Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Bài 2: Chưa đủ lực để làm tròn vai

(HNM) - Tính đến thời điểm hiện tại, 100% trạm y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tuy nhiên, dịch Covid-19 vừa qua đã làm bộc lộ không ít điểm yếu của tuyến y tế xã, phường, thị trấn, từ nhân lực cho đến cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.

(hnm) - tính đến thời điểm hiện tại, 100% trạm y tế trên địa bàn thành phố hà nội đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. tuy nhiên, dịch covid-19 vừa qua đã làm bộc lộ không ít điểm yếu của tuyến y tế xã, phường, thị trấn, từ nhân lực cho đến cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. chính vì vậy, việc duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế đến năm 2025 theo nghị quyết đại hội đại biểu lần thứ xvii (nhiệm kỳ 2020-2025) đảng bộ thành phố hà nội đề ra và nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở là một thách thức không nhỏ.

Ảnh: Xuân Lộc

Cơ sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn

Theo quy định, việc đánh giá thực hiện bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã của Bộ Y tế, áp dụng cho các xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) được thực hiện hằng năm. Xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế có thời hạn trong vòng 3 năm. Nếu các năm tiếp theo không đạt bộ Tiêu chí, thì phải rút danh hiệu đã công nhận.

Trong Bộ tiêu chí này có 10 tiêu chí với tổng điểm là 100. Riêng với tiêu chí về cơ sở vật chất chiếm 11/100 điểm. Xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế, nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu: Đạt từ 80% tổng điểm trở lên và không bị “điểm liệt”. Ngoài ra, số điểm trong mỗi tiêu chí phải đạt từ 50% số điểm của tiêu chí đó trở lên.

Đến hết năm 2021, toàn thành phố Hà Nội có 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn được khảo sát, chấm điểm và đều đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, với mức điểm từ 80% trở lên và với tiêu chí về cơ sở vật chất chỉ cần đạt 5,5/11 điểm. Trên thực tế, nhiều trạm y tế xã, phường, thị trấn dù đạt chuẩn quốc gia, song vẫn còn nhiều tồn tại về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất chưa thực sự đáp ứng công tác chuyên môn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh bùng phát.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, có những trạm y tế dù đạt chuẩn quốc gia, nhưng không đủ diện tích xây dựng tối thiểu; được xây dựng từ lâu, thiếu buồng, phòng để bố trí đáp ứng khám, chữa bệnh ban đầu, nhiều hạng mục đã xuống cấp… Về điều kiện trang thiết bị, thành phố đã cơ bản đầu tư đủ trang thiết bị cho các trạm y tế. Tuy nhiên, qua nhiều năm sử dụng, một số trang thiết bị phục vụ y tế dự phòng, khám, chữa bệnh ban đầu đã lạc hậu hoặc phải sửa chữa, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Được xây dựng từ năm 2008, đến nay, sau khoảng 14 năm vận hành, Trạm Y tế phường Việt Hưng (quận Long Biên) đã rơi vào tình trạng xuống cấp. Cuối năm 2021, Trạm Y tế phường Việt Hưng đã được sửa chữa, cải tạo và đến tháng 4-2022 bắt đầu đi vào hoạt động với cơ sở khang trang, sạch sẽ hơn. Thế nhưng, việc cải tạo, sửa chữa cũng chỉ chủ yếu là quét lại sơn, ốp đá, xử lý những mảng tường vôi bị bong tróc…

Trạm trưởng Trạm Y tế phường Việt Hưng Lưu Thị Loan cho biết, hiện nhân viên y tế tại trạm chủ yếu chỉ thực hiện khám lâm sàng, thiếu máy móc, trang thiết bị để khám cận lâm sàng. Thêm vào đó, một số danh mục kỹ thuật trạm y tế làm được, nhưng lại chưa có nhân lực để thực hiện, nên người dân đến khám bệnh tại đây rất ít.

Với một phường có dân số lên tới hơn 60.000 người như phường Mai Động (quận Hoàng Mai), vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, số F0 liên tục tăng nhanh, để thực hiện nhiệm vụ, 8 cán bộ của Trạm Y tế phường Mai Động đều phải ăn ở, sinh hoạt tại chỗ. Song, do quy mô nhỏ hẹp, xuống cấp, trạm y tế không có khu vực riêng dành cho nhân viên y tế. Có thời điểm, nhân viên y tế phải sinh hoạt chung với bệnh nhân Covid-19…

Chế độ đãi ngộ chưa tương xứng

Theo Sở Y tế Hà Nội, tỷ lệ y, bác sĩ của thành phố trên số dân còn thấp, nhất là đối với các trạm y tế cấp xã - có nơi trên 60.000 dân cũng chỉ có tối đa 10 cán bộ y tế, trong khi với 10 cán bộ y tế chỉ phụ trách hiệu quả khoảng 13.000 đến 15.000 dân.

Huyện Đông Anh có 24 trạm y tế ở 24 xã, thị trấn, trong đó có hơn 50% số trạm y tế không có bác sĩ. Riêng xã Kim Chung có thêm khu công nghiệp, nên rất đông dân cư (khoảng 40.000 người), trong khi trạm y tế nơi đây chỉ có 8 nhân viên. Phó Trưởng phòng Y tế huyện Đông Anh Nguyễn Thu Hà cho biết, đợt dịch Covid-19 vừa qua, khi nhân viên y tế bị quá tải, huyện đã thiết lập thêm các trạm y tế lưu động thu dung công nhân ở khu công nghiệp; đồng thời huy động thêm lực lượng y tế thôn, các bác sĩ về hưu, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… cùng tham gia hỗ trợ.

Mặc dù đảm nhận rất nhiều nhiệm vụ, song thu nhập của cán bộ khối trạm y tế còn thấp. Đơn cử như một ngày trực bình thường (trực chuyên môn) mất khoảng 16 tiếng, họ chỉ được nhận 18.700 đồng, còn ngày trực là thứ bảy, chủ nhật được nhận 32.500 đồng (hỗ trợ thêm 15.000 đồng tiền ăn); ngày trực lễ, Tết được 45.000 đồng. Thu nhập thấp, trong khi chi phí sinh hoạt ngày càng cao, nên trạm y tế không thu hút được nhân lực. Phó Trưởng phòng Y tế quận Hoàng Mai Trần Thị Quế Lan cho rằng, các chính sách cho nhân viên y tế chưa bảo đảm đủ trang trải cuộc sống, khiến nhân viên tại các trạm y tế xin nghỉ việc rất nhiều…

Trong giai đoạn hiện nay, việc cần thiết là phải đầu tư nâng cấp, mở rộng, cải tạo, xây mới các trạm y tế không bảo đảm chất lượng, đã xuống cấp, đồng thời tăng cường nguồn nhân lực có chuyên môn là những yếu tố sống còn, giúp mạng lưới y tế cơ sở thực hiện tốt vai trò “người gác cổng” chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân.

(Còn nữa)

Mạng Y Tế
Nguồn: Hà Nội Mới (http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/1034086/bai-2-chua-du-luc-de-lam-tron-vai)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY