Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Bộ GDĐT có nên biên soạn sách giáo khoa?

Bộ GDĐT xin ngừng biên soạn sách giáo khoa, để xã hội hóa

Chương trình mới quan trọng, sách giáo khoa không còn vị trí như xưa

Một vấn đề quan tâm hiện nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có nên biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa trong khi các nhà xuất bản đã làm tốt công việc này. Đây cũng là nội dung mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại phiên họp thứ 45, ngày 16/5.

Xoay quanh chủ đề này, Phó Giáo sư Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa IX, đại biểu Quốc hội 5 khóa (VII, VIII, IX, X, XI) cho rằng, Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn sách giáo khoa  là tiết kiệm được ngân sách nhà nước.

Việc thực hiện một chương trình có một số SGK tiến hành trên quan điểm đổi mới giáo dục của Nghị quyết 29. Nếu làm được theo Nghị quyết sẽ phát huy trí tuệ của các nhà khoa học, nhất là đội ngũ nhà giáo có kinh nghiệm dạy học, có nhận thức, hiểu biết về đổi mới tham gia biên soạn SGK. Đội ngũ biên soạn SGK đông đảo thì trẻ em được tiếp xúc kiến thức đa dạng. 

Trong Chương trình phổ thông mới, quan điểm về chương trình và SGK đã có sự thay đổi. Trước đây, vai trò SGK rất quan trọng. Nhưng hiện nay chương trình mới quyết định.

Do tầm quan trọng của chương trình nên nhà nước, mà cụ thể là Bộ GD&ĐT phải tổ chức hoạt động xây dựng chương trình, tổ chức hội đồng thẩm định SGK. 5 bộ SGK được Bộ GD&ĐT thẩm định đều đạt yêu cầu.

Xưa nay Bộ GD&ĐT biên soạn sách bằng tiền ngân sách. Khi bàn về việc triển khai thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK, vấn đề chính được đặt ra tại thời điểm đó là chưa dự báo được xã hội có tham gia đầu tư cho viết SGK hay không.

Vì thế, mới đưa ra phương án có thể Bộ GD&ĐT phải chuẩn bị, tổ chức viết một bộ SGK, phòng trường hợp không ai tham gia xã hội hóa biên soạn SGK. Lịch sử của vấn đề là như vậy.

Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa thành công, cho nên Bộ không cần thiết tham gia

Trong trường hợp phương án xã hội hóa được hưởng ứng, những nhà đầu tư chấp nhận rót vốn vào giáo dục thì nhà nước không cần chi ngân sách. 

Nhìn vào nhiều nước trên thế giới, muốn phát triển chất lượng giáo dục đều phải xã hội hóa. Việc giao cho Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK trong giai đoạn đầu là phương án dự phòng.

Đối chiếu với mục đích ban đầu và nhu cầu của thực tiễn hiện nay, rõ ràng, việc tiếp tục giao cho Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ SGK bằng ngân sách nhà nước là không cần thiết.

Việc Bộ GD&ĐT đã tổ chức xã hội hóa làm sách nghiêm túc, tốt và đã có 5 bộ SGK đạt yêu cầu. Vì vậy không cần tiêu tốn tiền ngân sách làm bộ thứ 6 để dự phòng.

Chưa kể, trực tiếp tham gia biên soạn các bộ sách giáo khoa lớp 1 vừa rồi đều là những người giàu kinh nghiệm, cố gắng và am hiểu. Nếu vẫn giao Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn thêm một bộ SGK nữa thì cũng vẫn huy động những nhà khoa học, nhà giáo đó.

Nghị quyết 88 quy định dự phòng phương án Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK. Tuy nhiên, kết quả thực tiễn hiện nay đã trả lời, dự phòng không cần nữa. 

Tiết kiệm được ngân sách nhà nước và rút ra được một bài học rất tâm đắc, đó là giáo dục có thể xã hội hoá được. Nếu có quan điểm tốt, cơ chế, chính sách tốt, thì nhiều tổ chức, cá nhân sẵn sàng đầu tư xã hội hóa cho giáo dục và giáo dục triển khai xã hội hóa có khả năng thành công.

Minh Triết

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/bo-gddt-co-nen-bien-soan-sach-giao-khoa-post79471.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY