Nikolay Ironov là một nhân viên thiết kế đồ hoạ chuyên nghiệp của Art. Lebedev Studio - công ty thiết kế lớn nhất nước Nga. Với hơn 1 năm kinh nghiệm, Nikolay đã từng phụ trách hơn 20 dự án quảng cáo khác nhau và tạo ra nhiều sản phẩm như nhãn chai bia hay logo của các công ty start-up.
Tuy nhiên, phải đến cuối tháng trước, Art. Lebedev Studio mới tiết lộ 1 bí mật “động trời" mà có lẽ bất cứ khách hàng nào của họ cũng phải giật mình: Nikolay không phải là con người hay bất cứ cá nhân nào cả, mà thực chất là 1 hệ thống AI phức tạp. Điều này đồng nghĩa với họ các sản phẩm đồ hoạ mà họ đã đặt hàng bên studio này đã được thực hiện hoàn toàn bằng máy tính chứ không phải designer nào cả.
Thực chất là công ty Art. Lebedev Studio không hề có "anh" designer Nikolay Ironov nào cả?
Sergey Kulinkovich, Giám đốc nghệ thuật của Art. Lebedev Studio cho biết: “Rất nhiều khách hàng của chúng tôi rất hài lòng với sản phẩm nhận được. Tuy nhiên, thú vị ở chỗ họ không hề hay biết gì về Nikolay cả. Và mục đích của chúng tôi là muốn chứng minh cho mọi người thấy ngay cả máy móc cũng có thể sáng tạo không thua kém gì con người và thoả mãn ngay cả những khách hàng và người tiêu dùng khó tính nhất”.
Art. Lebedev Studio đã chế tạo Nikolay để có thể thực hiện hoàn chỉnh quá trình thiết kế, từ khâu đọc hiểu yêu cầu khách hàng cho đến việc làm ra sản phẩm cuối cùng, xuất file và ứng dụng vào các mục đích truyền thông. Hệ thống AI này được “dạy” dựa trên cơ sở dữ liệu khổng lồ bao gồm rất nhiều biểu tượng SVG (Scalable Vector Graphics), thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Sau đó, hệ thống tiếp nhận và phân tích thông tin công ty khách hàng, ví dụ như tên thương hiệu, sản phẩm chính, tiêu chí hoạt động của họ. Từ đây, nó sẽ chọn ra những từ khóa quan trọng nhất và biến chúng thành hình ảnh. Kết quả thu được sẽ tiếp tục được chỉnh sửa bằng 1 loạt thuật toán khác nhau, có tác dụng phóng to/thu nhỏ, làm mượt nét vẽ và đơn giản hóa hình ảnh thiết kế cũng như lên màu, chèn font chữ phù hợp. Cuối cùng, nó tạo ra rất nhiều sản phẩm khác nhau để khách hàng tha hồ lựa chọn.
Nikolay có thể tạo ra rất nhiều thiết kế khác nhau chỉ trong 1 khoảng thời gian ngắn.
Sergey cho biết: “Về cơ bản, bộ não của Nikolay Ironov là sự kết hợp giữa nhiều hệ thống thiết kế tự động khác nhau. Mỗi hệ thống này lại được đào tạo để phục vụ 1 công đoạn nhất định trong toàn bộ quá trình thiết kế tổng thể. Khi kết hợp tất cả lại với nhau, nó sẽ có thể ngay lập tức hình ảnh hóa những yêu cầu của khách hàng, tạo ra logo cũng như bộ nhận diện thương hiệu cho họ 1 cách nhanh chóng, chỉ mất khoảng vài giây mà thôi”.
Để minh họa rõ hơn cho “nhân viên” độc đáo của mình, Sergey đã lấy ví dụ với website công nghệ nổi tiếng The Next Web. Đầu tiên, anh nhập tên cũng như một số thông tin cơ bản, cách hoạt động của trang web này vào hệ thống AI, để Nikolay sẵn sàng làm việc. Chỉ vài giây sau, nó đã tạo ra rất nhiều ý tưởng logo khác nhau, từ đơn giản cho đến phức tạp, đủ cả. Sau khi khách hàng lựa chọn được sản phẩm ưng ý nhất, Nikolay tiếp tục tiến hành giai đoạn đính logo vào các sản phẩm mock-up khác nhau, bao gồm cả biển hiệu và danh thiếp.
Một số thiết kế logo mà Nikolay thực hiện cho The Next Web.
Sau đó, hệ thống AI này còn tiến hành mock-up sản phẩm cực kỳ chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, Sergey cũng phải thừa nhận không phải thiết kế nào do Nikolay tạo ra cũng hoàn hảo: “Chúng tôi dạy Nikolay “vẽ” những ý tưởng mới trong thời gian nhanh nhất có thể, gần như là ngay lập tức, đồng thời phát triển thêm các phong cách thị giác mới. Thế nhưng, chúng tôi cũng để nó có không gian tự do sáng tạo riêng và cố gắng không quá hạn chế khả năng của nó. Đó là lý do vì sao bạn có thể thấy 1 số ý tưởng của Nikolay rất điên rồ đến mức xấu xí. Để mà dạy cho nó vẽ những hình ảnh thật đẹp thì không có gì khó, nhưng chúng tôi không muốn làm vậy. Thách thức mà chúng tôi cần đối mặt là tìm ra những điều mới mẻ trong thiết kế đồ họa, và việc tạo ra những sản phẩm không tốt để so sánh với những sản phẩm đẹp thực sự mang lại rất nhiều lợi ích”.
Không giống như những đồng nghiệp bằng xương bằng thịt khác, Nikolay có thể hoạt động 24/7, không bao giờ bị bệnh và cũng không vấn đề trong việc bí ý tưởng (art block). Tuy nhiên, điều mà Sergey hướng đến chính là việc phá bỏ những giới hạn, rào cản trong bộ não sáng tạo của con người.
Anh cho biết: “1 trong những vấn đề lớn nhất mà ngành giáo dục thiết kế gặp phải là: Khi càng tiếp thu nhiều kiến thức, khả năng thẩm mĩ của bạn sẽ càng được nâng tầm, nhưng cùng với đó là những bức tường bao quanh bộ não sáng tạo của bạn. Các designer giỏi thừa sức tạo ra những thiết kế đẹp, an toàn, đủ dùng, nhưng chính những bức tường kia đã khiến họ không dám thử những điều mới lạ, táo bạo”.
Sergey không hề muốn sẽ thay thế toàn bộ nhân lực của mình bằng máy móc. Trái lại, anh muốn đào tạo, nâng tầm nhân viên lên trình độ của các giám đốc sáng tạo. Khi đó, họ sẽ đủ kinh nghiệm và thẩm mỹ để đánh giá các tác phẩm do Nikolay tạo ra, rồi từ đó chọn những phương án tốt nhất để giao cho khách hàng.
Trong tương lai, AI sẽ đóng vai trò thiết kế chính, còn con người có nhiệm vụ duyệt và chỉnh sửa lại những sản phẩm được chọn?
Saïna Seedorf, designer của website The Next Web cũng cho rằng AI sẽ không bao giờ có thể thay thế hoàn toàn con người trong ngành thiết kế và lĩnh vực sáng tạo. Tuy nhiên, nó có thể mang đến nhiều lợi ích nếu biết sử dụng đúng cách: “Tôi cho rằng AI có thể 1 mình “cân” hết toàn bộ quá trình thiết kế, đặc biệt là khi làm việc trong lĩnh vực branding (thiết kế thương hiệu). Nhưng tôi tin rằng nó có thể là 1 công cụ sáng tạo hữu ích, mang đến nhiều ý tưởng thú vị. Bạn có thể dễ dàng tạo ra hàng loạt sản phẩm trong 1 thời gian ngắn, rồi từ đó chọn lọc và phát triển thêm để cho ra thiết kế cuối cùng. AI sẽ giúp chúng ta tiết kiệm rất nhiều thời gian. công sức trong khâu lên concept design, đồng thời cũng hỗ trợ tăng tính sáng tạo cho các designer”.
Art. Lebedev Studio rất tin tưởng vào tiềm năng của Nikolay. Họ sẽ tiếp tục sử dụng hệ thống AI này trong công việc thường ngày, đồng thời phát triển thêm phiên bản phần phần phềm dịch vụ cho nó. Sergey chia sẻ: “Vẫn còn rất nhiều thử thách trong lĩnh vực thiết kế tự động mà chúng tôi muốn vượt qua. Viễn cảnh các giải pháp sáng tạo tự động hóa được sử dụng trong mọi lĩnh vực trên thế giới chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi. Nikolay đã giúp chúng tôi tiếp thu thêm rất nhiều kinh nghiệm mới, đồng thời cũng là minh chứng cho thấy hướng phát triển mà chúng tôi đang theo đuổi là hoàn toàn đúng đắn”.
Chủ đề liên quan:
bí mật