Khoa học hôm nay

Bí mật đen tối đằng sau lá phổi xanh của thành phố New York

Công viên Trung tâm là biểu tượng của thành phố New York, nhưng nơi đây ẩn chứa một câu chuyện đen tối ít ai biết.

Giữa thế kỷ 19 là thời điểm cực thịnh của những thành phố châu Âu hoa lệ: Paris, London nổi lên như biểu tượng của sự giàu sang với nhiều công trình công cộng hiện đại, hoành tráng. New York lúc này cũng đang trên đà phát triển, chính quyền thành phố luôn nhìn các thành phố châu Âu như thước đo của văn minh.

Khi mà các công viên ở thủ đô nước Anh được ca ngợi như "lá phổi của London", giới nhà giàu New York cũng mong mỏi có một nơi "thời thượng và an toàn để cùng gia đình dạo chơi". Không để cư dân chờ đợi lâu, năm 1857, New York đã quyết tâm xây dựng "một lá phổi" cho riêng mình, Công viên Trung tâm hay New York Central Park.

"Lá phổi xanh của New York" nhìn từ trên cao (Sergey Semenov)

Công viên được xây dựng tại trung tâm Manhattan với diện tích 340 ha. "Mảng xanh khổng lồ" là biểu tượng của thành phố New York, đây là nơi người dân đi dạo thư giãn, nơi tổ chức những đại nhạc hội hoành tráng, cũng là điểm bấm máy cho hàng loạt các bộ phim đình đám.

Nhưng ít ai biết ẩn sâu dưới những vườn hoa, bãi cỏ của công viên đô thị lớn nhất thế giới này là một bí mật đen tối bị chôn vùi.

"Lá phổi xanh của thành phố New York" từng là một ngôi làng yên bình của những người da màu, trước khi ngôi làng bị thành phố xóa sổ.

San phẳng một ngôi làng

Địa điểm đầu tiên được xem xét để xây dựng Công viên Trung tâm là Jones's Wood, một khu đất rộng 65 ha nằm giữa đường 66 và 75 khu phố Upper East Side. Tuy nhiên, khu đất này là "bất khả xâm phạm" vì nó được sở hữu bởi tầng lớp thượng lưu của thành phố.

Những gia đình giàu có đang định cư tại Jones's Wood tìm mọi cách để thay đổi quyết định của hội đồng thành phố và cuối cùng, địa điểm được xây công viên đã thay đổi, Làng Seneca.

Bản đồ quy hoạch và khu vực Làng Seneca (vùng đóng khung) (Egbert Viele)

    2 nhà báo bị đâm nhiều nhát Tu vong ở Indonesia: Số liệu 'sốc' về những người bảo vệ môi trường

  • Vụ án độc nhất vô nhị: Gấu xám được Tòa án Hoa Kỳ cứu thoát ngay trước 'giờ nổ súng'!

  • 3 vụ án môi trường chấn động nước Mỹ: Walt Disney, chính phủ TT Bush đã thất bại thế nào?

Làng Seneca nằm ở kế bên khu vực Upper West Side với gần 300 cư dân. Hai phần ba dân số ngôi làng là người da màu, số còn lại là người Ailen. Thời điểm này, truyền thông gọi tên ngôi làng bằng những lời lẽ miệt thị, ám chỉ những người không sở hữu đất hợp pháp mà chỉ sống tạm bợ tại những khu vực bỏ hoang.

Sự thật hoàn toàn không phải như vậy, những người sống trong khu vực này hầu hết đều sở hữu đất một cách hợp pháp.

Sau khi chế độ nô lệ bị bãi bỏ ở bang New York năm 1827, những người da màu trở thành người tự do, họ bắt đầu sử dụng tiền tích góp được để mua những mảnh đất tại đây. Ngôi làng Seneca trở thành cộng đồng người da màu đầu tiên tại New York.

Họ không hề bần hàn như những lời báo chí miêu tả. Seneca sở hữu ba nhà thờ, một trường học, hầu hết con cái họ đều được đến trường và 50% dân cư là chủ sở hữu ngôi nhà của mình.

Nhưng cổ vật khai quật được tại đây năm cũng cho thấy cư dân ngôi làng sử dụng những đĩa sứ, tẩu Thu*c thậm chí là bàn chải đánh răng, những thứ được cho là "cực kỳ thời thượng" so với người ở thế kỷ 19.

Cổ vật được khai quật tại khu vực Làng Seneca cho thấy đây cư dân ở đây có cuộc sống vật chất khá đầy đủ (Vox)

Vào thời điểm này, New York vừa bãi bỏ chế độ nô lệ, những người đàn ông gốc Phi bắt đầu được đi bầu cử nếu họ sở hữu tài sản trị giá 250 đô la và đã sống ở bang này ít nhất ba năm. Trong số 13.000 người da màu ở New York, chỉ 91 người đủ điều kiện và 10 người trong số đó sống ở Làng Seneca.

Điều này khẳng định đây là một cộng đồng dân cư thịnh vượng và truyền thông chỉ cố gắng vùi dập họ để chính quyền thành phố dễ dàng "san phẳng" nơi này.

Nhà của cư dân ngôi làng (NY1)

Năm 1853, các lô đất trong khu vực xây dựng bắt đầu được định giá, số tiền trung bình mà thành phố chi trả cho mỗi hộ gia đình là 700 đô la. Bất chấp sự phản đối của người dân nơi đây về cả quyết định và giá trị bồi thường đất đai, quy trình nãy vẫn được tiến hành. Cư dân Seneca liên tục đệ đơn kiện trong vòng 2 năm nhưng không có kết quả.

Năm 1857, cư dân ngồi làng bị trục xuất, tất cả khu vực bị san phẳng và cái tên Seneca bị xóa sổ, cộng đồng người da màu đầu tiên tại New York đã biến mất hoàn toàn. Cư dân Seneca giờ đây sống rải rác khắp nơi hoặc di cư đến các thành phố khác.

Câu hỏi được đặt ra là, tại sao việc phá bỏ một ngôi làng nhỏ bé để xây dựng công viên được hàng triệu người yêu thích lại là vấn đề?

"Thời điểm đó, người ta luôn tìm cách chối bỏ những người gốc Phi", nhà nhân chủng học Diana Wall cho biết, "Sau cuộc giải phóng nô lệ 1927, cách an toàn nhất để người da màu được sống là trong một cộng đồng riêng biệt, kín đáo. Nếu không họ sẽ gặp không ít rắc rối."

300 cư dân làng Seneca phải di tản đi khắp nơi, trẻ em chật vật tìm kiếm một trường học và cộng đồng của họ bị rơi vào quên lãng.

Lịch sử lên tiếng

Mãi cho tới năm 1998, những sự thật về ngôi làng này mới được hé lộ trong Dự án Làng Seneca, dự án đi tìm hậu duệ của những cư dân ngôi làng. Năm 2011, các nhà khảo cổ cũng thực hiện những dự án khai quật để tìm hiểu về lịch sử Seneca.

"Khai quật tại địa điểm này sẽ cho ta một cái nhìn rộng bao quát hơn về lịch sử sự hiện diện của người Mỹ gốc Phi ở Bắc Mỹ và ở thành phố New York", giáo sư Diana Wall nhấn mạnh.

Năm 2019, một triển lãm ngoài trời đã diễn ra tại Công viên Trung tâm, tái hiện lịch sử làng Seneca và cuộc sống những người cư dân cộng đồng gốc Phi đầu tiên tại New York.

Triển lãm ngoài trời được tổ chức tại khu vực Làng Seneca của Công viên Trung tâm New York (Central Park Conservancy)

New York Central Park đã hoàn thành, còn làng Seneca thì biến mất mãi mãi.

"Thật khó có thể tượng tượng New York khi thiếu bị một biểu tượng như Công viên Trung tâm nhưng thật may mắn khi ngôi làng từng bị vùi dập đã được quay trở lại như một chứng nhân lịch sử." - Nhà sử học Cynthia Copeland chia sẻ với Vox - "Đây không phải lịch sử của người Mỹ gốc Phi, đây là lịch sử nước Mỹ."

Bài viết tham khảo từ: CNN, CityMetric, Central Park Conservancy, Vox

Mạng Y Tế
Nguồn: SoHa (https://soha.vn/bi-mat-den-toi-dang-sau-la-phoi-xanh-cua-thanh-pho-new-york-20200803111711479.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY