Nếu không biết cách chọn cà tím mềm non thì rất dễ mua phải những quả không tươi, khi chế biến sẽ làm giảm đi hương vị ngọt thơm của món ăn. Vì thế, để chọn mua được những quả cà tím ngon đúng ý, bạn cần chú ý đến những đặc điểm sau đây:
Trước tiên bạn nhìn vào phần vỏ ngoài, chọn những quả có vỏ mịn màng, tươi sáng, màu sắc đồng nhất và cầm chắc tay.
Tiếp đến bạn chú ý đến phần núm của quả cà để xác định độ tươi. Vùng màu trắng giữa núm và vỏ nối liền nhau, tức là cà tươi, non và ngon.
Bên cạnh đó, để kiểm tra độ chín, bạn chỉ cần ấn nhẹ vào phần vỏ của cà. Trên vỏ cà sẽ để lại dấu ấn hằn sau khi bạn ấn vào, nghĩa là quả đó đã chín. Còn những quả khi sờ vào thấy cứng, màu sắc chuyển từ tím hồng sang tím nhạt, tức là quả già và không nên mua.
Ngoài ra, khi nhận thấy những quả có vỏ bị nhăn, có nhiều vết thâm trên vỏ thì tốt nhất bạn cũng không nên mua. Vì có thể quá đó đã được để quá lâu.
Thông thường, cà tím ngon nhất vào thời điểm tháng 8, 9 hàng năm.
Cà tím khi mua về nên được chế biến trong vòng 1 ngày sau khi mua là ngon nhất, hoặc có thể bọc chúng trong một chiếc khăn giấy rồi cho vào ngăn rau tủ lạnh, có thể bảo quản được 3 – 4 ngày.
Khi xếp vào ngăn rau, bạn lưu ý không nên để chồng các loại thực phẩm khác đè lên trên cà tím. Vì lớp vỏ của nó khá mỏng manh nên rất dễ bị dập.
Bên cạnh đó, cà tím cũng là loại thực phẩm rất nhạy cảm với khí Ethylene. Đây là một loại khí tự nhiên làm chín trái cây và dễ dẫn đến việc trái cây bị hỏng, thối. Vì thế, bạn không nên bảo quản chung chúng với các loại quả như cà chua, chuối và dưa hấu. Bởi những loại trái cây này có đặc tính sản sinh ra nhiều khí Ethylene.
Cà tím khi đã được chế biến, bạn cũng có thể bảo quản trong tủ lạnh từ 3 – 4 ngày.
Lưu ý, đối với những quả cà còn sống, trước khi cho vào tủ lạnh bạn không nên bảo quản trong bịch kín, vì như vậy sẽ tạo điều kiện cho cà nhanh hỏng hơn thôi.
Cà tím sau khi rửa sạch, bạn có thể bổ dọc hoặc cắt thành khoanh tròn tùy thích, sau đó rắc một ít muối đều lên 2 mặt của tất cả những miếng cà rồi để yên như vậy khoảng 20 – 30 phút. Sau khi ướp muối, bạn sử dụng khăn giấy và thấm một ít nước rồi nhẹ nhàng lau sạch lớp muối dính vào bề mặt cả miếng cà. Làm theo 2 bước trên sẽ giúp cà khi chế biến được săn chắc và giảm bớt vị đắng.
Chúc các bạn áp dụng mẹo thành công và có những món ăn ngon miệng với món cà tím nhé!
Theo Thu Chang/ Gia Đình Việt Nam
https://giadinhvietnam.com/cach-chon-ca-tim-ngon-mem-non-va-khong-bi-dang-d160467.html
Theo Gia Đình Việt Nam
Link bài gốc
Copy link
https://giadinhvietnam.com/cach-chon-ca-tim-ngon-mem-non-va-khong-bi-dang-d160467.html