Mô tả: Cây mọc trên đất có thân chính bò, có rễ ở phần giữa, các thân mọc đứng nhiều và dài, thường phân nhánh, các cành bên lưỡng phân thường mang các bông có cuống. Lá ở trên thân chính và trên các cuống bông thì thưa và áp sát vào thân, còn lá có trên các thân đứng thì toả rộng ra, xếp sít nhau theo kiểu xoắn ốc, hình dải nhọn. Bông dài 5cm nằm ở cuối các cuống, mỗi cuống mang 2-5 bông mọc ra từ những nhánh ngắn; lá bào tử rất khác biệt với lá thường. Túi bào tử hình thận.
Nơi sống và thu hái: Loài của các vùng ôn đới và các vùng nhiệt đới. Ở nước ta, cây mọc ở vùng cao Sapa, Tam Ðảo, Lang Bian. Người ta thu hái các lá có túi bào tử trước khi chín và để cho chúng chín dần trên giấy đặt trong nhà, các túi bào tử được cho vào rây để tách bào tử ra.
Thành phần hóa học: Bào tử Thạch tùng chứa 3-4% chất khoáng, 3-4% đường, khoảng 50% dầu béo màu vàng và sáp, các sắc tố flavon. Toàn cây chứa alcaloid. Cây ở Ấn Độ có lycopodine, clavatine và clavatoxine. Cây ở Jamaica lại có clavolonine, fawcettiine (fawcettimine), lycopodine, dihydrolycopodine và L-2 (acetyl dihydrolycopodine).
Tính vị, tác dụng: Bào tử Thạch tùng có tính làm dịu các kích thích của da, tiêu viêm. Toàn cây có tác dụng lợi tiểu, kháng sinh và làm dịu. Với liều cao, nó có độc đối với hệ thần kinh trung ương.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Bào tử được dùng chữa viêm bàng quang, làm dịu đau các vết loét lở ngoài da, xoa lên da để làm dịu da. Thường dùng bột rắc ngoài hoặc xoa lên các chỗ da bị kích thích và chỗ hăm kẽ ngoài da. Ðể uống trong, người ta trộn với 9 phần đường, ngày dùng 3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê để làm dịu viêm. Toàn cây dùng chữa viêm bàng quang và viêm bể thận, chữa thấp khớp và các bệnh về phổi; cho một thìa dược liệu vào 1/2 lít nước và đun sôi uống.
Ngành Dược còn dùng bột bào tử Thạch tùng để bọc các viên Thu*c. Vì bào tử chứa nhiều dầu nên người ta còn dùng để làm pháo bông hoặc làm chớp giả.