Theo Bloomberg, trong tháng 3.2020, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua kỳ sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 2001. Chỉ số VN-Index đã giảm 25% trong tháng này do lo ngại về tác động của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, VN-Index đã phục hồi 15% trong nửa đầu tháng 4, trở thành chỉ số diễn biến tốt nhất trên thế giới. Nhận định về điều này, Bloomberg nói rằng chứng khoán Việt Nam đang tốt nhất thế giới sau những biến động cực đoan vào tháng 3.
“Nhà đầu tư Việt Nam nhận thấy Chính phủ đã thực hiện các biện pháp nhanh chóng và hiệu quả nhằm hạn chế sự bùng phát của dịch COVID-19.Thị trường bị chi phối bởi dòng bán lẻ và người mua quay trở lại khi họ cho rằng định giá các công ty mình thích đang rất rẻ. Do đó, họ thích mua cổ phiếu ở mức giá này với một tầm nhìn đầu tư dài hạn”, Patrick Mitchell, Giám đốc Khối khách hàng định chế của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) tại TP.HCM nhận định.
Bloomberg cũng cho rằng giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đã phong tỏa kể từ ngày 1.4 để tránh lây lan coronavirus mặc dù số trường hợp được xác nhận vẫn ở mức dưới 300. Chính phủ đang xem xét gia hạn các biện pháp trước đây như đeo khẩu trang và duy trì khoảng cách giữa mọi người. Cả nước cũng đang chuẩn bị gói kích thích 180.000 tỉ đồng (7,7 tỉ USD ) cho các công ty và 61.600 tỉ đồng cứu trợ cho những công dân bị thiệt hại về kinh tế trong đại dịch.
"Thị trường dường như đang trông đợi vào báo cáo thu nhập năm 2020 vì một số doanh nghiệp hoạt động tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực liên quan đến tiêu dùng. Sự gia tăng gần đây của thị trường chứng khoán cho thấy một sự vượt lên chính mình vì những tác động ngắn hạn ngắn hạn đến xuất khẩu, du lịch cũng như mức thu nhập" - Ruchir Desai, Nhà quản lý quỹ tại Asia Frontier Capital Ltd. cho biết.
Trong khi đó, theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tính đến ngày 14.4, chỉ số VN-Index đã tăng được 15,83% so với thời điểm cuối tháng 3. Đây là mức hồi phục rất ấn tượng so với các quốc gia khác như SET của Thái Lan (tăng 11,59%), DAX của Đức (tăng 7,54%), PSEi của Philippines (tăng 8,64%), JCI của Indonesia (tăng 3,69%) Nikkei của Nhật Bản (tăng 3,82%).
BVSC cho rằng đợt phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam có thể phần nhiều đến từ dòng tiền trong nước khi các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ tham gia mua vào khi nhiều cổ phiếu về mức định giá hấp dẫn.
Tính đến hết 13.4, chỉ số P/E (hệ số giá trên lợi nhuận của một cổ phiếu) và P/B (tỷ lệ được sử dụng để so sánh giá của một cổ phiếu so với giá trị ghi sổ của cổ phiếu đó) của VN-Index đang ở ở mức 11,8 và 1,5, đây là mức tương đối thấp trong lịch sử.
Đáng chú ý, sự tham gia đông đảo của nhà đầu tư cá nhân được thể hiện qua số tài khoản mở mới tăng kỷ lục trong tháng 3 khi nhà đầu tư trong nước mở mới gần 32.000 tài khoản, cao nhất từ giai đoạn VN-Index lập đỉnh 1.200 điểm đến nay.
Mặt khác, tính đến 31.3, thị trường có hơn 2,4 triệu tài khoản trong nước và gần 33.000 tài khoản nước ngoài đang giao dịch. Tuy thị trường khởi sắc nhưng dòng vốn ngoại vẫn chưa có nhiều dấu hiệu tích cực khi vẫn đang bán ròng liên tục trên sàn HOSE. Tính trong tháng 4 là giai đoạn VN-Index phục hồi thì khối ngoại vẫn bán ròng 2.350 tỉ đồng và 4 quỹ VanEck, DB, Ishare và E1VFVN30 thực hiện bán ròng 227 tỉ đồng.
“Nguyên nhân chính có lẽ xuất phát từ dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, dẫn tới tâm lý lo ngại rủi ro của các nhà đầu tư, khiến họ có xu hướng bán cổ phiếu và nắm giữ trái phiếu Chính phủ hoặc tiền mặt. Nếu dịch bệnh dần được kiểm soát và rủi ro toàn cầu giảm xuống, dòng tiền có thể quay trở lại thị trường các nước mới nổi và Việt Nam. Khi đó dòng tiền ngoại và dòng tiền nội có thể sẽ tiếp tục giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”, BVSC nhận định.
Chủ đề liên quan:
Bloomberg chỉ số VN Index chứng khoán chứng khoán việt nam phục hồi thị trường chứng khoán việt nam