Mô tả: Cây nhỏ cao 4-5m, lá kép có thể dài đến 30cm, do một số lá chét thay đổi, thường là 3-7, ít khi 1; lá chét dày, không lông. Hoa trắng, trắng đục hay lục, mọc thành chuỳ ngắn hơn lá; đài cao cỡ 1mm; cánh hoa 5, dài 3,5mm; nhị 8-10; bầu không lông. Quả mọng tròn, trong trong, ửng hồng rồi tím đậm, xếp trên những cụm quả dài tới 25cm; hột 1-3 nâu bóng.
Nơi sống và thu hái: Cây gặp ở lùm bụi, rừng, trên đất đồi, cạnh suối từ Hà Tây, Bắc Thái đến các tỉnh phía Nam. Còn phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, Philippin và Inđônêxia. Thu hái rễ và lá quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.
Thành phần hoá học: Lá chứa nhiều loại alcaloid, trong đó có glycosmin, tương đồng với veratroylsalicin; glycosin arborin, glycosminin và arborinin; glyborin và các alcaloid, có hàm lượng ít hơn như glycosamin, glycorin, glycosmicin; còn có 2 base furoquinolin là kokusaginin và skimmianin. Từ lá cũng tách được 2 triterpen trung tính là arborinol A và B, arbinol và isoarbinol. Còn có 2 triterpen alcohol đồng phân cùng với (b-sitosterol, stigmatosterol và myricyl alcohol. Arbonin (0,5%) và arborinin (0,12%) là alcaloid chủ yếu của lá. Cũng gặp trong vỏ rễ và thân nhưng không có trong chồi, hoa, quả xanh và hạt.
Tính vị, tác dụng: Rễ và lá có vị đắng, tính mát; rễ có tác dụng khu phong trừ thấp; lá kích thích tiêu hoá, thanh nhiệt giải độc.
Công dụng, chỉ định và phối hợp Quả ăn được. Rễ và lá cũng được sử dụng làm men rượu để làm tăng hiệu suất. Rễ thường được dùng chữa tê thấp, chân tay nhức mỏi. Liều dùng 8-20g, sắc uống. Lá giúp ăn ngon và chữa sản hậu ứ huyết. Liều dùng 12-24g, sắc uống hoặc sao qua hãm uống. Dùng ngoài chữa mụn nhọt, chốc lở, rắn cắn; lấy lá tươi nấu nước tắm rửa hoặc giã đắp vết thương. Ở Ấn Độ, Cơm rượu cũng là cây Thu*c cổ truyền chữa ho, tê thấp, thiếu máu và vàng da. Dịch lá đắng dùng trị sốt, đau gan và trừ giun. Lá Cơm rượu lẫn với gừng làm Thu*c nhuyễn đắp trị eczema và các bệnh ngoài da. Rễ sắc nước xông, uống trị sưng mặt. Gỗ dùng trị rắn cắn.