Chè hột vịt cách nấu cũng giống như các loại chè khác. Nếp "rặt", đậu xanh hột xay vỡ nếp và đậu xanh "vo" sạch, nấu nhừ, "khổ tai" người ta còn gọi là rong biển ngâm nước đợi cho lá nở ra, xắt mỏng để cho vào tộ.
Khi thấy đậu xanh và nếp có chất nhựa, lúc này nồi cháo đã nhừ, cho đường cát trắng vào, đừng để ngọt quá ăn mau ngán, vớt bọt nhiều lần. Đợi nồi chè sôi nổi bong bóng mới đập hột vịt cho vào nồi, lấy dao nhỏ chặt nhẹ thật khéo chính giữa hột vịt, rồi kê gần miệng nồi từ từ trút hột vịt vào, làm như vậy hột vịt sẽ được giữ nguyên, lòng trắng và lòng đỏ dính vào nhau, nên nhớ khi cho hột vịt vào đừng trộn, nếu làm như vậy hột vịt sẽ vỡ ra nồi chè đậu xanh "lềnh" ăn không ngon lại mau ngán. Khi nào thấy hột vịt chín dính lại với nhau mới dùng đũa trộn đều, lúc này mới trút "phổ tai" xắt nhỏ vào nồi, đợi sôi vài dạo rồi nhắc xuống. Chè hột vịt ăn rất ngon và bổ, nước chè ngọt có mùi thơm của đậu và nếp, đặc biệt khi cắn từng tí hột vịt ta sẽ có cảm giác lạ vừa ngọt lại vừa béo của hột vịt, chấp miệng nuốt từ từ mới thấy thú vị. Mùi thơm của nếp, đậu xanh và chất ngọt của đường, một hỗn hợp gia vị lại thêm chất béo của hột vịt thật là món ăn là xưa nay chỉ nghe nói mà tưởng tượng, nay thử rồi mới biết quả là món ăn đặc biệt ngọt, béo giòn thơm của "phổ tai".
Có thể cho thêm nước cốt dừa và một ít gừng xắt chỉ, hột đậu phộng. Nước cốt dừa có béo ngon thật, nhưng ăn dễ ngán, món này chỉ dùng cho những người có dạ dày khỏe, còn thông thường nên giữ nguyên nồi chè như cũ đừng để nước cốt dừa.
Nguồn: Internet.