Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân nặng như thế nào?

Các BV tuyến đầu khu vực miền Trung, trong đó có BV TƯ Huế đang nỗ lực hết mình chiến đấu với đại dịch Covid-19, các bác sĩ phải tranh thủ từng giây để dành lại sự sống cho bệnh nhân.

Đối với người bệnh mắc Covid-19, đặc biệt là bệnh nhân có mắc kèm nhiều bệnh lý nền nặng từ nhiều năm trước, ngoài các giải pháp y học hiện đại, điều trị tích cực, áp dụng các kỹ thuật chuyên sâu như ECMO, lọc máu liên tục, chạy thận nhân tạo, thở máy thì cần phối hợp nhiều nhóm giải pháp để giúp điều trị bệnh nhân.

Trong đó dinh dưỡng là biện pháp quan trọng giúp cho người bệnh nâng cao thể trạng, nhanh chóng được hồi phục sức khỏe tiến tới khỏi bệnh.

ThS.BS Nguyễn Trung Huy, Trưởng khoa Dinh dưỡng, CNĐD Nguyễn Thị Hồng Liên và nhiều lãnh đạo, nhân viên Khoa dinh dưỡng Bệnh viện Trung ương Huế đã bàn bạc, phân công rõ nhiệm vụ cho từng cá nhân của khoa, xây dựng kế hoạch thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh.

Các bác sĩ hội chẩn chăm sóc bệnh nhân Covid-19

Trước đó, Khoa đã thực hiện công việc này khá tốt, nay tập thể cả khoa quyết tâm phải thực hiện tốt hơn. Hiện tại bệnh viện có 12 bệnh nhân được chẩn đoán mắc Covid-19, kèm theo nhiều bệnh nền như ung thư, rung nhĩ, suy tim, suy thận giai đoạn cuối đã chạy thận chu kỳ trong nhiều năm, sức đề kháng kém cần có chế độ dinh dưỡng đặc biệt.

Hiện có khoảng 200 người được cách ly theo dõi tại đây. Các bệnh nhân này mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, họ được chuyển đến từ vùng tâm dịch TP. Đà Nẵng, hầu hết người thân của họ cũng đang được điều trị hoặc cách ly tại các cơ sở khác, không có người thân hỗ trợ, mọi chăm sóc đều do cán bộ y tế của bệnh viện thực hiện.

Hằng ngày, ThS.BS Nguyễn Trung Huy, Trưởng khoa và cán bộ Khoa dinh dưỡng không quản ngại khó khăn, nguy hiểm đã đến Trung tâm cách ly và điều trị Covid-19 để thăm khám cho bệnh nhân, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, sở thích, thói quen ăn uống của từng bệnh nhân.

Song song với đó, các bác sĩ cũng phải thảo luận với bác sỹ, điều dưỡng phụ trách bệnh nhân, xem xét kỹ hồ sơ, kết quả xét nghiệm trong hồ sơ bệnh án để xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp với đặc điểm bệnh lý của từng người bệnh.

Có bệnh nhân suy hô hấp, chạy thân nhân tạo, tiểu đường, cao huyết áp, suy tim…đều phải tính toán chế độ ăn riêng đảm bảo số lượng calo cho bệnh nhân.

Có người bệnh ăn cơm, người ăn cháo, ăn súp, người ăn ít muối, người ăn ít đường, người ăn hạn chế Kali… Trường hợp hôn mê, thở máy không tự ăn được cần cung cấp dinh dưỡng qua sonde dạ dày hay đường truyền. Tất cả những chế độ dinh dưỡng đều phải được tính toán chi ly.

Sau khi lập kế hoạch, công tác chuẩn bị, chế biến cũng không kém phần quan trọng, các công việc này đều được thực hiện thuần thục, nghệ thuật chế biến và thực hiện bằng cả cái tâm nghề nghiệp của cán bộ Khoa dinh dưỡng.

Tiếp đó, khâu khó khăn, phức tạp nhất đó là vận chuyển thức ăn vào vòng trong của khu cách ly, nơi đang điều trị bệnh nhân Covid-19. Bước này, câu hỏi đặt ra làm thế nào để đảm bảo an toàn thực phẩm và đảm bảo tránh lây nhiễm cho nhân viên khoa dinh dưỡng.

Bệnh viện đã tự chế tạo và sử dụng Robot hỗ trợ, hoặc nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ chuyên dụng để tránh lây nhiễm. Đều đặn như vậy, một ngày 3-4 lần, các nhân viên Khoa dinh dưỡng đã âm thầm làm công việc của mình.

Các công việc âm thầm này của họ đã góp phần quan trọng giúp người bệnh nâng cao thể trạng, nhanh chóng hồi phục sức khỏe sớm khỏi bệnh và trở về với gia đình.

Bên cạnh các biện pháp điều trị hồi sức cấp cứu tích cực, Bệnh viện cần quan tâm đến chăm sóc, dinh dưỡng cho bệnh nhân, đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân.

Mạng Y Tế
Nguồn: SoHa (https://soha.vn/cham-soc-dinh-duong-cho-benh-nhan-covid-19-nang-hon-me-phai-tho-may-o-benh-vien-tu-hue-nhu-the-nao-20200817153511481.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY