Eka Tjipta Widjaja là nhà sáng lập của Tập đoàn Sinar Mas của Indonesia và là người đứng đầu của một trong những gia tộc quyền lực nhất đất nước này.
Gia tộc điều hành tập đoàn này đã xây dựng một đế chế trị giá hàng tỷ USD, kinh doanh trong rất nhiều lĩnh vực bao gồm: bất động sản, bột giấy và giấy, kinh doanh nông nghiệp và dịch vụ tài chính.
Tháng 1 năm ngoái, ông Widjaja đã qua đời ở tuổi 98. Ông là một nhân vật trong số các "ông trùm" gốc Hoa ở Indonesia.
Sự ra đi của ông đã đánh dấu sự thay đổi lớn cho kỷ nguyên cho các doanh nghiệp mà ông "thống trị" tại quốc gia Đông Nam Á này.
Sinh ra ở Tuyền Châu - Trung Quốc, ông Widjaja di cư sang Indonesia từ khi còn nhỏ và "khởi nghiệp" từ việc bán bánh quy trên chiếc xe đạp vào lúc 15 tuổi.
Sau đó, ông trở thành một tiểu thương ở Makassar buôn bán dầu cọ - đây là bước đi đầu tiên tạo nên đế chế Sinar Mas.
Giờ đây, tập đoàn này đã có khoảng 380.000 nhân viên và sở hữu một trong những nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới - Golden Agri-Resources.
Hoạt động kinh doanh dầu cọ khởi sắc đã giúp Widjaja trở thành người giàu thứ 4 Indonesia với khối tài sản 9,3 tỷ USD (tính đến thời điểm ông qua đời), theo Bloomberg Billionaires Index.
Nhận xét về vị tỷ phú này, Pandu Sjahrir – giám đốc công ty sản xuất than nhiệt Toba Bara và đang hợp tác với con, cháu của Widjaja, cho biết: "Ông ấy đã tạo ra một đế chế kinh doanh mang đến sự giàu có cho 3 thế hệ."
Bara nói thêm, sự phát triển đồng đều của cả 6 mảng kinh doanh cho thấy rằng nhà sáng lập của tập đoàn Sinar Mas có thể tạo ra một doanh nghiệp bền vững đến mức nào.
Sự thành công của ông Widjaja thể hiện cho khả năng phát triển mạnh mẽ của các doanh nhân gốc Hoa dưới chế độ độc tài của cố lãnh đạo Suharto kéo dài 30 năm, bất chấp những căng thẳng sắc tộc.
Dưới thời Suharto, cộng đồng người Hoa ở Indonesia đã bị theo dõi cực kỳ sát sao và nhóm người này không được phép đảm nhiệm những vị trí trong nhà nước.
Cho đến khoảng 20 năm trước, người dân vẫn không được phép mang tài liệu tiếng Trung Quốc vào Indonesia.
Tuy nhiên, các đế chế kinh doanh trong thời gian đó đã giúp những người như ông Widjaja trở thành một trong những nhân vật hàng đầu trong giới thượng lưu Indonesia.
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998 đã khiến chế độ Suharto sụp đổ và làm rung chuyển Sinar Mas.
Tập đoàn của ông Widjaja mất đi nhiều tài sản và một công ty con lớn - Asia Pulp and Paper, đã vỡ nợ 14 tỷ USD vào năm 2001 – con số lớn nhất từ trước đến nay trong thị trường trái phiếu lãi suất cao ở Đông Nam Á.
Tuy nhiên, Sinar Mas vẫn sống sốt và thậm chí còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực hơn nữa.
Tầm nhìn kinh doanh của ông Widjaja được coi là một "biểu tượng" đối với các doanh nhân Indonesia về việc xây dựng sự nghiệp vững chắc và với quy mô lớn.
Sự ra đi của Widjaja đánh dấu sự chuyển giao quyền lực trong một thế hệ doanh nhân ở Indonesia, khi các con và cháu của ông đang lên nắm quyền lãnh đạo.
Hiện tại, Sinar Mas chủ yếu được điều hành bởi 4 người con trai và vợ đầu tiên của ông. Trong đó, Teguh Ganda Wijaya, con trưởng, quản lý APP.
Indra Widjaja - con thứ hai, giám sát các khoản đầu tư vào các dịch vụ tài chính và khai khoáng. Muktar Widjaja quản lý các doanh nghiệp bất động sản. Franky Oesman Widjaja kiểm soát hoạt động kinh doanh nông sản và thực phẩm.
Trong khi đó, một số người con khác của ông lại có sự nghiệp riêng. Tiêu biểu có thể kể đến Oei Hong Leong - một tỷ phú tại Singapore, với tài sản khoảng 1,4 tỷ USD.
Frankle Djafar Widjaja quản lý công ty đầu tư niêm yết tại Singapore - Bund Center Investment. Sukmawati Widjaja điều hành một công ty bất động sản của Singapore có tên Top Global.
Ngoài kinh doanh, câu chuyện trong gia tộc của ông Widjaja cũng là một chủ đề được thảo luận xôn xao.
Tờ Wall Street Journal từng đưa tin, "ông trùm" kinh doanh ở Indonesia có ít nhất 8 người vợ sống ở những căn nhà tại thủ đô Jakarta và có hơn 40 người con vào cuối những năm 1990.
Tuy nhiên, chỉ 3 người vợ được đăng ký trước pháp luật. Theo đó, vấn đề phân chia tài sản trong gia tộc này trở nên phức tạp hơn.
Trước đây, ông từng bị cáo buộc về việc phân biệt đối xử với các con khi lựa chọn con của vợ thứ nhất thừa kế tài sản, trong khi chỉ hỗ trợ tài chính giúp những người con khác kinh doanh.
Theo đó, cuộc chiến tranh giành tài sản cũng diễn ra căng thẳng không kém những gia tộc giàu có khác trên thế giới.
Sự thù hận giữa các anh chị em trong gia tộc nhà Widjaja đã được châm ngòi từ việc một trong những người con muốn có cổ phần trong đế chế Sinar Mas.
Tháng 7 năm nay, Freddy Widjaja đã yêu cầu tòa án quận trung tâm Jakarta thừa nhận anh là người thừa kế hợp pháp và cho biết hơn 10 công ty con thuộc tập đoàn, cùng một loạt tài sản thuộc quyền thừa kế của anh.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là Freddy Widjaja lại là con ngoài giá thú của vị tài phiệt quá cố và không hề nắm giữ bất kỳ cổ phần nào trong các công ty của Sinar Mas.
Trong khi đó, Gandi Sulistiyanto – giám đốc điều hành tại Sinar Mas, lại cho biết anh này đã nhận cổ phần trong tập đoàn theo di chúc của ông Widjaja.
Freddy Widjaja là con của vị tỷ phú và một người vợ chỉ kết hôn theo nghi thức truyền thống nhưng không đăng ký kết hôn.
Bà có tên Lidia Herawati. Ngoài ra, ông và người vợ này còn có 2 người con khác là Robbin Widjaja và Sindy Widjaja. Freddy hiện là một doanh nhân sống ở Menteng.
Theo tài liệu của tòa án, Freddy đang muốn giành được cổ phần trong các công ty thuộc sở hữu của tập đoàn với giá trị khoảng 659 nghìn tỷ rupiah (45,8 tỷ USD).
Các công ty đó bao gồm: PT Sinar Mas Agro Resources and Technology, PT Sinar Mas Multiartha, PT Sinar Mas Land, PT Bank Sinarmas, PT Indah Kiat Pulp & Paper, PT Pabrik Kertas Tjiwi Kimia, PT Lontar Papyrus Pulp & Paper Industry và PT Bank China Construction Bank Indonesia.
Chủ đề liên quan:
anh chị em bất động sản bi hài kịch Khách cáu kỉnh chê đồ ăn dở người đứng đầu Nhà sáng lập quyền lực nhất THIẾT KẾ: HOÀI LINH BÀI: LỤC LAM tranh giành tài sản tự cảm thấy xấu hổ