Dinh dưỡng hôm nay

Bạn biết gì về đường “thân thiện”?

(SKGĐ) Nhiều người Việt Nam còn chưa biết khái niệm này thì trên thế giới, Isomaltulose (đường thế hệ mới) hay đường thân thiện đã được ứng dụng cách đây nửa thế kỷ nhằm bảo vệ sức khỏe.

Đức: Cái nôi của “đường thế hệ mới”

Năm 1957, Đức là nước đầu tiên thành công kết tinh và sản xuất “đường thế hệ mới” (có tên khoa học là Isomaltulose) nhờ công của nhà sinh hóa Weidenhagen Sudzucker. Weidenhagen đã phát hiện ra cách sản xuất Isomaltulose nhờ khám phá ra vi khuẩn Rubrum.

Đến năm 2005, Công ty BENEO-Platinit (Đức) cũng là công ty đầu tiên thương mại hóa Isomaltulose có nguồn gốc từ củ cái đường với tên Palatinose.

Năm 2012, GS. Daniel Konig của Đại học Freiburg (Đức), trưởng nhóm nghiên cứu do Beneo tài trợ đã thử nghiệm sản phẩm này trên 20 người đàn ông, độ tuổi 32-64. Những người này thuộc nhóm thừa cân hoặc béo phì và có nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2. Kết quả là Isomaltulose hỗ trợ tiêu hủy chất béo lên tới 18% và giúp duy trì đường huyết ổn định, tăng lên từ từ đều đặn và giảm xuống chậm rãi.

Nhật Bản: Phê chuẩn từ thập niên 1980

Isomaltulose đã được các nhà khoa học nước này nghiên cứu từ những năm 1980 để xem xét độ an toàn. Đến năm 1985, chúng được kết luận là sản phẩm tiêu dùng an toàn và chính phủ đã phê duyệt sử dụng Isomaltulose vào công nghệ thực phẩm và đồ uống.

Malaysia: Khuyến khích dùng giúp trẻ tăng nhận thức

Đại học Y khoa Putra Malaysia đã nghiên cứu về vai trò của Isomaltulose trên trẻ em. Họ cho nhóm trẻ tham gia nghiên cứu uống sữa tăng cường loại đường này. Kết quả trẻ em gia tăng nhận thức và tập trung học tập một cách đáng kể.

Trung Quốc: Khẳng định chống sâu răng

Hệ thống quy định trong luật của Trung Quốc cho thấy chất ngọt trong thực phẩm có chứa từ 70% Isomaltulose trở lên sẽ đủ điều kiện ghi trên nhãn mác dòng chữ "không gây sâu răng".

Mỹ tài trợ để phát triển Isomaltulose

Cơ quan Quản lý  Thực phẩm và Dược phẩm Hòa Kỳ (FDA) đã công nhận an toàn và phê chuẩn sử dụng sản phẩm Palatinose (Isomaltulose) vào tháng 3/2006. Sau đó FDA còn tài trợ để phát triển việc dùng đường Isomaltulose thay đường mía trong sản xuất chế biến một số thực phẩm.

Việt Nam: Đang tiếp xúc người tiêu dùng

Isomaltulose mới xuất hiện ở Việt Nam trong vài năm gần đây và thực tế nhiều người dân biết đến loại đường này. Một số công ty kinh doanh thực phẩm đang giới thiệu chào hàng sản phẩm này với mục đích ăn kiêng giảm cân, phòng ngừa tiểu đường, hỗ trợ trẻ em phát triển trí não...

“Đường thế hệ mới” là gì?

Do Isomaltulose được thương mại hóa đầu tiên với Palatinose nên khi nhắc tới loại đường mới này, họ nhớ tới tên Palatinose hơn. Trong tự nhiên, Isomaltulose (được quen với tên palatinose) tồn tại với một lượng rất nhỏ ở mật mía, mật ong. Ưu điểm nổi bật của Isomaltulose là có mối liên kết khá vững chắc α1-6 giữa các phân tử, nên khó bị enzyme hay vi khuẩn phá vỡ. Nhờ đó Isomaltulose là loại đường “chậm” có chỉ số đường huyết thấp (bằng 32, thấp tương đương với đậu nành, sữa chua trái cây) nên giúp ổn định đường huyết.

Tuy nhiên, bạn cần phân biệt Isomaltulose với đường rượu Isomalt. Isomalt cũng được sản xuất từ củ cải đường nhưng chúng là đường lên men, không được hấp thụ hoàn toàn nên dễ gây đầy hơi, tiêu chảy và không dùng được cho trẻ. Còn đường Isomaltulose “thân thiện” với sức khỏe và có thể dùng cho mọi đối tượng.

Bình Minh

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/ban-biet-gi-ve-duong-than-thien-7059/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY