Phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3.8, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết sau 99 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng, cuối tháng 7, Việt Nam phát hiện một số ca nhiễm COVID-19 mới ở cụm các bệnh viện tại Đà Nẵng. Ngay sau đó, Thường trực Chính phủ đã có 3 phiên họp, Ban chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế cũng có những chỉ đạo quyết liệt để thực hiện các giải pháp ngăn dịch lây lan.
Theo người phát ngôn Chính phủ, Thủ tướng đã có những chỉ đạo căn cơ về khoanh vùng, dập nhanh ổ dịch, phong tỏa các khu dân cư liền kề với các bệnh viện là ổ dịch. Về phía địa phương, Đà Nẵng đã ngay lập tức thực hiện giãn cách xã hội.
Thủ tướng chỉ đạo ngành y tế tăng cường lực lượng hỗ trợ, tăng cường khả năng xét nghiệm. Còn các địa phương rà soát kỹ các đối tượng đi về từ Đà Nẵng.
“Như vậy, có thể nói là quan điểm chung là các vùng dịch phải khoanh, dập, đám lửa to khoanh to, nhỏ khoanh nhỏ và dập tất. Còn các vùng khác không phải ổ dịch, ví dụ như thôn Bùi, xã Hòa Tiến, Thái Bình thì người ta chỉ khoanh vùng thôn Bùi thôi”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, khoanh vùng với bán kính nhỏ vừa đủ để dập dịch, vừa đảm bảo kinh doanh, thông thương nền kinh tế. Các nước trên thế giới đều áp dụng chiến lược này, vừa khống chế dịch bệnh song song với duy trì kinh tế.
Ông Dũng cũng dẫn ra bài học ở Singapore là khi có 380.000 người bùng phát ở khu công nhân thì họ đóng cửa toàn quốc. Nền kinh tế phải chi trả hơn 100 tỉ đô la Singapore, trong khi lây nhiễm chỉ trong khu ký túc xá của công nhân. Nhiều chuyên gia cho rằng chỉ cần đóng cửa khu ký túc xá chứ không cần phải phong tỏa cả nước.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho biết Bộ Y tế và Văn phòng Chính phủ sẽ xây dựng một chỉ thị mới về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Khả năng xét nghiệm là cực kỳ quan trọng. Nếu làm tốt việc này chúng ta sẽ ngăn chặn được việc
Liên quan đến ý kiến về bài học ở Vũ Hán, Trung Quốc là chúng ta phải chuẩn bị tinh thần ở mức cao nhất, là tất cả mọi người phải ở nhà, chỉ 1 người đi ra mua đồ ăn, rồi tiền tới không ai được ra ngoài mua đồ ăn, có người khác mang đến, Bộ Y tế cho biết sẽ nghiên cứu ý kiến này.
Đại diện Bộ Y tế cho biết ngay khi được báo cáo về tình hình ở Đà Nẵng thì Bộ Y tế đã cử một đoàn công tác và các đội điều trị, đội dập dịch có nhiều kinh nghiệm vào Đà Nẵng.
“Chúng tôi tiến hành khoanh vùng, cách ly, phun Thu*c khử trùng ở các bệnh viện, truy vết những người tiếp xúc gần, tiến hành cách ly, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nhắn tin cho những người đến hoặc đi qua thành phố. Còn khi nào gỡ bỏ tình trạng hiện nay thì còn phải căn cứ tình hình thực tế. Hiện nay, việc kiểm soát tình hình vẫn đang rất tốt, hy vọng sẽ sớm dỡ bỏ được tình trạng này”, đại diện Bộ Y tế thông tin.
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết khu cách ly tập trung tương đối đông, một số nơi quá tải nên cần chuẩn bị phương án cách ly tại nhà. “Phương án này chúng tôi đã chuẩn bị từ lâu và sẵn sàng thực hiện khi mà có chỉ đạo từ Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch”.
Trả lời câu hỏi về tình trạng người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết sau khi dịch có dấu hiệu lây lan trở lại, Bộ Công an có rất nhiều công văn chỉ đạo công an các địa phương tăng cường quản lý xuất nhập cảnh, phối hợp xử lý nhập cảnh trái phép ở các địa phương có đường mòn lối mở; xử lý vi phạm trong khu cách ly tập trung cũng như tình trạng bán hàng trục lợi liên quan đến y tế phòng dịch…
Về tình trạng nhập cảnh trái phép, ông Xô nêu rõ có người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và có số bà con người Việt đi làm ở nước bạn trở lại.
“Có tình trạng này vì bên Trung Quốc cũng đang có dịch bệnh, còn Việt Nam được tuyên truyền là đất nước an toàn nên nhiều người muốn quay lại Việt Nam. Ngoài ra có người vào vì muốn đi qua Việt Nam để qua Campuchia đánh bài”, ông Xô thông tin và cho biết từ đầu năm đến nay, 27/63 địa phương cả nước có người Trung Quốc nhập cảnh trái phép với hơn 500 người. Từ tháng 6 đến nay, biên phòng và công an địa phương đã khởi tố 5 vụ về nhập cảnh trái phép.
Liên quan đến công tác đánh giá về tác động của COVID-19 đến kinh tế, Bộ KH-ĐT cho biết chưa bao giờ công tác dự báo lại khó như bây giờ vì có quá nhiều thứ bất định liên quan đến COVID-19. Qua diễn biến các nước trên thế giới, nhiều kế hoạch bị đổ vỡ, kế hoạch mở cửa bị lùi, hoặc mở cửa ra lại đóng lại. Các tổ chức dự báo lớn trên thế giới cũng có những dự báo rất khác nhau.
Đại diện Bộ KH-ĐT cho hay 6 tháng vừa qua, Bộ đã có những cảnh báo, nếu có làn sóng COVID-19 lần 2 như đợt đầu năm thì tác động sẽ rất ghê gớm. Tuy nhiên, đợt dịch lần 1 phải giãn cách toàn quốc đã ảnh hưởng đến tăng trưởng của quý 2. Do vậy, đợt bùng phát này Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt, kiên quyết không để dịch lây lan hơn nữa để thực hiện thành công mục tiêu kép ừa kiểm soát dịch, vừa bảo đảm kinh tế.
“Đợt bùng phát dịch tại Đà Nẵng vừa qua, 2 ngành du lịch và vận tải bị tác động đầu tiên. Không chỉ Đà Nẵng, nhiều địa phương khác cũng suy giảm. Tác động đến ngành vận tải và du lịch sẽ có, nó sẽ phụ thuộc vào khả năng và thời gian khống chế dịch. Trong tháng 8, Bộ sẽ xây dựng kich bản cụ thể, chi tiết về vấn đề này”, Đại diện Bộ KH-ĐT cho hay.