Tâm sự hôm nay

Phòng bệnh đừng quên “vũ khí” vắc-xin!

Phòng chống dịch bệnh là một cuộc chiến. Và trong “cuộc chiến” này, không thể thiếu vũ khí vắc-xin!
Chỉ trong một hai tuần gần đây, dịch sởi đã chững lại và các ca Tu vong liên quan trực tiếp do sởi đã không còn xảy ra. Đó có thể nói là thông tin không gì vui hơn với cộng đồng và cả với ngành Y tế. Cuộc chiến bệnh sởi tạm thời lắng lại sau những “trận đánh” liên tiếp bằng các chiến dịch tiêm vét vắc-xin sởi và cả những ngày đêm vật lộn, căng mình của tuyến điều trị mà trực tiếp là các bệnh viện ở cả hai miền Bắc - Nam.

Nhìn lại, trong 3 tháng qua, dịch sởi bùng phát dữ dội đã một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề “bỏ quên” vắc-xin phòng bệnh. Người ta đã phân tích rất nhiều về sự “bỏ quên” này. Rằng là do người dân không đưa trẻ đi tiêm chủng, là do Y tế Dự phòng đã không thể dự báo được dịch bệnh và tuyên truyền tiêm chủng không tốt. Rồi người ta cũng đổ lỗi cho truyền thông đã viết quá nhiều về tai biến vắc-xin tạo ra một hiệu ứng “hù dọa” khiến cả cán bộ y tế lẫn các bậc cha mẹ run tay, lo sợ. Nhưng dù vì lý do gì, hậu quả trong dịch sởi thì ai cũng thấy rằng: đã có trên 90% số ca mắc và ở hầu hết các ca Tu vong đều là do chưa được tiêm phòng vắc-xin ngừa sởi. Thậm chí, ở các bệnh viện nhi thuộc tuyến cuối, có thống kê cho thấy chỉ khoảng 2% số trẻ mắc sởi được tiêm đúng và tiêm đủ vắc-xin. Một con số khiến chúng ta phải... giật mình!

Dịch sởi vừa qua là một bài học lớn! Và hậu quả thật xót xa, nhiều ca Tu vong do sởi và những biến chứng liên quan đến căn bệnh mà vốn trong y khoa, không phải là một bệnh quá phức tạp và nguy hiểm. Một lãnh đạo của Cục Quản lý khám chữa bệnh trong Hội nghị phòng chống dịch bệnh mùa hè vừa tổ chức tại TP.HCM đã phải tốt lên: “Đừng để bệnh viện là phòng tuyến cuối cùng phòng chống dịch bệnh, bởi bệnh viện chỉ là nơi chữa bệnh. Nếu để BV phải phòng dịch thì chẳng khác nào đã thất bại trước dịch bệnh”. Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia y tế thừa nhận, với cơ sở vật chất và nhân lực hiện tại của ngành Y tế, dẫu cho đã phát triển rất nhiều so với nhiều năm trước, trình độ chuyên môn cũng được nâng lên rất cao, các kỹ thuật mới được cập nhật..., thì vẫn phải cảnh báo rằng nếu dịch bệnh đồng thời bùng phát mạnh hơn trong thời gian qua thì e rằng các “phòng tuyến” sẽ không thể đứng vững.

Chủ động phòng bệnh, nhất là cho trẻ nhỏ, không gì hiệu quả, thiết thực và thiết cần như tiêm vắc-xin! Cũng vì lẽ đó, Chương trình tiêm chủng quốc gia đã được ngành Y tế và Nhà nước xây dựng, duy trì và phát triển từ nhiều năm nay. Hiện độ phủ trong chương trình đã lên đến hàng chục loại vắc-xin để ngừa hàng chục loại bệnh tật nguy hiểm có thể khởi phát ở trẻ nhỏ. Nhưng chưa dừng lại ở đó, ngành Y tế và Chính phủ vẫn đang tiếp tục đầu tư để chủ động sản xuất được thêm nhiều loại vắc-xin hoặc nỗ lực xin thêm tài trợ vắc-xin “hiếm” để đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng nhằm phục vụ và bảo vệ trẻ em, những mầm non của đất nước!

Hơn lúc nào hết, tính bền vững của tiêm chủng phải được xây dựng và củng cố. Phòng chống dịch bệnh là một cuộc chiến. Và trong “cuộc chiến” này, không thể thiếu vũ khí vắc-xin!

Tuân Nguyễn

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-phong-benh-dung-quen-vu-khi-vac-xin-5641.html)
Từ khóa: vắc-xin

Chủ đề liên quan:

vắc xin vũ khí

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY