Dinh dưỡng hôm nay

Bệnh Khúc Xạ Loạn Thị

1. Khái niệm:2. Nguyên nhân:3. Phân loại:4. Triệu chứng:5. Chẩn đoán:6. Điều trị:7. Cách chăm sóc và bảo vệ mắt:8. Câu hỏi liên quan:9. Địa chỉ khám chữa bệnh:

1. Khái niệm:

Loạn thị là một loại tật khúc xạ khá phổ biến. Ở mắt bình thường, các tia hình ảnh sau khi đi qua giác mạc thì được hội tụ ở một điểm trên võng mạc. Nhưng ở mắt loạn thị, các tia hình ảnh lại được hội tụ ở nhiều điểm trên võng mạc khiến cho người loạn thị thấy hình ảnh nhòe, không rõ. Loạn thị có thể đi kèm với cận thị thành tật cận loạn, hoặc đi kèm với viễn thị thành tật viễn loạn.

Loạn thị có thể di truyền cho thế hệ sau. Nếu trong gia đình bạn có người bị loạn thị bẩm sinh thì khả năng di truyền cho thế hệ sau cao hơn so với người bình thường.

2. Nguyên nhân:

Nguyên nhân chủ yếu là do giác mạc có hình dạng bất thường. Bình thường bề mặt giác mạc có hình cầu. Khi bị loạn thị, giác mạc có độ cong không đều. Sự thay đổi độ cong bề mặt giác mạc làm hình ảnh của vật hội tụ thành nhiều đường tiêu trên võng mạc dẫn đến nhìn mờ nhòe, biến dạng hình ảnh.

3. Phân loại:

- Có nhiều loại loạn thị tùy thuộc vào phối hợp của loạn thị với cận thị và viễn thị: Loạn cận đơn thuần, loạn cận kép, loạn viễn đơn thuần, loạn viễn kép, loạn thị hỗn hợp.

- Điều chỉnh loạn thị thường khó. Cần biết một số điểm sau đây: không thể đạt được một thị lực bình thường ở những bệnh nhân bị loạn thị nặng, nói chung là 6 đến 7/10.

4. Triệu chứng:

- Tùy thuộc vào loại loạn thị và mức độ loạn thị mà gây ảnh hưởng khác nhau đến chức năng thị giác. Các loại loạn thị viễn thường gây nên suy giảm chức năng thị giác nhiều hơn. Tuy nhiên tất cả các loại loạn thị thường gây nhìn mờ, mỏi mắt, nhức mắt, nhìn hình bị biến dạng, nhòe hình…

- Đối với trẻ em, khi thấy các triệu chứng: nhìn chữ trên bảng không rõ, hay nheo mắt, cầm sách đọc quá gần, hay đỏ mắt, kèm với hay than nhức mỏi mắt, nhìn mờ là rất có thể trẻ đã bị tật khúc xạ, cần phải cho trẻ đi khám ngay.

5. Chẩn đoán:

Bệnh nhân bị loạn thị nên được khám ở các cơ sở chuyên khoa mắt để xác định chính xác số kính. Kính loạn thị cần được lắp đúng số, đúng trục loạn thị, đúng tâm kính… mới có thể mang lại kết quả tốt cho bệnh nhân. Tuy nhiên đối với trẻ em nhỏ hơn 5 tuổi, việc xác định chính xác tật khúc xạ của trẻ phảỉ nhờ vào các phương pháp khám khúc xạ khách quan. Tại viện bác sĩ sẽ nhỏ Thu*c liệt điều tiết (trẻ sẽ mờ vài ngày) sau đó sẽ dùng phương pháp soi bóng đồng tử để xác định tật khúc xa. Phương pháp này có giá trị đặc biệt ở trẻ em, người câm, người không trả lời chính xác.

6. Điều trị:

Hiện nay có 3 phương pháp để điều trị tật khúc xạ:

- Đeo kính gọng: Là phương pháp đơn giản, ít tốn kém và an toàn nhất. Nó được chỉ định cho mọi lứa tuổi.

- Mang kính tiếp xúc: Trong trường hợp không muốn mang kính gọng, không muốn hoặc không có chỉ định mổ, có thể mang kính tiếp xúc.

- Phẫu thuật: Được chỉ định cho những trường hợp vì lí do nghề nghiệp hay lí do gì đó mà không muốn mang kính gọng hoặc kính tiếp xúc. Hiện nay phương pháp mổ bằng laser (LASIK) cho kết quả rất tốt.

7. Cách chăm sóc và bảo vệ mắt:

Để có một đôi mắt sáng đẹp và phòng tránh tật khúc xạ cho mắt, ở lứa tuổi học đường cần thực hiện các biện pháp sau đây.

- Nơi học tập đảm bảo đủ ánh sáng, nên dùng loại đèn dây tóc có chụp phản chiếu, nếu dùng đèn Neon thì nên dùng loại có 2 bóng mắc song song. Ánh sáng phải chiếu từ phía trước mặt hoặc đối diện với tay cầm bút, góc học tập nên bố trí gần của sổ.

- Tư thế ngồi học thẳng lưng, hai chân khép để trên nền nhà, đầu cúi 10 – 15 độ. Cần bố trí chiều cao bàn ghế phù hợp với cấp học, đảm bảo khoảng cách từ mắt đến sách vở là 25cm với cấp tiểu học, 30cm với cấp THCS và 35cm với học sinh THPT. Không đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng, khi đi tàu xe, khi nằm, khi quỳ.

- Chữ viết trên bảng và trong tập vở phải rõ nét, không viết mực đỏ, mực xanh lá cây, không đọc sách in chữ quá nhỏ, in trên giấy vàng, giấy đen.

- Phải có chế độ học tập và vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và xa. Khi học cứ 1 giờ phải nghỉ 10 – 15 phút. Khi xem TV, chơi điện tử không quá 60 phút mỗi lần, không ngồi quá gần sẽ ảnh hưởng tới mắt.

- Cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt, ngủ từ 8 – 10 tiếng một ngày, dinh dưỡng nhiều rau xanh, trái cây đảm bảo đủ các loại vitamine cho cơ thể. Cho trẻ đi khám kiểm tra mắt mỗi 6 tháng một lần hoặc ngay khi có các biểu hiện nghi ngờ như mờ mắt, dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát tập vở v.v... để kịp thời phát hiện và điều chỉnh tật khúc xạ.

8. Câu hỏi liên quan:

Câu 1: Chứng loạn thị bẩm sinh có chữa khỏi được không?

Lọan thị bẩm sinh hoàn toàn có thể điều trị được bằng các phương pháp phẫu thuật tiên tiến hiện nay: Lasik, Lasek, femtosecond, đặt kính nội nhãn. Tuy nhiên bệnh nhân cần đi khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt uy tín để biết mắt có phù hợp với những phương pháp đó hay không để điều trị.

Câu 2: Bao nhiêu tuổi có thể tiến hành phẫu thuật điều trị loạn thị?

Khi trên 18 tuổi có thể phẫu thuật để điều trị cận, viễn, loạn thị. Tuy nhiên tuổi phẫu thuật có thể sớm hơn tùy thuộc vào mức độ bệnh và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt. Các phương pháp phẫu thuật khúc xạ nhằm mục đích tạo lại hình dáng bề mặt của mắt để chữa loạn thị được áp dụng phổ biến hiện nay là phẫu thuật LASIK, LASEK...

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe toàn dân (http://suckhoetoandan.vn/p/5c1ca77276801b6b0e00d477)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY