Không chỉ biểu hiện của tình trạng viêm tại chỗ, triệu chứng này còn là dấu hiệu của tình trạng bệnh lý khác.
BN Nguyễn Văn Mạnh (Tiền Giang), 18 tuổi, đến khám tại BV ĐH Y Dược TPHCM vì thường bị chảy máu mũi, thể trạng kém, da xanh xao, thỉnh thoảng nhìn mờ. Sau khi khám và nội soi, bác sĩ kết luận BN đã bị u xơ vòm mũi họng, khối u xâm lấn dây thần kinh vận nhãn. BN được chỉ định mổ để lấy trọn khối u. Sau ca phẫu thuật kéo dài hơn bốn giờ, khối u đã được xử lý triệt để.
ThS-BS Lý Xuân Quang, Phó khoa Tai Mũi Họng, BV ĐH Y Dược TPHCM, cho biết: “U xơ vòm mũi họng (một dạng u mạch máu) thường gặp ở nam, độ tuổi từ 11- 19, với triệu chứng điển hình là chảy máu mũi nhiều và dai dẳng”. Đây là dạng bướu lành, nếu kích cỡ nhỏ thì việc điều trị khá đơn giản, chỉ cần mổ nội soi lấy trọn bướu. Do đó, ngay khi thấy hiện tượng chảy máu mũi kéo dài cần sớm đi nội soi kiểm tra.
Ảnh mang tính minh họa: Internet |
Nếu để lâu, bướu sẽ phát triển to và xâm lấn lên sàn sọ hoặc một số dây thần kinh gây nên tình trạng mắt lé, nhìn mờ… Không chỉ vậy, khi kéo dài không điều trị, người bệnh còn có thể bị thiếu máu mạn tính do u xơ, đồng thời gây chảy máu trong (xuống đường họng), âm thầm, rất khó nhận biết. Trường hợp bướu quá to, đặc biệt là đã xâm lấn các bộ phận khác, buộc phải mổ hở và ca mổ trở nên khó khăn, phức tạp hơn. Sau khi mổ, u xơ vẫn có thể tái phát với tỷ lệ thấp.
Thường gặp nhất là tình trạng chảy máu điểm mạch, dân gian gọi là chảy máu cam, chủ yếu ở trẻ dưới chín tuổi. Nguyên nhân, do bị viêm mũi xoang hoặc bị sang chấn nhẹ, làm sung huyết các mạch máu. Khi đó, chỉ với một cái hắt hơi nhẹ hoặc ngoáy mũi cũng làm vỡ điểm mạch và gây chảy máu.
ThS-BS Nguyễn Minh Hảo Hớn, Khoa Mũi xoang, BV Tai Mũi Họng TPHCM khuyến cáo: Trong trường hợp này, cha mẹ nên bình tĩnh cho bé ngồi trên ghế, đầu hơi cúi ra trước, dùng hai ngón tay bóp chặt cánh mũi bé lại từ năm-bảy phút, hướng dẫn bé thở qua miệng. Nếu máu chảy nhiều xuống họng ồ ạt, để tránh gây ngạt thở, cha mẹ nên cho bé nằm sấp trên đùi của mình và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Thực tế cho thấy, nhiều cha mẹ đã có những xử trí sai lầm, gây nguy hiểm cho trẻ. Cha mẹ cần tránh bắt bé ngước mặt lên vì sẽ làm máu chảy xuống họng, nuốt vào dạ dày, gây ói và khó đánh giá được mức độ mất máu. Không cho bé hít nước đá lạnh vì dễ làm sặc và chảy máu mũi nhiều hơn. Không tự ý dùng Thu*c xịt mũi dạng co mạch vì nếu không đúng liều lượng, không phù hợp sẽ gây biến chứng nguy hiểm.
Nên phòng ngừa bệnh viêm mũi xoang, đặc biệt khi thời tiết chuyển mùa, bằng cách giữ ấm đường hô hấp: đeo khẩu trang khi di chuyển ngoài đường, giảm tiếp xúc với hơi lạnh, tránh uống nước lạnh, nước đá... Uống đủ nước giúp mũi tiết đủ dịch làm trơn tru đường thở, tránh tạo vảy, gây viêm. Có thể dùng thêm dạng nước muối S*nh l* xịt để giữ ẩm cho mũi. Vệ sinh họng bằng cách súc miệng bằng nước muối S*nh l* hai lần mỗi ngày.
Chảy máu mũi nếu xảy ra ở những người trên 40 tuổi thì không chỉ biểu hiện bệnh lý tại chỗ mà còn liên quan đến những bệnh lý toàn thân. Đối với bệnh lý tại chỗ, nguy hiểm nhất phải kể đến là nguy cơ bị ung thư vòm. Chảy máu đôi khi là triệu chứng sớm nhưng cũng có thể khi khối u đã to và bị viêm nhiễm, loét. Nổi hạch ở góc hàm đôi khi là triệu chứng sớm nhất nhận diện ung thư vòm, nguyên nhân đa phần liên quan đến chế độ ăn uống nhiều loại thực phẩm lên men hoặc do hoạt động của vi-rút Epstain Bar (EBV).
Nội soi là phương pháp cận lâm sàng khá nhẹ nhàng và hữu hiệu để chẩn bệnh, vì vậy nên thực hiện khi khám bệnh định kỳ hoặc ngay khi thấy có triệu chứng nổi hạch góc hàm hoặc chảy máu mũi. Là ung thư thường gặp, đứng hàng thứ 5-6 trong các loại ung thư nhưng tiên lượng sống trên 5 năm của ung thư vòm khá tốt với tỷ lệ từ 70-80%.
Ít gặp hơn là bệnh ung thư hàm sàng. Bệnh có thể gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau. Nếu bướu ẩn khuất trong các xoang thì nội soi tầm soát thông thường sẽ rất khó phát hiện, cần được chụp CT Scan hoặc MRI. Tiên lượng sống trên 5 năm của bệnh này kém hơn ung thư vòm, chỉ khoảng 50-60%.
Nếu mắc phải bệnh cao huyết áp, dễ có nguy cơ bị chảy máu mũi nếu huyết áp không được kiểm soát tốt hoặc ngược lại chảy máu mũi là dấu hiệu cảnh báo bạn đã bị cao huyết áp.
Chủ đề liên quan:
alobacsi.com bệnh lý bệnh lý nguy hiểm cao huyết áp chảy máu chảy máu mũi dấu hiệu máu cam máu mũi nguy hiểm viêm mũi xoang