Một nhóm nghiên cứu do nhà khoa học Brennan Phillips dẫn đầu đã phát hiện loài cá mập này ở quần đảo Solomon, phía nam Thái Bình Dương vào năm 2015. Các nhà nghiên cứu khi đó đang quan sát hoạt động của núi lửa ngầm Kavachi và nhận thấy nhiều con cá mập và cá mập đầu búa đang bơi dưới biển sâu gần quần đảo.
“Về mặt khoa học, có một số lý do khiến sinh vật rất khó sống ở đó ngoại trừ vi khuẩn. Đầu tiên là môi trường rất nóng và nồng độ axit cao. Thứ hai là nước ở đó rất đục, không điều kiện nào có lợi để loài cá sinh sống”, nhà nghiên cứu Phillips nói trên National Geographic.
Các nhà khoa học có thể đã tìm thấy câu trả lời cho sự tồn tại của cá mập trong ngọn núi lửa ngầm hoạt động mạnh nhất thế giới, theo bộ phim tài liệu gần đây của National Geographic có tựa “Sharkcano”.
Phát biểu với 9News của Australia, tiến sĩ Michael Heithaus từ khoa Sinh học tại Đại học quốc tế Florida, giải thích rằng loài động vật săn mồi này có thể sống trong miệng núi lửa đang hoạt động nhờ một cụm sức mạnh trên mõm của chúng gọi là "Hệ giác quan Lorenzini". Các nhà nghiên cứu cho biết chính "giác quan" này đã giúp cá mập phát hiện những thay đổi trong từ trường của hành tinh và bơi đi trước khi một vụ phun trào núi lửa xảy ra.
“Điều này cho thấy cá mập có khả năng thích nghi tốt như thế nào. Môi trường khắc nghiệt là thứ chúng có thể dễ dàng xử lý, dù là núi lửa hay sống sót dưới nước hàng nghìn mét”, ông Heithaus nói.
“Có vẻ như những con cá mập đã quen đối phó với các vụ phun trào. Các nghiên cứu cho thấy rằng cá mập có thể nhận ra các cơn bão và lốc xoáy đang đến gần, vì vậy chúng có thể phát hiện điều gì đó tồi tệ sắp xảy ra và bơi ra khỏi khu vực”, nhà nghiên cứu cho biết thêm.
Giáo sư Heithaus, người đã nghiên cứu về cá mập trong 25 năm qua, đã tiếp tục nghiên cứu về thói quen của những kẻ săn mồi này tại đảo Réunion, nơi có ngọn núi lửa hình khiên Piton de la Fournaise đang hoạt động. Theo đó, số lượng cá mập sống ở đó rất dồi dào khiến việc bơi lội trở nên nguy hiểm với người dân địa phương sau một số trường hợp Tu vong.
Theo ông Heithaus, vùng nước đục gần sườn núi lửa có thể giải thích tại sao nơi này lại hấp dẫn “những thợ săn đại dương” đến như vậy. Nhà nghiên cứu lưu ý rằng cá mập có lẽ sẽ an toàn hơn do không có hoạt động đánh bắt cá quy mô lớn trong khu vực này.