Bài thuốc dân gian hôm nay

Bệnh sinh của ôn bệnh: Những điều cần biết

Bệnh lý của ôn bệnh chủ yếu là biểu hiện ở vệ khí, dinh, huyết và tạng phủ thuộc tam tiêu.

Chuyển biến bệnh thường bắt đầu từ vệ rồi vào khí, đến dinh, đến huyết. Cũng có khi bệnh bắt đầu từ phần dinh, phần khí mà phần vệ chỉ thoáng qua, triệu chứng của ôn bệnh không cố định.

Vệ, khí, dinh, huyết có quan hệ chặt chẽ với nhau: Vệ và khí đều là khí cơ nhưng vệ chủ phần biểu, khí chủ phần lý. Dinh, huyết đều từ thức ăn uống của ngũ cốc mà hóa sinh ra nhưng dinh là tiền thân của huyết, là khí ở trong huyết. Do đó vệ, khí, dinh, huyết thể hiện sự nông sâu và sự chuyển biến qua lại của ôn bệnh.

Bệnh lý ở ôn bệnh chủ yếu biểu hiện ở vệ khí, dinh huyết và tạng phủ thuộc tam tiêu.

Tà ở phần vệ: Ôn bệnh mới phát có các triệu chứng sốt, hơi sợ lạnh, nhức đầu, ho, hắt hơi, không có mồ hôi hoặc ít mồ hôi, rêu lưỡi trắng mỏng, lưỡi đỏ, mạch phù sác. Đặc điểm của tà ở phần vệ là sốt, sợ lạnh; điều trị biểu chứng phần vệ thường dùng phương pháp tiết trệ thấu hãn.

Tà ở phần khí: Nhiệt tích ở phế: Thường thấy sốt, ho, khát, rêu lưỡi vàng; Nhiệt ở hung cách: Vùng cách mô bực dọc, sốt, rêu lưỡi vàng; Nhiệt thịnh ở dương minh vị: Sốt cao, có mồ hôi, thở mạnh, nước tiểu vàng sẫm, rêu lưỡi vàng ráo. Mạch hồng đại; Nhiệt ở trường vị: Sốt cao, táo bón hoặc tiêu chảy (do nhiệt) đầy bụng, cứng đau, rêu lưỡi vàng dầy khô hoặc xám đen, có gai. Mạch trầm thực hữu lực; Nhiệt uất ở thiếu dương: Nóng lạnh như sốt rét, sốt nhiều, sợ lạnh ít, đắng miệng, đau sườn, đau hoặc tức vùng thượng vị, lợm giọng, rêu lưỡi vàng, hơi nhớt. Mạch huyền sác. Nếu nhiệt hiệp thấp thấy nóng lạnh lúc lên lúc xuống, tức ngực vùng thượng vị, nước tiểu ít; Thấp nhiệt phạm vào tỳ: Sốt âm ỉ bĩ tức vùng thượng vị, nôn mửa, nặng mình, chân tay mỏi, rêu lưỡi nhớt. Mạch nhu hoãn.

Tà ở phần dinh: Nhiệt tà ở phần dinh: Lưỡi đỏ thẫm, không khát, bực dọc, mất ngủ không yên, nói lảm nhảm, mạch tế sác. Phương pháp điều trị thanh dinh tiết nhiệt. Khi ôn tà mới vào phần dinh phương pháp điều trị là ngoại thấu nhiệt tà.

Tà ở phần huyết: Ôn tà vào phần huyết ngoài các triệu chứng bực dọc, mất ngủ, sốt nặng về đêm, không khát, thường thấy nôn ra máu, chảy máu cam, ỉa hoặc đái ra máu, ban chẩn, súc huyết, bực dọc phát cuồng. Đặc điểm của nhiệt ở phần huyết là lưỡi đỏ thẫm và các triệu chứng xuất huyết. Phương pháp điều trị: Lương huyết giải độc.

Triệu chứng thượng tiêu:

Chủ yếu là triệu chứng bệnh ở hai kinh thủ thái âm phế và thủ quyết âm tâm bào. Ôn tà phạm vào phế có các triệu chứng: Sốt, sợ lạnh, không có mồ hôi hoặc ít mồ hôi, hơi khát, rêu lưỡi trắng mỏng, đầu và cạnh lưỡi đỏ, mạch phù sác.

Nếu biểu tà là thấp, lý tà là nhiệt uất ở phế có các triệu chứng: Sốt, có mồ hôi, khát, ho suyễn, rêu lưỡi vàng, mạch sác. Ôn tà vào thủ quyết âm tâm bào có các triệu chứng: Mê man, nói nhảm hoặc nói ngọng, tay chân lạnh ngắt, lưỡi đỏ thẫm.

Triệu chứng trung tiêu:

Chủ yếu là triệu chứng của ba kinh: Túc thái âm tỳ, túc dương minh vị, thủ dương minh đại trường. Vị làm chủ táo, tỳ làm chủ thấp. Tà vào trung tiêu mà táo hóa. Do các triệu chứng lâm sàng của thấp ôn là không sợ lạnh mà sợ nóng, buổi chiều càng nặng, mặt và mắt đều đỏ, tiếng nói nặng và đục, thở mạnh, táo bón, đái rắt, rêu lưỡi vàng. Bệnh nặng thì rêu lưỡi xám đen, có gai là chứng thực nhiệt của trường vị ở dương minh. Tà vào trung tiêu mà thấp hóa gây sốt âm ỉ, ngực và trường vị tức, lợm giọng, buồn nôn, nặng mình, mỏi chân tay, rêu lưỡi nhớt, mạch hoãn là chứng thấp của thái âm tỳ không hoá.

Triệu chứng hạ tiêu:

Chủ yếu là triệu chứng của bệnh ở hai kinh Túc thiếu âm thận và Túc quyết âm can. Tà nhiệt làm hao thận âm gây sốt, mắt đỏ, lòng bàn tay, bàn chân nóng, miệng và họng khô, tinh thần mỏi mệt, bực dọc mất ngủ, mạch hư. Nhiệt làm thận âm khô, ảnh hưởng đến can mộc nên lúc phong dấy lên thì chân tay run rẩy hoặc co giật, chân tay lạnh ngắt, tim đập mạnh.

Triệu chứng bệnh ở thủ thái âm phế thường là thời kỳ đầu của bệnh ôn nhiệt, triệu chứng bệnh ở túc dương minh vị thường là thời kỳ cực thịnh của ôn bệnh, ôn nhiệt. Triệu chứng bệnh ở Túc quyết âm can và túc thiếu âm thận là thời kỳ cuối của bệnh ôn nhiệt bệnh từ thủ thái âm phế truyền tà xuống trung tiêu là truyền thuận, truyền vào tâm bào là truyền nghịch. Bệnh ở trung tiêu không khỏi sẽ truyền đến can thận. Đó là tình hình diễn biến chung và không cố định.

BS. Trần Văn Bản

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/benh-sinh-cua-on-benh-nhung-dieu-can-biet-n153345.html)

Chủ đề liên quan:

bệnh sinh của ôn bệnh

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY