy nghĩ.


Thế nào gọi là Tỳ kheo ác che giấu việc dâm? Ở đây, Tỳ kheo ác có việc dâm mà che giấu, không nói với người: “Nay tôi hành dâm chớ để người biết”. Như thế gọi là Tỳ kheo ác che giấu việc dâm.


Thế nào là Tỳ kheo ác không biết đền ơn? Ở đây, Tỳ kheo ác không có tâm cung kính, không hầu hạ thầy và các bậc đáng tôn trọng. Như thế gọi là Tỳ kheo ác không biết đền ơn.


Nếu Tỳ kheo ác thành tựu chín pháp này, ghi nhớ không bỏ, thì trọn không thành đạo quả. Cho nên, này các Tỳ kheo, đối với các pháp ác nhớ nên xả bỏ. Như thế, này các Tỳ kheo, nên học điều này!


Bấy giờ, các Tỳ kheo nghe xong lời Phật dạy, liền vui vẻ vâng làm.


(Kinh Tăng Nhất A Hàm, tập III, phẩm 44. Chín nơi cư trú của chúng sinh [trích], VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.205)

Trong kinh văn, có một pháp bị các nhà kết tập bỏ sót không giải thích, đó là “tâm niệm không xả ly”. Tuy nhiên, không khó để nhận ra những đặc điểm của vị Tỳ kheo ác, gồm 9 pháp “sắc mặt cứng cỏi, không hạ mình, tâm tham, bỏn sẻn, chóng quên, lười suy nghĩ, che giấu việc dâm, không biết đền ơn, tâm niệm không xả ly”.


Theo như giải thích của đức Phật, người tu là Tỳ kheo ác khi có những biểu hiện như:

1- Tìm cầu điều không nên tìm cầu, trái với hạnh Sa môn

2- Tự khen mình, hủy báng người khác

3- Thấy tài vật của người khác đều sinh tâm tham

4- Được y bát không cho người dùng chung, thường tự cất giấu

5- Rơi mất những lời diệu thiện, cũng chẳng suy nghĩ phương tiện tu, bàn luận chuyện quốc gia binh chiến

6- Với pháp cần suy nghĩ mà không suy nghĩ

7- Có việc dâm mà che giấu

8- Không có tâm cung kính, không hầu hạ thầy và các bậc đáng tôn trọng

9- Tâm niệm không xả ly


Cứ vào những điều này, quả thật, ranh giới của thiện ác nơi người tu cũng rất mong manh. Khoác cà sa lên người, dẫu có lâu ngày cũng chưa nói lên được điều gì nếu còn vương pháp ác. Khi đang là phàm tăng, chúng ta có thể xem 9 pháp này là thước đo tư cách của người tu. Nếu ai không vương 9 pháp này đích thị là bậc chân tu, cao tăng, thạc đức. Ngược lại là ác tăng, ác Tỳ kheo, cần phải nỗ lực tu học và chuyển hóa nhiều hơn, bởi tu hành mà không vượt qua 9 pháp này thì không thể sáng đạo. Thế Tôn đã nhắc nhở: “Thành tựu chín pháp này, ghi nhớ không bỏ, thì trọn không thành đạo quả”.

Quảng Tánh
Nguồn link: https://thuvienhoasen.org/p26a26256/ac-ty-kheo

Quảng Tánh

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/ac-ty-kheo-d26998.html)
Từ khóa: tỳ kheo

Chủ đề liên quan:

tỳ kheo

Tin liên quan

Tin cùng nội dung

  • Vào thời quá khứ, có một quốc gia tên là Hiền Đề. Lúc bấy giờ, có vị tỳ kheo lâm bệnh nặng nằm trên giường rất lâu, sức khoẻ đã suy yếu rất nhiều, đại tiểu tiện đều phải đi trên giường, toàn thân dơ bẩn và hôi hám nên không có ai lui tới chăm sóc.
  • Từ niềm an lạc của đạo quả, vì muốn biết lúc nào các Tỳ-kheo chứng đạo, bà dùng Thiên nhãn xem xét và thấy rằng họ vẫn còn bị trói buộc trong tham sân si, tuy có hành thiền nhưng vẫn chưa đạt Minh sát tuệ. Bà thắc mắc không biết họ có đủ khả năng chứng A-la-hán không và thấy rằng họ có.
  • Trong lần tái sinh này, bà đã sinh ra làm con của đức vua Suppabuddha (Thiện Giác), xứ Devadaha, em gái của hoàng hậu Maya, và được gọi với cái tên Mahapajapati - như lời tiên đoán của những bậc tiên tri - là người dẫn dắt một hội chúng lớn.
  • Giới nữ lưu Việt Nam, đặc biệt là Ni giới ở thời Bắc thuộc đã nhập thế tích cực theo tinh thần Đại thừa. Họ đã thể hiện thật đặc sắc tinh thần người phụ nữ Việt Nam là giặc đến nhà, đàn bà phải đánh. Dứt khoát là vậy, không thể khác và không thể chần chừ.
  • Đức Phật đã nói với ni sư: “Trước mặt Đức Phật, con không được phô diễn thần thông vì lợi ích riêng của mình; thay vào đó, một vị ni sư cần trì giữ hạnh khiêm cung và tác phong giản dị, để mọi chúng sinh đều được truyền cảm hứng và tự nhiên phát khởi niềm lòng kính ngưỡng trong tâm”.
  • Người nhất tâm nghe kinh là hơn, người không nhất tâm nghe kinh là kém. Người nhất tâm nghe kinh có hai hạng: nghe rồi thọ trì pháp và nghe rồi không thọ trì pháp. Người nghe rồi thọ trì pháp là hơn, người nghe rồi không thọ trì pháp là kém.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY