Mô tả: Cây gỗ cao tới 10m hay hơn; cành nhỏ có màu xám đen hoặc đỏ xám. Lá kép lông chim hai lần, mọc so le, cuống dài 5-12cm hay hơn, có lông mềm, mỗi cuống cấp 1 thường có 4-5 đôi lá chét. Lá chét mọc đối, hình ngọn giáo bầu dục, dài 4-8cm, rộng 2-3,5cm, đầu có mũi nhọn dài, góc hình nêm, mép nguyên, hai mặt lá không có lông, gân bên 12-14 đôi. Cụm hoa chùy ở đầu các cánh nhỏ dài 6-15cm, bằng nửa chiều dài của lá. Hoa lưỡng tính màu trắng hay tím nhạt, khá dày hoa; lá đài khá dài, có lông, cánh hoa hình thìa dài 1-1,3cm, có lông ở mặt ngoài; nhị hợp thành ống với mép có 10-12 răng; bao phấn hình bầu dục; bầu 6-8 ô. Quả hạch lớn, gần hình cầu, dài 2,5-4cm, rộng 2-3cm, khi chín màu vàng nhạt.
Bộ phận dùng: Quả - Fructus Toosendan, thường gọi là Xuyên luyện tử. Vỏ - Cortex Meliae thường gọi là Khổ luyện bì.
Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc tự nhiên trong rừng ở độ cao 500-2000m từ Sơn La, Hòa Bình đến Nghệ An.
Thành phần hóa học: Quả và vỏ đều chứa các alcaloid mà chất chính là toosendanin; còn có chất nhựa, tanin.
Tính vị, tác dụng: Quả có vị đắng, tính hàn, hơi có độc, có tác dụng tả thủy, chỉ thống, sát trùng, thanh nhiệt, trừ thấp. Vỏ rễ và vỏ thân cũng có vị đắng, tính hàn, có độc, có tác dụng thanh nhiệt, táo thấp, sát trùng.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Quả dùng trị đau dạ dày, khoang bụng trướng đau, đau bụng giun, viêm gan, sán thống, đau bụng kinh, bệnh giun đũa, sốt nóng hôn mê đau tim, đau sườn. Vỏ được dùng trị ghẻ lở, nấm ngoài da, bệnh mày đay.
Ghi chú: Loài này rất giống cây Xoan, chỉ khác là mép lá chét, nguyên, cụm hoa chỉ dài bằng nửa chiều dài lá, quả dài tới 3cm, do vậy có tác giả chỉ xem nó như là một phần thứ của Xoan với tên Melia azedarach L., Subvar toosendan Makino.