1. Một người phụ nữ còn khá trẻ về nước tránh dịch. Thay vì kiên nhẫn chờ đợi lực lượng chức năng hướng dẫn, tổ chức cách ly để đảm bảo sức khỏe của cá nhân và cộng đồng, cô ta cùng không ít người, được cho là Việt kiều đã làm náo loạn sân bay. Cự cãi, đòi hỏi quá đáng chưa đủ, cô ta quay sang chê bánh mỳ, đồ ăn …thời chống dịch. Một cô gái khác, trở về từ vùng dịch Deagu (Hàn Quốc), thậm chí còn lên facebook livetream khoe cách tránh bị cách ly. Không chỉ là giới trẻ, ngay cả những người có tri thức, có vai vế trong xã hội đi công tác từ vùng dịch trở về không những không cách ly mà còn gieo giắc nguy cơ dịch bệnh cho hằng trăm người.
2. Cả đất nước đang gồng mình chống dịch, cần lắm những câu chuyện nhân văn để lan tỏa những điều tử tế. Hơn lúc nào hết, việc làm tử tế, hành động nhân văn như một thứ dung dịch sát khuẩn vết thương trong cơn hoạn nạn này. Nhiều câu chuyện đẹp nảy mầm từ những khu cách ly tập trung. Rằng trong gian khó, người Việt luôn biết nương tựa vào nhau, cùng đồng cam cộng khổ, chia sẻ ngọt bùi. Cách ly tập trung không còn là mệnh lệnh bắt buộc mà nó là bổn phẩn, trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng. Vậy mà vẫn có những người có tư tưởng chống cách ly, vẫn tự cho mình cái quyền được phục vụ ở những nơi mà lẽ ra chính họ phải cùng đưa tay ra, cùng nắm tay để nhân lên sức mạnh cộng đồng?
Khu cách ly ở sân bay không phải phòng VIP dành cho thương gia. Bánh mỳ thời cả nước đang gồng mình chống dịch không thể là pizza Ý. Và, họ là những người về quê đi tránh dịch chứ không phải khách …du lịch. Sân bay không phải chợ trời để những người như thế mặc cả, làm giá với cả nơi chôn rau cắn rốn của mình. Không ai mong muốn dịch bệnh. Nhưng dịch bệnh lại như một phép thử lòng người. Bao nhiêu doanh nhân, nghệ sỹ trong nước đang đồng hành, chung tay cùng xã hội đẩy lùi dịch bệnh, nhân lên những điều tử tế thì vẫn có những người mang danh trở về từ “xứ sở văn minh” lại đang hành xử phản văn minh. Nếu Covid -19 như một thứ ..quỳ tím để kiểm tra …a-xít nhân cách, thì nhân cách của những người như thế đã bị “đổi màu”.
3. Người Việt vẫn gọi những người con xa xứ là kiều bào. Chữ “bào” trong nghĩa “đồng bào”, một bộ phận không tách rời dân tộc. Có những kiều bào đã làm rạng danh dân tộc, trở thành niềm tự hào mang tên Việt Nam. Buồn thay vẫn có những người mang danh “kiều bào” nhưng vừa đặt chân đến đất Mẹ đã “hiện hình” là những …đứa con hư. Ngôn ngữ mẹ đẻ đã phải dùng từ Hán - Việt để trang trọng gọi tên những người con xa xứ nhưng chính những “con sâu” đại náo sân bay giữa đại dịch đã bỉ bai Tiếng Việt bằng chính những hành động kỳ quặc. Họ không xứng đáng là đồng bào, kiều bào với chúng ta, những người con của một dân tộc luôn “thương người như thể thương thân”.
4. Thế giới những năm gần đây chưa bao giờ chứng kiến cơn đại dịch nào đáng sợ như Covid-19. Khi nỗ lực chống dịch bệnh tự nhiên chưa hết lại sản sinh ra thứ dịch bệnh “xã hội” đáng sợ không kém, đó là thứ vi-rút... nhân cách. Với những hành động phản văn hóa, vô trách nhiệm giữa lúc dịch bệnh, chính họ đã tự cách ly …phẩm giá của mình với những giá trị chung của cộng đồng. Vì thế, nỗi sợ dịch bệnh đôi khi còn không lớn bằng nỗi sợ khi phẩm giá bị…cách ly.