Bức chạm khắc tượng Phật này vừa được phát hiện trên đồi Kangva, tỉnh Pursat. (Ảnh: Peter Ford) |
Những câu chuyện về tượng Phật lớn có gương mặt bằng đá được chạm khắc đâu đó trên đồi Kangva ở tỉnh Pursat, đã được dân làng dưới chân đồi kể cho nhau nghe từ lâu, nhưng không một ai còn sống từng tận mắt nhìn thấy tượng.
Cũng bởi tại địa phương này lưu truyền những lời đồn đại về loài rắn khổng lồ và những linh hồn phiêu dạt (neak ta), khiến dân làng sợ hãi tránh xa dãy đồi “ma quái” ở khu vực đường biên giữa Pursat với Kampong Chnang (2 tỉnh cùng nằm ven bờ phía Tây hồ Tonle Sap).
Ông Bun Sopheap là người đã phát hiện ra bức tượng Phật, đang tiếp tục tham gia khai quật một hang nhỏ gần đó cũng trên đồi Kangva. (Ảnh: Peter Ford) |
Phát hiện bất ngờ vào ngày 27/11/2019, trong lúc Campuchia đang triển khai phong trào tìm kiếm lại các địa điểm và di tích lịch sử mà vì nhiều lý do đã “biến mất” theo thời gian.
Theo lời kể của ông Eng Kunthea (người đứng đầu đảng Nhân dân Campuchia tại huyện Krakor, tỉnh Pursat và cũng là cố vấn cho Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng) thì một cư dân địa phương là ông Bun Sopheap đã bất chợt nhìn thấy bức tượng Phật được chạm khắc tinh xảo, khi đang giằng co với 4 người phụ nữ trong làng vì tranh giành khu đồi đầy đá này.
Bức tượng được chạm khắc trên đá khi đó chỉ lộ ra một nửa, cho thấy Đức Phật nằm quay mặt về hướng Nam và tượng đã dầu mưa dãi nắng từ rất lâu. Một nhóm nhà sư trẻ tu tại chùa địa phương sau đó đào hết đất đá xung quanh, để lộ toàn bộ tượng Phật nằm có chiều dài 6 mét và cao 2,5 mét.
Anh Thorn Thoeurn - một cư dân địa phương trở thành hướng dẫn viên du lịch - cầu nguyện trước tượng Phật. (Ảnh: Peter Ford) |
Ông Eng Kunthea đang tham gia vào các nỗ lực tìm kiếm những địa điểm ghi lại các dấu ấn lịch sử tại nhiều địa phương đã “biến mất” theo thời gian, như một trong những biện pháp để thu hút du khách và bảo tồn lịch sử đất nước.
Hay tin về phát hiện mới này, ông Eng Kunthea đánh giá đây là một tiềm năng quý giá có thể giúp thúc đẩy phát triển ngành du lịch tỉnh Pursat, bởi bức tượng Phật này là một “viên ngọc văn hoá” mang dấu ấn lịch sử.
“Dựa và điều kiện và cách chạm khắc, có thể đoán tượng được chạm khắc vào khoảng thời gian từ thế kỷ 4 - 7” - ông Eng Kunthea nói và lý giải thêm rằng tượng Phật này khác với các bức tượng Phật được chạm khắc sau đó, ví dụ như dưới thời Oydong (thế kỷ 17 - 19).
Một số đồ gốm chưa rõ niên đại cũng được phát hiện tại nơi có tượng Phật. (Ảnh: Peter Ford) |
Từ phía Bộ Văn hoá và Mỹ thuật Campuchia, các giới chức cho biết: Theo những gì họ còn nhớ thì những tác phẩm chạm khắc mang tính lịch sử Phật giáo có thể được tìm thấy tại nhiều địa điểm trên khắp Campuchia. Nhưng phát hiện tượng Phật tại Pursat với kích thước lớn như vậy là lần đầu tiên, những bức tượng Phật lớn thường đã được thờ cúng trong nhiều thế kỷ qua chứ không hề bị quên lãng.
“Bộ không chắc chắn về niên đại của tượng Phật này, nhưng sau khi kiểm tra các đồ vật cũng được tìm thấy quanh đó cùng cách chạm khắc, tôi nghĩ tượng được chạm để tôn vinh một sự kiện quân sự hoặc một nhân vật quan trọng nào đó thời Oundong” - ông Heng Kamsan - Vụ trưởng Vụ Khảo cổ Bộ Văn hoá và Mỹ thuật nhận xét.
Tiến sĩ Martin Polkinghorne là giảng viên về khảo cổ tại Đại học Flinders, Australia, cũng có ý kiến như vậy. Tiến sĩ Polkinghorne đang hợp tác với Bộ Văn hoá và Mỹ thuật nghiên cứu lịch sử Campuchia sau thời kỳ Angkor (kéo dài từ thế kỷ 9 đến cuối thế kỷ 14) vốn để lại di sản vô cùng phong phú.
Vòng cườm thời tiền Angkor cũng được tìm thấy tại nơi tượng Phật vừa được phát hiện tại tỉnh Pursat. (Ảnh: Peter Ford) |
“Phong cách chạm khắc và biểu tượng áo choàng của nhà tu hành trong tác phẩm điêu khắc này có thể liên quan niên đại khoảng giữa hoặc đầu thời kỳ hiện đại, từ thế kỷ 16 trở đi” – ông Polkinghorne nhấn mạnh.
Càng khó để xác định xuất xứ của bức tượng Phật này khi các đồ gốm và đồ trang sức chưa rõ niên đại cũng được khai quật tại địa điểm này, bao gồm cả 1 chiếc vòng thời tiền Angkor, dường như “gợi ý” rằng: Những người chạm khắc tượng hoặc cũng có thể là những người sùng đạo đã mang những món đồ này đến địa điểm có lẽ từng là một nơi thờ phụng linh thiêng thời đó.
Dẫu sao, theo Tiến sĩ Polkinghorne, các bằng chứng về kiến trúc và chạm khắc trên khắp tỉnh Pursat cũng đã cho thấy tầm quan trọng của khu vực này thời thế kỷ 16, khi Quốc Vương Campuchia Ang Chan trở về từ Ayutthaya (tên gọi hiện nay), Thái Lan.
Ang Chan là Quốc vương trị vì Campuchia giai đoạn 1516 – 1566, ông được coi là một trong những vị Vua lừng lẫy nhất thời hậu Angkor.
Các hướng dẫn viên địa phương cùng một binh sĩ tại địa điểm vừa phát hiện tượng Phật. (Ảnh: Peter Ford) |
Được khích lệ bởi ý tưởng thu hút du khách trong tương lai muốn khám phá các địa điểm liên quan tới Quốc Vương Ang Chan và những nhân vật nổi tiếng khác trong lịch sử Campuchia, dân làng nơi đây đang tiếp tục tìm kiếm tại cả những ngọn đồi gần đó với hy vọng có thể phát hiện thêm những “kho báu lịch sử”.
Tỉnh Pursat còn có những điểm du lịch tiềm năng khác như các công viên ven sông, thác Chrak La Eang, dãy núi Phnom Lang Trach, khu Chợ Mới, làng nổi Kampong Luong…
Trong số những điểm đến đẹp và hấp dẫn của Pursat, cùng với Công viên Bờ Sông trải dài theo sông Pursat còn có Công viên Koh Sampov Meas Island (ảnh) nằm ở khu vực giữa sông Pursat, nơi đây có một số tác phẩm điêu khắc cổ, tinh xảo, thu hút du khách.
Làng nổi Kampong Luong trên hồ Tonle Sap được đánh giá là nơi độc đáo và thú vị nhất để đến thăm tại tỉnh Pursat. Làng có hơn 10 nghìn cư dân sống trên thuyền, cả làng thường trôi nổi xuôi xuống hạ nguồn theo mực nước hồ.
Sông Bac Kamronh nước trong xanh quanh năm ở làng Ang Krong, xã Samron, cách thủ phủ Pursat của tỉnh Pursat 53km về phía Tây Nam… là nơi có phong cảnh sông nước làng quê thơ mộng…
Chủ đề liên quan:
campuchia dấu ấn lịch sử du lịch Du lịch Campuchia hiện tượng phát hiện phục hồi đà tăng trưởng tượng phật