Kinh tế xã hội hôm nay

Bản lĩnh văn hóa giúp Hà Nội vượt qua mọi thử thách - Bài 3: Viết tiếp niềm tin và hi vọng

Bản lĩnh văn hóa giúp Hà Nội

Trân trọng những giá trị đã và đang có

Trong những ngày Hà Nội giãn cách hẳn nhiều người sẽ nhận ra nhiều giá trị mà chúng ta đã và đang có để trân trọng, nâng niu cũng như giữ gìn. Nếu ngày trước để đánh giá sự phát triển kinh tế của một đô thị phần nào được thể hiện bằng sự sầm uất, đông vui nhộn nhịp của vùng đất đó. Covid -19 xuất hiện như "cú phanh hãm" cho cái sự đông đúc ấy để người Hà Nội sống chậm hơn và thấy trân trọng hơn những ngày ta đã trải qua. Lúc này chúng ta có thời gian ngẫm nghĩ, nhớ về những nét văn hóa rất thanh tao của Hà Nội để điều chỉnh. Thậm chí có những điều ta đã lãng quên, đã bị miếng cơm manh áo cuốn đi mà không nhận ra. Đó là được ở nhà với gia đình nhiều hơn, lắng nghe những người ruột thịt của mình nhiều hơn, học với con nhiều hơn, chơi với con nhiều hơn. Và chúng ta cũng nhận ra rằng sức khỏe của con người là vốn quý, cần phải bảo vệ bằng mọi giá. Cả hệ thống chính trị vào cuộc để đẩy lùi dịch bệnh thì không có lý do gì mỗi người lại không chung tay bảo vệ chính sức khỏe và cuộc sống của mình. Mỗi cá nhân cần phải tự thay đổi thích ứng từ nếp ăn, nếp ở, nếp nghĩ trong hoàn cảnh mới.

Trong những ngày Hà Nội giãn cách hẳn nhiều người sẽ nhận ra nhiều giá trị mà chúng ta đã và đang có (ảnh; Bảo Trung)

Nếp nhà trong mỗi gia đình của người Hà Nội những ngày giãn cách cũng cần phải được phát huy cao độ. Người lớn cần gương mẫu nhắc nhở các thành viên trong gia đình thực hiện nghiêm các quy định được lãnh đạo Thành phố đưa ra. Nếu còn những hành vi thiếu văn minh, chưa phù hợp, làm ảnh hưởng đến cộng đồng và công tác phòng chống dịch bệnh cần uốn nắm, điều chỉnh, phê phán ngay.

Sự đảm đang, khéo léo, chu toàn, biết sắp xếp việc công, việc tư sao cho hiệu quả, hợp lý… của người phụ nữ Hà Nội cũng phải được duy trì, phát huy. Có như vậy "thành trì gia đình" mới yên ấm, hòa thuận trong cảnh người người giãn cách ở nhà vừa làm việc vừa chăm sóc gia đình. Đây là phẩm chất đã có từ lâu đời của các bà, các mẹ Hà Nội. Nhưng ở mỗi giai đoạn, thời điểm thì đức tính quý báu này lại được bộc lộ, thể hiện khác nhau để phù hợp với thời thế.

Để Hà Nội trở về cuộc sống bình thường, không có cách nào khác là phải đẩy lùi được dịch bệnh Covid -19. Làm được điều này chưa thể một sớm một chiều, và cũng không phải là việc riêng của một ai đó, một nhà nào đó, một cơ quan nào đó. Cuộc chiến với Covid – 19 là một thách thức để "lửa thử vàng, gian nan thử sức" với sự đồng lòng, chung tay của tất cả mọi người. Sự tiếp thu tri thức nhân loại, yêu chuộng cuộc sống yên bình, tính kỷ luật... sẽ là thứ thôi thúc để người Hà Nội vững tin đi qua vượt qua mọi khó khăn thử thách.

Viết tiếp cho Hà Nội những giá trị văn hóa

Trong bất cứ hoàn cảnh nào của hôm nay, với tình yêu cháy bỏng dành cho Hà Nội chúng ta vẫn nhận ra còn rất nhiều người âm thầm lặng lẽ viết tiếp cho Hà Nội những giá trị văn hóa. Không cảm động sao giữa chốn phồn hoa đô thị, với nền kinh tế thị trường diễn ra chóng mặt từng phút từng giờ vẫn còn đó người đàn ông cặm cụi làm thợ rèn thủ công, vẫn còn đó người phụ nữ tóc bạc trắng phau để nuôi những đàn thiên nga bông cuối cùng của Hà Nội. Họ được gắn với cái tên "người duy nhất", "người còn sót lại", "người cuối cùng" như cách nói không hợp thời mà chẳng may may động lòng thay đổi. Cái sự "cố hữu", "bảo thủ" đầy tâm huyết để giữ lại văn hóa truyền thống cho Hà Nội thật đáng trân trọng.

Ảnh minh họa

Không chỉ giữ lại những giá trị xưa cũ cho con cháu mai sau, Hà Nội cũng còn nhiều thế hệ bồi đắp vào dòng chảy văn hiến hôm nay bằng sự sáng tạo, bền bỉ, đầy đau đáu và trăn trở. Đó là nghệ nhân Phan Thị Thuận (Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội) là người đầu tiên ở Việt Nam sản xuất thành công lụa dệt bằng tơ sen. Với sự độc đáo từ, tỉ mỉ và kỳ công, những tấm lụa được dệt bằng tơ sen mang hồn cốt dân tộc, có giá trị kinh tế cao, tạo được tiếng vang trong và ngoài nước. Hay như nhà văn Lê Phương Liên mang đến độc giả cuốn tiểu thuyết đầu tiên về cuộc đời của một nữ trí thức thời phong kiến vô cùng đặc biệt là Đoàn Thị Điểm trong Nữ sĩ thời gió bụi. Là những chiếc đèn gốm ở Bát Tràng khắc họa 5 danh thắng của Hà Nội khiến người ta bất ngờ vì đẹp như tranh vẽ. Kế đến là chàng trai 9x Nguyễn Đức Lộc say mê phục trang cổ với giấc mơ phục dựng cổ phục Việt thời Nguyễn, Lê, Trần, Lý. Nhóm bạn trẻ khác lại cùng bắt tay thực hiện bộ sách dựng hình 3D đầu tiên về Hà Nội đầy sáng tạo để điểm danh các danh thắng, điểm đến tiêu biểu của Hà Nội.

Bồi đắp cho văn hóa Hà Nội là sự cống hiến không mệt mỏi của bao lớp người dành cho mảnh đất này. Họ có thể được sinh ra, được lớn lên ở Hà Nội, nhưng cũng có thể là người con của miền đất khác vẫn dành cho Hà Nội sự nâng niu và những thăng hoa bất tận của cảm xúc. Ta có thể nhận ra điều ấy qua nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tặng cho Hà Nội một giai phẩm đẹp mang tên nỗi nhớ "Nhớ mùa thu Hà Nội". Một Trần Quang Lộc với câu hỏi đầy lãng mạn, đắm đuối và da diết: "Có phải em mùa thu Hà Nội? (thơ Tô Như Châu). Một Phú Quang dù đi xa Hà Nội vẫn dành những thanh âm nên thơ, tràn đầy cảm xúc cho Hà Nội qua một loạt ca khúc. Một Băng Sơn với nơi chôn nhau cắt rốn không phải ở Hà Nội nhưng cả đời cầm bút vẫn đắm đuối viết về Hà Nội như máu thịt của mình...

Để tôn vinh những đóng góp cho Hà Nội, hàng năm nhiều giải thưởng ghi nhận phải kể đến như: Giải thưởng Bùi Xuân Phái vì Tình yêu Hà Nội, Công dân Thủ đô ưu tú; Gương mặt trẻ tiêu biểu của Thủ đô… Mỗi một giải thưởng đều có một tiêu chí khác nhau, nhưng năm nào Hà Nội cũng gọi tên được chủ nhân của những giải thưởng và tôn vinh các cá nhân, tập thể. Điều đó cho thấy từng giờ, từng phút bằng nhiều cách khác nhau vẫn có rất nhiều người lặng lẽ cống hiến cho Hà Nội. Và sự cống hiến này luôn được động viên, ghi nhận kịp thời để trở thành nguồn khích lệ, cổ vũ cho tất cả những ai yêu mến, muốn đóng góp xây dựng cho Hà Nội.

Với sự chuyển mình của một đô thị năng động, phát triển, hà nội ít nhiều có những thay đổi. bên cạnh những mặt tích cực thì có cả những điều khiến người ta nuối tiếc, phải lên án. sau khi bộ quy tắc ứng xử tại nơi công cộng và bộ quy tắc ứng xử dành cho công chức, viên chức trên địa bàn hà nội được ban hành, tính khả thi, hữu dụng của nó đã chứng minh bằng việc góp phần thay đổi lớn lao cho diện mạo văn hóa thủ đô. và đáng mừng thay, sau tất cả, cái bất biến của hà nội là văn hóa vẫn còn đó. bản lĩnh văn hóa giúp hà nội vượt qua mọi thử thách như trong các giai đoạn lịch sử đã chứng minh.

chúng ta tin mọi khó khăn thử thách của Hà Nội sẽ vượt qua, tiếp tục xây dựng một Hà Nội văn minh, hiện đại và giàu văn hóa hơn (ảnh Bảo Trung)

Giờ đây Hà Nội đang phải đối mặt với dịch bệnh, để thích nghi cuộc sống bình thường mới cũng không tránh khỏi một số thay đổi nhất định. Song chúng ta vẫn nhìn thấy ở đó chứa đựng thứ vũ khí tinh thần không thể thiếu đó là sự đoàn kết, nền tảng văn hóa ứng xử văn minh, thanh lịch phù hợp, đã kết tinh từ ngàn đời, được giữ gìn, tiếp nối và trao truyền hôm nay của người Hà Nội từ người dân đến chính quyền. Đó là lý do để chúng ta tin mọi khó khăn thử thách của Hà Nội sẽ vượt qua, tiếp tục xây dựng một Hà Nội văn minh, hiện đại và giàu văn hóa hơn.

Mỗi một giai đoạn, mỗi một biến cố dù đã qua, đang qua và sẽ qua sẽ tạo nên những giá trị riêng cho Thủ đô như lớp lớp phù sa bồi đắp lên cho Hà Nội một gương mặt mới trên nền tảng, cốt lõi cũ. Khi chúng ta chú ý giữ gìn những cái cũ và sống đúng, sống đẹp với Hà Nội ngày nay, chính là đã góp phần tạo nên một Hà Nội ngày nay đẹp hơn trong mắt con cháu tương lai. Từ đó, một lớp công dân mới của Thủ đô hình thành những lối ứng xử văn minh hơn, hiện đại hơn, "chất Hà Nội" hơn.

Bài: Đồng Văn, ảnh: Bảo Trung

Mạng Y Tế
Nguồn: Tổ quốc (http://toquoc.vn/ban-linh-van-hoa-giup-ha-noi-vuot-qua-moi-thu-thach-bai-3-viet-tiep-niem-tin-va-hi-vong-20210808104603236.htm)

Chủ đề liên quan:

Bản lĩnh văn hóa giúp Hà Nội

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY