Mô tả: Cây thảo sống nhiều năm, thân rễ dày mang rễ dài, có mùi thơm. Thân cao đến 2m, mọc thành bụi đứng, gốc lớn, nhiều đốt, nhẵn. Lá hình dải hẹp, nhọn đầu, thẳng, cứng dài 40-90cm, nhẵn, mép ráp; bẹ lá dẹt, lưỡi bẹ dạng gờ mỏng. Cụm hoa là chuỳ ở ngọn, thẳng, dài 20-30cm, cuống chung lớn, phân nhánh nhiều; các nhánh xếp thành vòng, không đều nhau, nhẵn, ráp, có đốt. Bông nhỏ hẹp, nhọn, màu tím nhạt, có khi vàng nhạt; bông nhỏ không cuống lưỡng tính, bông nhỏ có cuống là bông đực. Quả thóc hơi dẹt bên nhiều hay ít.
Nơi sống và thu hái: Loài phần bố ở nhiều nước nhiệt đới Phi châu và Á châu (Ấn Độ, Nam Trung Quốc, tới Inđônêxia). Ở nước ta, cây mọc phổ biến trên các đồi hoang khô, nơi nhiều nắng, trơ đất đá, xen lẫn với cây bụi thấp. Cũng được trồng ở Thái Bình, trên đất cát dọc bờ biển. Trồng vào tháng 2; thu hái chính vụ vào tháng 12, cũng thường được thu hoạch quanh năm.
Thành phần hóa học: Rễ chứa tinh dầu tỷ lệ thay đổi từ 0,1-0,3% cho tới 1-2% tuỳ xuất xứ, thường là từ 0,5-1%. Tinh dầu chứa các terpen: 2 vetiven (2 và 3 vòng), alcol: 2 vetivenol (2 và 3 vòng), alcol methylic, aldehyd; furfurol; các acid vetivenic-benzoic dưới dạng ether của vetivenol.
Tính vị, tác dụng: Rễ có vị đắng và thơm, tính mát; có tác dụng hạ nhiệt, làm ra mồ hôi, kích thích, lợi tiêu hoá, gây trung tiện, lợi tiểu và điều kinh. Tinh dầu mát và dễ chịu có mùi của Hoa tím, rất bền nếu là tinh dầu nặng.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Dân gian thường dùng rễ Hương bài nấu nước gội đầu cho thơm, lại làm mượt tóc, cho lẫn vào tủ áo quần, tủ sách để có hương thơm, chống sâu bọ (gián). Cũng thường dùng đốt thay trầm tạo cảm giác nhẹ người. Dùng rễ nấu nước tắm trị được lở ngứa, sài ghẻ. Thông thường người ta dùng rễ Hương bài làm nguyên liệu cất lấy tinh dầu thơm, dùng trong hương liệu để cố định được các tinh dầu khác dễ bay hơi, làm bột, làm kem, làm xà phòng cao cấp.
Ở Ấn Độ, người ta dùng rễ hãm uống với nhiều công dụng, chữa cảm sốt, bệnh về đường tiêu hoá và còn dùng tán bột đắp ngoài để giải nóng khi bị sốt, và dùng uống trong trị bệnh về gan. Tinh dầu cũng được sử dụng để làm tăng trương lực.