Kinh tế xã hội hôm nay

Bộ GDĐT yêu cầu bảo quản bài thi, an toàn khu vực chấm thi trước bão số 2

Để chủ động ứng phó với cơn bão, Bộ trưởng Bộ GDĐT yêu cầu Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019 các tỉnh lên phương án bảo đảm an toàn tài sản, cơ sở vật chất, công trình trường học, đặc biệt bảo quản bài thi, hồ sơ, tài liệu thi...

Ngày 3/5, Bộ GDĐT đã gửi công điện đến Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019 cấp tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, yêu cầu triển khai một số nội dung để chủ động ứng phó với cơn bão số 2.

Trước đó, tối ngày 02/7, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông đã mạnh lên thành bão có tên quốc tế là Mun (cơn bão số 2). Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong khoảng ngày 03-04/7, bão sẽ ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, gây mưa lớn trên diện rộng, xảy ra lũ quét, sạt lở ở khu vực miền núi, trung du.

Đây là cơn bão đầu mùa, diễn ra trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài, có khả năng kèm theo mưa lớn, dông lốc cực đoan tại các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đặc biệt các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định.

Để chủ động ứng phó với cơn bão, Bộ trưởng Bộ GDĐT yêu cầu Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019 cấp tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão; thông tin kịp thời đến các cơ sở giáo dục, chuẩn bị lực lượng để chủ động phòng, tránh nhất là khu vực ngập lụt đô thị, vùng trũng thấp ven biển, sông, suối, hải đảo và đặc biệt lũ quét sạt lở đất ở các tỉnh miền núi.


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kiểm tra công tác chẩm thi THPT quốc gia tại tỉnh Hà Giang.

Kiểm tra, rà soát đảm bảo an toàn khu vực chấm thi; triển khai và thực hiện các phương án an toàn giao thông, nơi ăn, ở của cán bộ làm công tác chấm thi, đặc biệt là ở khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng.

Lên phương án bảo đảm an toàn tài sản, cơ sở vật chất, công trình trường học, đặc biệt bảo quản bài thi, hồ sơ, tài liệu thi; chủ động di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để tránh hư hại tài sản.

Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, bố trí các điểm sơ tán an toàn gần khu vực chấm thi, đồng thời bảo đảm công tác hậu cần và các nhu yếu phẩm cần thiết tại các điểm sơ tán.

Thường xuyên giữ mối liên hệ với Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương để báo cáo, thực hiện công tác ứng phó thiên tai, sơ tán cán bộ làm công tác chấm thi khi có yêu cầu.

Trực ban 24/24 giờ, theo dõi diễn biến mưa lũ và thường xuyên báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã triển khai nhiều giải pháp để siết chặt khâu chấm thi, như đặt camera giám sát 24/24 giờ ở phòng chấm thi. Đây cũng là năm đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện việc mã hóa đáp án chấm thi trắc nghiệm. Chỉ những người được giao nhiệm vụ mới có thể giải mã, mọi sự xâm nhập trái phép đều sẽ bị lưu vết.

Dự kiến, kết quả thi sẽ được công bố vào ngày 14/7.

Bộ Công an: Sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 2 và mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng Bộ Công an đề nghị Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu, PCTT&TKCN Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các Công điện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT – Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, chỉ đạo của Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó với diễn biến của bão và mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Rà soát phương án ứng phó với thiên tai để thực hiện tốt theo phương châm “4 tại chỗ”; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn cho nhân dân và công tác triển khai ứng phó trong lực lượng Công an nhân dân.

Phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa bàn: Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng phó khi có yêu cầu; kiểm tra, rà soát nơi ở không an toàn, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn đảm bảo an ninh, trật tự.

Bố trí lực lượng để tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, tràn, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở nguy hiểm. Kiên quyết không cho người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn.

P.H

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/bo-gddt-yeu-cau-bao-quan-bai-thi-an-toan-khu-vuc-cham-thi-truoc-bao-so-2-n159878.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY