Dinh dưỡng hôm nay

Chất béo ăn thế nào cho hợp lý?

Nếu biết ăn đúng cách, hợp lý, chất béo sẽ cung cấp năng lượng cho cơ thể giúp làn da khỏe đẹp, đẩy mạnh quá trình hấp thu vitamin cũng như tăng cường chức năng khác cho cơ thể.

Chớ kỳ thị chất béo

Viễn cảnh tăng cân, mập ú, phá vóc dáng đã ám ảnh không biết bao chị em, chính nỗi ám ảnh đó đã khiến chị em dần dần kỳ thị chất béo, nhiều người đã hạn chế tối đa, thậm chí còn loại hẳn chất béo ra khỏi thực đơn hàng ngày của mình.

Trường hợp của chị Nguyễn Thị Thy (P.8, Q.Gò Vấp, Tp.HCM) là một ví dụ khá điển hình về việc tác dụng ngược của việc hạn chế quá mức chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày. Công việc tại văn phòng luật khiến chị đối diện với rất nhiều áp lực của các vụ kiện cáo tranh tụng, thấy cơ thể thường xuyên bị mệt mỏi, uể oải, trong người lúc nào cũng cảm thấy bất ổn về tâm lý, chị cho rằng do áp lực công việc khiến bản thân mình như vậy. Tuy nhiên, hiện tượng này kéo dài một thời gian quá dài khiến chị không khỏi nghi ngại. Đi khám lại không phát hiện ra bệnh gì.

Khi chị Thy chia sẻ với bác sĩ dinh dưỡng, chị mới thấy tình trạng mệt mỏi, uể oải của bản thân là hậu quả tất yếu của việc hơn nửa năm nay chị đã tiến hành chiến dịch giảm cân, hạn chế tối đa chất béo trong các bữa ăn. “Từ khi giảm cân, tôi hạn chế tối đa chất béo, bất cứ loại gì có liên quan đến chất béo là tránh xa vì bị ám ảnh vì béo”- chị Thy nói.

Theo BS. Lê Văn Nhân (Phó giám đốc, Trung tâm Y tế Dự phòng Tp.HCM): Khi chúng ta nói về vấn đề cân bằng chất dinh dưỡng, chúng ta hãy hình dung rằng, trong một bữa ăn của gia đình chúng ta luôn cần đầy đủ 4 nhóm chất bao gồm:

- Nhóm chất đầu tiên đó là các chất bột đường, (có trong cơm, phở…) cung cấp năng lượng chủ yếu cho các hoạt động của cơ thể.

- Nhóm thứ 2 là nhóm đạm (bao gồm thịt, cá, trứng, sữa, hải sản), nhóm này sẽ cung cấp các nhóm chất đạm, protein, các nhóm chất này sẽ tạo nên cấu trúc của cơ thể ngoài ra cũng có thể tạo ra năng lượng.

- Nhóm thứ 3 là rau quả, trái cây, nhóm này sẽ cung cấp vitamin, chất xơ và khoáng chất.

- Nhóm thứ tư là chất béo có trong dầu ăn hay mỡ, các nhóm này sẽ cung cấp các chất béo hoạt động cần thiết của cơ thể.

Lượng chất béo cần thiết cho cơ thể của người Việt Nam là từ 15-25g/người/ngày. Lượng chất béo đầy đủ khi vào trong cơ thể ngoài chuyện tạo ra năng lượng cho cơ thể, chất béo còn góp phần tạo nên hormone sinh dục nam và nữ và một số nội tiết tố khác. Ngoài ra chất béo còn cung cấp thành phần chính cho sự phát triển của não bộ, bởi vì, não bộ của chúng ta cấu tạo từ 80-90% là chất béo.

Việc thiếu hụt chất béo sẽ khiến cơ thể có thể sẽ có nguy cơ mặc một số bệnh như: giảm mô mỡ dự trữ, sụt cân, bệnh chàm da, thiếu hụt một số vitamin hòa tan trong chất béo...

Do đó không phải cứ nghĩ đến chất béo là xấu. Việc quan trọng là cần bổ sung chất béo sao cho hợp lý trong cơ cấu từng bữa ăn hàng ngày để duy trì, bổ sung cho cơ thể một cách hợp lý.

Ăn chất béo như thế nào cho có lợi?

Viện Dinh dưỡng (thuộc Bộ Y tế) đã khuyến nghị mức tiêu thụ chất béo hàng ngày cho người trưởng thành (chung cho cả nữ và nam) từ 18-25% tổng năng lượng khẩu phần ăn.

Còn theo PGS.TS.BS Đỗ Thị Hòa (Phó chủ nhiệm Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn vệ sinh thực phẩm, ĐH Y Hà Nội): “Để có một chế độ dinh dưỡng hợp lí có lợi cho sức khỏe thì điều đầu tiên quan trọng nhất là khẩu phần ăn phải đáp ứng được nhu cầu và tính cân đối của các chất dinh dưỡng như protein, lipit, glucid, vitamin và các chất khoáng. Trong đó, cân đối lipit đóng vai trò rất quan trọng. Lượng lipit nguồn gốc thực vật nên chiếm khoảng 20-30% tổng lượng lipit của khẩu phần ăn. Người dân có thể bổ sung chất béo có nguồn gốc từ thực vật thông qua việc sử dụng dầu ăn chất lượng tốt”.

Hàng ngày, cần bổ sung một lượng chất béo hợp lý và có chọn lọc. Các loại chất béo có lợi cho sức khoẻ là chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa, có nhiều trong dầu thực vật (đặc biệt là dầu hạt cải, dầu ô liu), cá. Các loại chất béo này không làm tăng cholesterol trong máu, giúp làm giảm nguy cơ các bệnh tim mạch.

Nên tránh chất béo bão hòa có nhiều trong một số sản phẩm sữa và chất béo trans (chất béo chuyển hóa) có nhiều trong bánh kẹo, đồ ăn nhanh, margarine cứng. Lý do không phải vì các loại này cung cấp nhiều calories hơn các chất béo không bão hòa, mà vì chúng làm tăng cholesterol, dẫn đến nhiều nguy cơ về mặt sức khoẻ. Cần phối hợp các loại thực phẩm đa dạng giữa các thức ăn động vật và thức ăn thực vật; Tuyệt đối không nên lạm dụng các sản phẩm chế biến sẵn giàu chất béo…

Một số chỉ dẫn giúp bạn nạp chất béo tốt một cách cân bằng

- Chọn ăn thịt nạc và thực phẩm từ sữa tách béo.

- Tránh ăn thực phẩm từ thịt đã qua chế biến công nghiệp.

- Bổ sung dầu cá theo liều quy định.

- Ăn các loại cá có dầu 3 bữa/1 tuần.

- Ăn một nắm các loại hạt mỗi ngày.

- Nấu ăn với dầu ô liu.

- Tránh ăn bánh quy, bánh ngọt và các loại thực phẩm khô dùng dầu cọ và dầu thực vật hydro hóa.

Trần Nguyễn

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/dinh-duong/dinh-duong/chat-beo-an-the-nao-cho-hop-ly-13450/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY