Kho chứa hóa chất bị cháy có diện tích khoảng 900 m2, thuộc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cường Việt.
Theo đó, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội, trao đổi với PV Zing, kho này thuộc một cơ sở kinh doanh hóa chất đã được cấp phép.
"Chúng tôi đã cử các đơn vị lấy mẫu để xác định các thành phần hóa chất bên trong. Bước đầu cơ sở kinh doanh khai báo toàn bộ là cồn methanol. Chúng tôi đang lấy mẫu phân tích để có khuyến cáo cho người dân", ông Thái nói.
PGS.TS Trần Hồng Côn (nguyên giảng viên Khoa Hóa, đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), cho biết methanol (CH4O) là một hợp chất bay hơi rất nhanh trong không khí, không màu có mùi đặc trưng.
"Đây là chất độc đặc biệt với mắt và hệ thần kinh, khi hít hoặc uống phải một lượng methanol lớn vào cơ thể có thể gây ngộ độc dẫn đến Tu vong, tiếp xúc trực tiếp có thể gây mù mắt", tiến sĩ Hồng Côn nói.
Được biết, khi kho chứa loại hóa chất này bị cháy thì 2 trường hợp có thể xảy ra.
Một là nếu đám cháy lớn, toàn bộ lượng methanol bị cháy hết thì sẽ bị phân giải hết thành CO2 và nước không gây độc hại. Nhưng nếu lượng methanol không cháy hết mà bị rò rỉ ra ngoài, hoặc các công cụ chứa bị vỡ, hư hỏng do hỏa hoạn có thể khiến methanol phát tán vào không khí, gây nguy hiểm cho người dân xung quanh.
Ông Côn cho rằng trước mắt lực lượng chức năng cần khẩn trương xác định methanol có bị phát tán ra ngoài hay không, nếu có phải đo đạc chính xác để đánh giá mức độ nguy hiểm. Cùng với đó, phải cách ly người dân ở các khu vực gần nhà máy trong khi chờ kết quả đo đạc.
"Cũng phải xác định chính xác xem bên cạnh methanol còn những hóa chất nào khác nữa và mức độ nguy hiểm thế nào", ông Côn nói.
Cũng theo ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội - cho biết trên báo Dân Trí, sau sự cố cháy nổ xảy ra tại kho chứa hóa chất ở phường Thượng Thanh (Long Biên), Sở này đã cử cán bộ xuống hiện trường phối hợp với lực lượng công an hướng dẫn các biện pháp khắc phục tạm thời và chỉ đạo các đơn vị quan trắc chất lượng môi trường xung quanh.
Quá trình kiểm tra, ông Định cho biết, giữa nhà kho bị cháy (diện tích khoảng 900 m2) có 1 bồn chứa hóa chất với đường kính khoảng 4 m, dài khoảng 10 m, bị cháy đen xung quanh. Đặc biệt, khi kiểm tra, bồn chứa này có hiện tượng rò rỉ hóa chất ra bên ngoài. Lực lượng PCCC đã phải bơm bê tông tươi vào chân bồn chứa để ngăn hóa chất rò rỉ ra môi trường.
Đám cháy kéo dài 3 giờ thiêu rụi nhà kho, trong quá trình đó nhiều thùng phuy phát nổ, bắn xa cả trăm mét. Khi kiểm tra hiện trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng ghi nhận các thùng phuy loại 200 lít chứa hóa chất bị cháy, nhiều thùng chứa phát nổ; còn khu vực cuối xưởng có 1 lò hơi đốt than.
Đại diện Sở cho biết, theo giấy phép do Sở Công thương Hà Nội cấp thì Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cường Việt chỉ được kinh doanh hóa chất. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy, cuối nhà xưởng có 1 lò hơi đang sử dụng.
“Như vậy, Công ty TNHH sản xuất vừa thương mại Cường Việt có thể đang thực hiện các hoạt động sản xuất hóa chất tại địa điểm này”, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội nhận định.
Về việc xử lý hóa chất phát tán ra môi trường, Sở TN&MT thông tin các đơn vị liên quan đã làm mái che phủ toàn bộ khu vực cháy, thực hiện chống thấm để ngăn ngừa tro xỉ, hóa chất phát tán ra môi trường.
Trước đó, ngay sau khi xảy ra vụ cháy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu triển khai các biện pháp kiểm soát, hạn chế nếu có nguy cơ phát tán hóa chất ra môi trường xung quanh. Ông Chung yêu cầu do nồng độ hóa chất, có kết quả như thế nào thì đều phải công bố, công khai đến với người dân.
Theo Chủ tịch Hà Nội, từ bài học xảy ra ở vụ cháy nhà máy Rạng Đông, tất cả những vụ cháy liên quan hóa chất phải ứng phó theo phương án khác với những vụ cháy thông thường.