Mô tả: Cây bụi cao 1-2m, nhánh nâu đậm, gai cong. Lá mang 5-9 lá chét bầu dục dài 1,5-3cm, rộng 0,8-2cm, chóp tù, gốc tròn, gân phụ 8-10 cặp, mép có răng nằm; cuống phụ 1-1,5mm; lá kèm có rìa lông và dính trọn vào cuống. Chuỳ ở ngọn nhánh; hoa rộng 3cm, cánh hoa 1x1,5cm, màu trắng, có hương thơm. Quả già đen, nhăn, xoan tròn, cao 7-8mm.
Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc hoang ở các bụi cây, rú bụi thứ sinh vùng thấp như ở Hà Bắc, Hà Nội. Cây cũng được trồng làm cành ở Đà Lạt. Thu hái rễ vào mùa thu, rửa sạch, thái nhỏ phơi khô hay dùng tươi. Lá thu hái quanh năm. Hoa, quả thu hái theo thời vụ, phơi khô.
Thành phần hóa học: Quả chứa 9,4% dầu béo. Trong vỏ của có phytosterol, triterpenoid - quercetin và a-caroten. Còn có multiflorin là một flavonoic glucosid có tính tẩy nhẹ.
Tính vị, tác dụng: Hoa có vị đắng, chát, tinh hàn; có tác dụng thanh nhiệt hoá trọc, thuận khí hoà vị. Rễ có vị đắng chát, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, khư phong hoạt lạc, giải độc. Quả già có vị chua, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt lợi thuỷ, hoạt huyết giải độc.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả già thường được chữa phong thấp nhức mỏi, kinh nguyệt không đều, hành kinh đau bụng. Ở Ấn Độ, quả dùng đắp các vết loét, vết thương, bong gân và chấn thương. Rễ cây thông tiểu tiện, xẹp phù thũng và dùng sao vàng sắc đặc uống chữa kiết lỵ cấp và mạn. Ở Trung Quốc, rễ được dùng chữa chảy máu mũi, phong thấp đau nhức khớp xương, bán thân tê liệt, rễ tươi dùng chữa trẻ em đái dầm, người già đái nhiều lần, phụ nữ kinh nguyệt quá nhiều và cũng dùng trị ghẻ lở. Lá được dùng trị thũng độc, mụn nhọt. Hoa dùng trị nóng ngực oi bức và tâm phiền miệng khát.
3. Chữa phong thấp teo cơ, lưng gối đau mỏi: Dùng rễ Hồng nhiều hoa, cây Vú bò, Ngưu tất, Dây chiều, rễ Thanh táo, Hà thủ ô, Cẩu tích mỗi vị 20g sắc uống.