Rất khó chữa tật nói lắp nếu cháu vẫn tiếp tục bị chọc ghẹo. Trong một môi trường như vậy, chứng nói lắp sẽ nặng thêm. Tai hại hơn là nó sẽ dẫn đến những mặc cảm có thể trở thành bệnh lý. Trong khi chờ đợi một chuyên gia tâm lý thạo về lĩnh vực này, xin đề xuất một cách giải quyết để bạn tham khảo:
Đề nghị nhà trường tạm cho cháu nghỉ học một năm. Sớm cho cháu làm quen với âm nhạc (tân nhạc hay cổ nhạc đều được) rồi cho học đàn (hiện đại hay dân tộc tùy theo tình hình). Trong thời gian ở nhà học đàn, học nhạc, bố mẹ có thể dạy cháu học văn hóa theo chương trình nhà trường, hoặc chỉ ôn tập để khỏi quên vốn cũ.
Cũng trong thời gian này, hãy khuyên cháu nói ít và nói chậm, đặc biệt là không la mắng hay tỏ ra sốt ruột, bực mình nếu cháu nói lắp. Cần khích lệ kịp thời khi cháu nói tiến bộ, dù chỉ là một chút. Tuy nhiên, bạn không nên nhắc nhở nhiều hoặc nhấn mạnh về chuyện này, phải coi như không có gì quan trọng. Các thành viên khác trong gia đình cũng phải có một thái độ như vậy. Nhất thiết không được để ai trêu chọc cháu.
Đi vào thế giới âm nhạc, cháu sẽ suy tưởng nhiều hơn nói và nói cũng chậm rãi hơn. Những thành công nhỏ đầu tiên trong lĩnh vực này sẽ làm cháu tự tin hơn. Nếu có điều kiện, cho cháu học piano là lý tưởng nhất. Khi nào cháu nói được thật bình thường thì mới nên cho đi học, tốt nhất là ở một trường khác.