Chuyên ngành hôm nay

Chuyên ngành

Chăm sóc bàn chân đúng cách ở bệnh nhân đái tháo đường

Ở người bệnh đái tháo đường, tổn thương bàn chân rất thường gặp và gây nguy cơ cắt cụt chi rất cao nếu không biết chăm sóc đúng cách.

Những bệnh hay gặp

Bệnh lý ở bàn chân có thể gặp ở bất kỳ người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) nào. Theo thống kê, có 5 - 7% số bị biến chứng loét bàn chân và nguy cơ cắt cụt chi ở cao gấp 15 - 46 lần so với người không bị bệnh. Trên phạm vi toàn thế giới thì cứ 30 giây lại có một bị cắt cụt chân. Những bệnh lý ở bàn chân thường gặp là:

Biến dạng bàn chân: Điển hình là Charcot. Trong bệnh lý đái tháo đường, có hai nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này là tổn thương thần kinh chi phối và suy giảm tuần hoàn tại chỗ, giảm lượng máu nuôi sẽ dẫn đến yếu mô xương, các xương ở bị gãy và khớp cổ chân, ngón chân bị biến dạng. Tuy nhiên, người bệnh ĐTĐ khi hiện tượng gãy xương xảy ra thì người bệnh không cảm nhận do tổn thương thần kinh cảm giác nên vẫn tiếp tục đi đứng dẫn đến tổn thương gãy thêm trầm trọng và biến dạng khớp, các góc xương gãy xô xuống lòng tạo ra những điểm loét da. Mặc dù hiếm gặp nhưng đây là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của ở người bệnh ĐTĐ.

Loét bàn chân: Tỷ lệ mắc loét bàn chân ở những người bị đái tháo đường thông thường từ 4-10%. Loét bàn chân là nguyên nhân hàng đầu, chiếm khoảng 85% tất cả thủ thuật đoạn chi được thực hiện ở bệnh nhân đái tháo đường. Loét thường xảy ra ở mu bàn chân và ngón cái, và thường do đi giày dép chật. Hầu hết các vết loét thường bắt đầu chỉ là những vết xước hoặc phồng da rất nhỏ nhưng do không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách nên đã bị nhiễm trùng, tiếp sau đó nhiễm trùng ngày càng lan rộng ra toàn bộ bàn chân. Đến lúc này thì mọi biện pháp điều trị nội khoa bằng Thu*c hoặc cắt lọc đều thường không có kết quả. Vì vậy, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ điều trị khi phát hiện bất cứ tổn thương hoặc bất thường nào ở chân.

Chai chân: Chai chân hình thành nhiều do tăng áp lực tại gan bàn chân ở người bệnh ĐTĐ. Do chai chân cũng có thể gặp nhiều ở người bình thường khiến người bệnh chủ quan, không chú ý làm cho chúng có cơ hội tiến triển, dễ bị nứt, loét và trở thành ổ nhiễm trùng.

Ngoài ra, bệnh lý bàn chân ở người ĐTĐ còn có thể gặp là biến đổi da như bong da, khô da, nứt nẻ do dây thần kinh chỉ huy các hoạt động làm ẩm da đã bị tổn thương hay cắt cụt chi do vết loét khó liền bị nhiễm khuẩn…

Có ba nguyên nhân chính dẫn đến bệnh lý bàn chân ở người bệnh ĐTĐ, bao gồm:

Tổn thương thần kinh ngoại biên: Tổn thương này có thể xảy ra ở bất kỳ bệnh nhân đái tháo đường nào do đường huyết trong máu cao sẽ hủy hoại lớp áo ngoài của các dây thần kinh. Những người lớn tuổi, thời gian mắc bệnh lâu có nguy cơ cao hơn. Những người bị đái tháo đường týp 1 có thể phát hiện sau 5 năm hoặc ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 được phát hiện ngay tại thời điểm mới chẩn đoán. Biến chứng này hiếm khi gây Tu vong nhưng lại là nguyên nhân chính khiến người bệnh phải cắt cụt chi do làm giảm khả năng cảm nhận cảm giác đau đớn, nóng, lạnh, sờ chạm của người bệnh. Điều này dẫn đến họ không biết bàn chân mình bị tổn thương nên khi giẫm phải đinh hay viên sỏi hoặc bị trầy xước bàn chân mà đi cả ngày không hề biết, chỉ khi chân sưng to lên hoặc nhiễm trùng nặng hoặc một ngày nào đó mà người bệnh chợt phát hiện ra nhưng việc điều trị lúc đó rất khó khăn.

Tổn thương mạch máu: Người bệnh ĐTĐ dễ bị xơ vữa động mạch, các mạch máu bị hẹp hoặc tắc sẽ làm lượng máu đến các cơ quan trong cơ thể bị giảm đi gây hạn chế khả năng điều trị khỏi nhiễm khuẩn và chữa lành các vết loét. Có khoảng 20% số bệnh nhân đái tháo đường có hẹp hoặc tắc động mạch ở chân. Tuy nhiên, tổn thương mạch máu có biểu hiện khó nhận biết như thay đổi màu sắc da, lạnh hoặc tê bì hai chân, đau chân lúc nghỉ ngơi...

Nhiễm khuẩn: Đường huyết cao ở người bệnh ĐTĐ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển thuận lợi hơn, gây ra hiện tượng vết thương dễ bị nhiễm khuẩn và lâu lành hơn. Bên cạnh đó, đường máu cao và tuần hoàn máu kém cũng làm cho các phản ứng bảo vệ chống nhiễm khuẩn ở các bệnh nhân này diễn ra chậm hơn và kém hiệu quả hơn.

Các nguyên nhân khác: Đó là béo phì, mắc kèm bệnh lý rối loạn mỡ máu gây xơ vữa động mạch cấp máu cho bàn chân, đi giày, tất không phù hợp, không kiểm soát được đường huyết làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể và tăng nguy cơ gây biến chứng…

Loét bàn chân có thể dẫn tới cụt chi.

Cách chăm sóc bàn chân

Điều quan trọng nhất và cần thực hiện trước tiên là người bệnh cần thay đổi lối sống giúp kiểm soát tốt các chỉ số về đường huyết, huyết áp và cholesterol, không uống rượu, bia, chất kích thích hay hút Thu*c lá, cần dùng Thu*c theo đúng chỉ định mỗi ngày. Ngoài ra, còn cần thực hiện:

Kiểm tra bàn chân hàng ngày: Với việc làm này, người bệnh nên chọn thời điểm thích hợp, thường là buổi tối và làm như một thói quen. Tuy nhiên, cần lưu ý chọn nơi đủ ánh sáng để có thể quan sát kỹ bàn chân, các kẽ ngón chân, phát hiện các vết nứt, phỏng rộp, vết thâm, các nốt chai chân và những chỗ đau trên da. Trường hợp không thể cúi xuống để nhìn bàn chân được thì có thể dùng một chiếc gương thích hợp hoặc nhờ người thân giúp đỡ.

Người bệnh ĐTĐ không nên đi giày cao gót hoặc các loại giày bó lấy bàn chân và gót chân, không đeo trang sức ở bàn chân.

Vệ sinh chân hàng ngày: Người bệnh ĐTĐ cần cẩn thận rửa sạch chân, đặc biệt là kẽ ngón chân với nước ấm và xà phòng trung tính nhưng không được ngâm quá lâu. Sau khi rửa, dùng khăn bông mềm thấm khô chân, đặc biệt các kẽ ngón chân. Nếu da chân khô có thể dùng kem dưỡng da bôi lên trên mu chân và dưới lòng bàn chân để giữ cho da được ẩm và trơn, nhưng không bôi vào kẽ ngón chân.

Cắt móng chân: Thời gian để thực hiện việc này có thể là mỗi tuần hoặc bất cứ khi nào người bệnh thấy móng chân đã mọc dài. Khi cắt cần chú ý cắt tỉa móng theo đường vòng của ngón, không để móng dài, không cắt quá ngắn, không cắt sâu vào các khóe móng, không tự ý cắt bỏ chai chân hay thực hiện bất kỳ nỗ lực nào để loại bỏ vết chai này như dùng dao cạo hay băng dính…

Giữ cho mạch máu được lưu thông: Đây là việc làm hết sức quan trọng giúp máu di chuyển đều đặn nuôi dưỡng bàn chân. Do đó, trong hoạt động hàng ngày, khi ngồi người bệnh không nên bắt chéo chân quá lâu mà nên đặt chân ở tư thế ngang kết hợp cử động các ngón chân trong khoảng 5-10 phút, luyện tập đi bộ, đạp xe hoặc bơi lội… Bàn chân không nên đi tất chật, đàn hồi hay có vòng cao su ở quanh cổ chân.

