Bà bầu hôm nay

Chăm sóc bà bầu

Câu thần chú giúp bố mẹ thay đổi được tính khí của đứa trẻ hay nổi giận, hãy áp dụng nhanh trước khi quá muộn!

Một đứa trẻ hay nổi giận, thường xuyên vứt đồ đạc, la hét khi cáu giận sẽ làm cho các phụ huynh lo lắng. Phải làm gì để kiềm chế tính khí của đứa trẻ như vậy?

Đã bao giờ bạn đối xử với con thế này chưa?

Có hai bố con đang ngồi trên xe buýt. Ông bố thì mải mê chăm chú xem điện thoại, cậu con trai khoảng 4 tuổi ngồi im bên cạnh, thỉnh thoảng kéo tay, hỏi han bố vài câu. Chuyến xe kéo dài khiến cho đứa trẻ bắt đầu buồn chán và mất kiên nhẫn. Đứa trẻ muốn được bố chú ý, muốn được chơi cùng nhưng bố thì vẫn say mê vào màn hình điện thoại.

"Con ngồi yên xem nào. Phá phách thế hả?"

"Con hỏi nhiều quá đấy. Im lặng đi!"

"Con bị làm sao thế hả? Con không ngồi yên một chỗ được hay sao?"

Thái độ của ông bố khiến cho cậu con trai ấm ức, la hét và bắt đầu hành xử một cách kích động. Cậu bé khóc lóc dữ dội càng làm cho bố cậu cảm thấy xấu hổ. Rồi đứa bé quơ tay đánh vào người bố, ông bố tức giận tát vào mặt con trai. Hai bố con người hét người khóc, kẻ đánh kẻ la, cuối cùng tạo nên một khung cảnh náo loạn trên chuyến xe.

(Ảnh minh họa)

Nhìn lại mình, các phụ huynh đã bao giờ đối xử với con bằng thái độ nóng nảy như vậy chưa?

Khi cảm xúc của trẻ bị tổn thương, chúng sẽ phản ứng chống lại bố mẹ bằng sự tức giận và thù hận và bố mẹ lại cho rằng đứa trẻ này có tính khí thật tồi tệ. Nhưng có bao giờ nhìn nhận lại, bố mẹ thấy mình đã quan tâm đến con đủ hay chưa? Bố mẹ có thật sự chú ý đến mong muốn của con? Bố mẹ đã dành cho con đủ sự khoan dung và kiên nhẫn hay không?

Bố mẹ là tấm gương gần gũi nhất đối với con, điều này không ngoa chút nào. Bố mẹ đối với con cái bằng sự nóng nảy, thiếu kiềm chế thì đừng mong con mình sẽ ngoan ngoãn như một chú cừu non. Một khi phụ huynh không thể quản lý tốt cảm xúc của mình thì cũng không thể trách vì sao con cái của họ lại mang tính khí nóng nảy, hay cáu gắt đến như vậy.

(Ảnh minh họa)

Vì sao con mất bình tĩnh?

Có thể bố mẹ cho rằng mỗi khi con nổi giận đều là do con cố tình gây chuyện để làm phiền. Thực tế khi đứa trẻ tức giận, chúng cũng rất khổ sở mà không biết phải làm cách nào để giãi bày hoặc để đánh bay cảm xúc đó đi. Bất cứ loại cảm xúc nào cũng có cội nguồn của nó, người lớn và trẻ nhỏ cũng vậy. Trẻ đột nhiên cáu kỉnh có thể là do những nguyên nhân sau:

Khó chịu về thể chất

Nhiều khi tính khí nóng nảy của trẻ có thể là do sức khỏe không được tốt. Mệt mỏi, buồn ngủ, đói bụng hay một số tình trạng khó chịu về thể chất sẽ khiến trẻ trở nên nhạy cảm hơn, dễ bị kích động và trở nên mất kiểm soát.

Các nhu cầu bị bỏ qua

Trong lúc chơi với con ở nhà, bố cũng dùng điện thoại di động. Khi đưa con ra ngoài chơi, bố vẫn cắm mặt vào điện thoại. Đứa bé muốn chơi cùng bố, muốn được bố quan tâm, muốn được giải tỏa năng lượng nhưng hết lần này đến lần khác đều bị bố la mắng và bỏ mặc. Sự thiếu quan tâm và chăm sóc về mặt tình cảm thường là nguyên nhân chính khiến trẻ nổi cơn tam bành.

(Ảnh minh họa)

Học hỏi từ bố mẹ

Con cái luôn thích bắt chước lời nói và việc làm của bố mẹ. Chính vì thế khi bố mẹ nóng tính thì con cái sẽ rất dễ trở thành người cộc cằn. Khi đối mặt với những cơn giận đột ngột, điều quan trọng nhất là bố mẹ phải hướng dẫn và giúp cho trẻ xử lý được cảm xúc tiêu cực một cách đúng đắn.

Đối phó với "cơn tam bành" của trẻ

Đối diện với đứa trẻ hay nổi giận, tình tình cáu bẳn, có duy nhất một điều bố mẹ phải luôn ghi nhớ và cũng chỉ có một cách duy nhất để bẻ gãy tính khí xấu của con, đó chính là sự kiên nhẫn. Nếu như kiên nhẫn vẫn không giúp trẻ thay đổi tính tình, tức là bố mẹ cần phải kiên nhẫn nhiều hơn nữa.

Bố mẹ thường thích ra hàng đống các luật lệ hay kế hoạch rồi thúc giục, bắt ép con phải làm theo mà không quan tâm đến trẻ đang cần gì, muốn gì. Đến khi con phản kháng, bày tỏ cảm xúc của mình bằng sự giận dữ, bố mẹ lại cảm thấy con chỉ đang kiếm chuyện vô lý rồi mắng mỏ, trách phạt con.

(Ảnh minh họa)

Bố mẹ đi làm về mệt mỏi, nhìn vào bất cứ thứ gì cũng chán nản, đến giao tiếp với con cũng còn thấy lười. Con xa bố mẹ cả ngày chỉ muốn được gần gũi nhiều hơn, muốn được chơi, được nói chuyện hoặc chỉ cần được nhảy vào lòng bố mẹ ngồi cũng đủ sung sướng. Vậy phản ứng của bố mẹ là gì? "Thôi con ra chỗ khác đi, mẹ mệt lắm", "Con đợi chút đi, mẹ làm nốt rồi ra với con", "Con đừng hỏi nữa, bố mới đi về nhức đầu quá"...

Đã bao nhiêu lần bố mẹ đã khiến con bị tổn thương bởi sự từ chối lạnh nhạt này? Khi nhu cầu không được đáp ứng, đứa trẻ bắt đầu tỏ thái độ nhưng bố mẹ không đủ kiên nhẫn tìm hiểu lại buông lời trách mắng và gắn cho trẻ cái mác "đứa bé cáu kỉnh". Điều này có công bằng với con không?

Dù mỗi đứa bé sinh ra đều sẽ có tính tình khác nhau, trong quá trình rèn giũa tính cách của con, bố mẹ cần phải nương theo để giúp con hiểu được cảm xúc của mình cũng như có sự phát triển tâm lý tốt nhất. Và hành trang quan trọng nhất mà bất cứ phụ huynh nào cũng cần phải có càng nhiều càng tốt, đó chính là sự kiên nhẫn!

(Nguồn: Zhihu)

Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/cau-than-chu-giup-bo-me-thay-doi-duoc-tinh-khi-cua-dua-tre-hay-noi-gian-hay-ap-dung-nhanh-truoc-khi-qua-muon-20210525153552074.chn)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY