Ngày Tết, ăn mãi những món bánh chưng, bánh tét, giò chả, thịt kho... cũng ngán, nhiều người thường rủ nhau đi ăn hàng cho đổi vị và giải ngấy. Hiểu được điều này, hàng quán bán đồ ăn cũng bắt đầu mở sớm hơn, từ các loại bún phở cho đến cả quán lẩu... Tưởng thế là yên ổn có một bữa ăn ngon đầu xuân, nhưng không, bởi chúng ta lại phải đối mặt với một vấn đề rất nan giải: phụ thu ngày Tết.
Thử nghĩ mà xem, bát bún ngày thường 30k, tự nhiên Tết đến hồn nhiên đi ăn chẳng nghĩ ngợi gì, lúc tính tiền lại thấy tận 60k, ai mà không ấm ức? Tuỳ từng hàng quán khác nhau, giá cả cũng tăng lên ở những mức khác nhau. Phụ thu thường thấy là 5k - 10k/một món, có nơi lại tăng lên... gấp đôi giá bình thường, với nhà hàng thì là thêm 10% - 25% tổng giá trị hoá đơn... Rồi có những trường hợp đi ăn nồi lẩu bé xíu xiu mà giá tận 600k. Cũng bởi thế mà có người ngỡ ngàng và bối rối, có người còn thấy tức tối.
Chấp nhận phụ thu ngày Tết đã đành, nhiều người lại ấm ức hơn khi đã chấp nhận trả giá cao rồi nhưng nhận lại sản phẩm không hề tương xứng, hoặc tệ hơn là thái độ phục vụ của nhân viên gắt gỏng, khó chịu... Bên cạnh đó, một tình trạng khiến khách hàng khó chịu khi đi ăn ngày Tết là phụ thu nhưng không hề báo trước. Chính những điều này đã gây nên những luồng tranh cãi từ các cư dân mạng ở vị trí khách hàng.
Thêm một vấn đề khác, đó là khi gặp phải những khách hàng khó tính, đòi hỏi quá mức, thậm chí đòi hỏi cả những điều... vô lý, thì việc xảy ra tranh cãi là khó tránh khỏi. Thế mới nói, làm dịch vụ chính là làm dâu trăm họ, nhất là làm hàng ăn uống.
Phụ thu vừa phải, nhân viên phục vụ niềm nở, khách vui lòng đồng ý, quán kinh doanh cũng thuận lợi hơn. Thế nên xét cho cùng, mọi việc nên có thành ý từ cả 2 phía.
Cũng thật may, chuyện phụ thu đã dần trở nên quen thuộc hơn với khách hàng đi ăn ngày Tết. Các hàng quán cũng đã có thêm nhiều kinh nghiệm phục vụ trong những ngày này. Nhờ thế mà dịp Tết năm nay, chuyện phụ thu đã không còn là vấn đề quá nhức nhối như mọi năm nữa.