Cách chọn giày dép: Do bàn chân ở người bệnh ĐTĐ rất dễ tổn thương mà người bệnh lại không cảm nhận được nên việc chọn giày dép hay những lưu ý khi sử dụng rất cần thiết. Người bệnh cần luôn mang giày dép thích hợp để bảo vệ bàn chân kể cả khi đi lại trong nhà và lúc lao động ngoài trời. Khi bắt đầu đi giày, dép luôn cần kiểm tra trong lòng giày dép xem có gạch đá, vật nhọn, những chỗ gồ ghề, thủng rách hay không để loại bỏ, đi tất (loại không có chỗ nối) nhằm tránh cho bàn chân bị tổn thương. Nên chọn loại giày bằng chất liệu mềm, vừa chân, bên trong có miếng lót mềm. Không đi giày cao gót hoặc các loại giày bó lấy bàn chân và gót chân, không đeo trang sức ở bàn chân. Nên mua giày vào buổi chiều hoặc cuối ngày khi chân to nhất, chọn giày vừa cả chiều rộng, chiều dài, vừa cả gót và mõm. Khi thử giày, người bệnh phải đo cả hai chân, đứng để thử giày. Không nên đi giày mới cả ngày mà nên đi thử từ từ, mỗi ngày khoảng 1 đến 2 giờ trong một vài tuần đầu để chân được làm quen.

Một vài lưu ý khác: Khi trời lạnh, người bệnh ĐTĐ chỉ đi tất ở bàn chân, không dùng chai nước nóng hoặc các vật nóng đặt lên chân để làm ấm và cần thay tất hàng ngày vì rất dễ gây bỏng do thần kinh ngoại vi mất cảm giác. Không nên để chân trần tiếp xúc với bề mặt nóng như cát nóng, bề mặt xi măng ngoài trời nắng... Thường xuyên thay giày dép đi trong ngày, nên có hơn 2 đôi đi lại trong ngày với kiểu dáng khác nhau giúp bàn chân không tì đè mãi ở một vị trí.

BS. Nguyễn Hà

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/cham-soc-ban-chan-dung-cach-n150582.html)

Tin cùng nội dung

  • Theo Đông y, nguyên nhân của bệnh là do uất nhiệt hóa hỏa, làm phần âm của các tạng phủ, (phế, vị, thận, vân vân), bị hao tổn.
  • Từ xưa đến nay, chữa bệnh đái tháo đường bằng ăn uống được coi là cách chữa cơ bản nhất, đó là thực hiện chế độ ăn kiêng theo yêu cầu của bác sĩ nhằm duy trì lượng đường cần thiết trong máu. Chế độ kiêng khem không có nghĩa chỉ được ăn một vài loại lương thực và thực phẩm mà là lựa chọn thực phẩm cung cấp đủ lượng calo cho cơ thể.
  • Xét nghiệm dung nạp đường huyết, được sử dụng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường týp 2, hoặc tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết, tình trạng có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường.
  • Các liệu pháp dinh dưỡng giúp bệnh nhân ung thư cải thiện, duy trì chất lượng cuộc sống và tăng khả năng hồi phục bệnh.
  • Việc ăn uống bằng miệng luôn là tốt nhất nếu có thể. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể không có đủ dinh dưỡng qua đường miệng vì các vấn đề liên quan đến bệnh ung thư hoặc việc điều trị ung thư. Một số loại Thu*c giúp tăng cảm giác thèm ăn có thể được sử dụng.
  • Chăm sóc giảm nhẹ đối với bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn bao gồm liệu pháp dinh dưỡng (xem phần Điều trị triệu chứng) và/hoặc điều trị bằng Thu*c
  • Mọi người đều cần có một chế độ ăn uống khoa học và thường xuyên tập thể dục để có sức khỏe tốt và ngăn ngừa bệnh tật. Bệnh nhân ung thư có những nhu cầu sức khỏe đặc biệt, bởi vì họ phải đối mặt với những nguy cơ liên quan đến tác dụng phụ muộn cũng như sự tái phát của căn bệnh này
  • Theo ghi nhận của Hiệp hội về Lão hóa, khoảng hai phần ba những người chăm sóc bệnh nhân vẫn phải làm việc bên ngoài. Hãy cân bằng giữa công việc và việc chăm sóc bệnh nhân.
  • Nếu người thân của bạn vẫn còn trong giai đoạn đầu của bệnh sa sút trí tuệ, có thể họ chưa cần nhiều sự chăm sóc. Điều tốt nhất bạn có thể làm ở giai đoạn này là tìm hiểu về bệnh sa sút trí tuệ.
  • Răng của trẻ bắt đầu phát triển dưới nướu trước cả khi chúng ta có thể nhìn thấy. Khoảng 6 tháng sau khi trẻ sinh ra, bạn có thể nhìn thấy chiếc răng đầu tiên. Đó chỉ mới là bước khởi đầu cho những nụ cười sẽ đi theo suốt cả đời người.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY