Gần đây, xuất hiện nhiều bài báo ca ngợi các tình nguyện viên những người đầu tiên tham gia tiêm thử nghiệm vắc-xin phòng Covid-19.
Nhưng trong khi có những tuyên bố rằng có thể vắc-xin sẽ sẵn sàng trong vòng một năm, khả năng điều này xảy ra rất mỏng manh.
Tại Anh, cuộc thử nghiệm dưới chỉ đạo của trường Đại học Oxford sẽ được thực hiện trên 1.100 người trưởng thành, một nửa số này sẽ trải qua thí nghiệm vắc-xin. Một nửa số còn lại sẽ được tiêm vắc-xin viêm màng não để kiểm tra.
Nhóm đứng sau cuộc thử nghiệm sẽ chuyển sang các xét nghiệm để đánh giá hiệu quả của vắc-xin chống SARS-CoV-2 vào đầu tháng 8/2020, với hy vọng vắc-xin sẽ sẵn sàng trước cuối năm nay, và đó có thể là câu trả lời cho câu hỏi khó rằng đất nước thoát khỏi giãn cách xã hội nghiêm ngặt như thế nào.
Không may thay, những niềm tin này có khả năng đã đặt nhầm chỗ. Chuyên gia điều chế vắc-xin từ Đại học Y Baylor ở Houston, Texas, bà Maria Bottazzi, gọi kế hoạch là “phi thực tế”.
Ngay cả khi mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch trong giai đoạn thử nghiệm đầu tiên, bà Bottazzi cho rằng các nhà nghiên cứu vẫn sẽ cần thời gian để xác định tính bảo vệ của vắc-xin tốt đến mức nào và liệu vắc-xin có gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào khi người được tiêm vắc-xin tiếp xúc với virus hay không.
Một nghiên cứu năm 2013 tính toán rằng, trước khi tiến hành thử nghiệm lâm sàng, trung bình 6% số vắc-xin thử nghiệm đến cuối cùng được đưa ra thị trường.
Trong số các vắc-xin được đưa vào thử nghiệm, một phân tích năm 2019 cho thấy xác suất thành công là 33.4%.
Nhưng ngay cả khi vắc-xin của Oxford thành công, vẫn sẽ có vấn đề về việc mở rộng quy mô sản xuất để tạo ra hàng trăm triệu liều vắc-xin. Theo Bottazzi, đây là một bế tắc thật sự.
Trong trường hợp khả quan nhất, toàn cầu vẫn cần kiểm tra từ 12 đến 18 tháng trước khi vắc-xin có thể được phổ biến rộng rãi, bà nói. Đó sẽ là một thành tựu đáng chú ý.
Nghiên cứu năm 2013 cho thấy từ năm 1998 đến 2009, thời gian trung bình để phát triển một loại vắc-xin là 10.7 năm.
Có thể tăng tốc độ này đến một mức nào đó – kể từ đó, vắc-xin Ebola đã trở thành vắc-xin được phát triển nhanh nhất từ trước đến nay, được sản xuất chỉ trong năm năm.
Nhưng giảm con số này xuống còn 18 tháng sẽ đòi hỏi các bước tiếp theo của quá trình phát triển phải được bắt đầu trước khi những bước trước đó được hoàn thành, Bottazzi cho biết.
Điều này gia tăng nguy cơ hao tổn chi phí đầu tư đáng kể nếu vắc-xin không được hoàn thiện, cũng như dấy lên những câu hỏi về độ an toàn.
Chẳng hạn, bước đi gấp rút từ những thử nghiệm ban đầu đến mở rộng quy mô sản xuất có nghĩa rằng các nhà nghiên cứu sẽ không còn nhiều thời gian tìm hiểu về ảnh hưởng lâu dài của vắc-xin lên tình nguyện viên trước khi đưa vắc-xin ra công chúng.
Để cố gắng xúc tiến quá trình, vào ngày 21/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Anh Matt Hancock nói rằng chính phủ sẽ đầu tư tiền vào khả năng sản xuất, với hy vọng rằng hoặc vắc-xin Oxford hoặc loại vắc-xin khác đang được Cao đẳng Hoàng gia London thử nghiệm sẽ đi đến thành công.
Những biện pháp tương tự đang được thực hiện ở nơi khác. Tỷ phú hảo tâm Bill Gates đã thông báo rằng ông đang hỗ trợ xây dựng nơi sản xuất cho bảy loại vắc-xin – một chiến lược theo ông sẽ tốn hàng tỷ đô la nhưng tiết kiệm được thời gian.
Hơn 100 loại vắc-xin cho virus Corona hiện đang trong những giai đoạn phát triển ban đầu khác nhau. Càng thử nghiệm nhiều, cơ hội tìm thấy thứ gì đó vừa an toàn vừa hiệu quả càng cao.
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng được tiêm vắc-xin là có thể chống lại virus Corona. Có rất nhiều điều chúng ta chưa biết về cách hệ miễn dịch phản ứng với virus, và liệu có khả năng tạo ra miễn dịch lâu dài hay không.
Nhưng với khoảng thời gian rất lâu, cần để tạo ra một loại vắc-xin – nếu thậm chí điều đó được chứng minh là khả thi – thì rõ ràng là các quốc gia không thể chờ đợi một loại vắc-xin để đưa họ ra khỏi khủng hoảng hiện tại.
Theo lời nhà Dịch tễ học Mark Woolhouse từ Đại học Edinburg, Anh, nói với New Scientist vào đầu tháng Tư: “Tôi không nghĩ việc chờ đợi một loại vắc-xin nên được tôn là ‘chiến lược’. Đó không phải là chiến lược, đó là hy vọng.”
Chúng ta cần thực tế trước hy vọng có được vắc-xin. Như vắc-xin cúm hàng năm, vắc-xin SARS-CoV-2 hiệu quả có thể giúp chúng ta bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất khỏi virus.
Tương tự vắc-xin tiêm phòng lúc nhỏ cho bệnh sởi và các bệnh khác, nó cũng có thể cho phép chúng ta bảo vệ các thế hệ tương lai khỏi Covid-19.
Nhưng có thể sẽ mất nhiều năm trước khi chúng ta có vắc-xin. Cho đến lúc đó, chúng ta sẽ cần phải đối phó với nhiều đợt lây nhiễm bằng các biện pháp như xét nghiệm diện rộng, truy dấu các đối tượng từng tiếp xúc và cách ly.